Tại sao token DOT chưa tăng giá?

Mặc cho sự kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, đâu là lý do khiến token DOT (token của Polkadot) vẫn chưa tăng giá?

10713Total views
Tai sao token DOT chua tang gia? - anh 1
Tại sao token DOT chưa tăng giá?
Tai sao token DOT chua tang gia? - anh 2
Tác giả Kiên Bùi – Research Analyst tại Coinvn

Bài viết dưới đây được viết dựa trên ý kiến đánh giá của tác giả Kiên Bùi qua bài phân tích Tại sao DOT chưa tăng giá?. Kiên Bùi là Founder và CEO của SynerWork. Trước đó, anh là cựu Founder của Lamchame.com. Anh có kinh nghiệm đầu tư thành công nhiều dự án phi tập trung. Thêm vào đó, hiện anh cũng đang là chuyên gia phân tích tại Coinvn.

Token DOT là gì?

Token DOT là token gốc của blockchain Polkadot, được thành lập vào năm 2016 bởi Web3 Foundation. Những người sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ này gồm có người đồng sáng lập Ethereum là Gavin Wood, nhà nghiên cứu blockchain Robert Habermeier và giám đốc công nghệ Peter Czaban. Ý tưởng đằng sau Polkadot là tạo ra một blockchain giúp hỗ trợ các blockchain khác mà do người dùng tự tạo ra.

Bản thân Polkadot hiện đang duy trì 2 loại blockchain. Một là chuỗi chính, được gọi là relay chain, các giao dịch diễn ra trên chuỗi này được lưu lại vĩnh viễn. Chuỗi còn lại được gọi là parachain. Những chuỗi này do người dùng của Polkadot tạo ra và liên kết thành chuỗi relay chain, cho phép những chuỗi do người dùng tạo ra được hưởng lợi từ tính bảo mật của chuỗi chính.

Lý do token DOT chưa tăng giá

Polkadot được nhiều người tham gia đầu tư. Họ đều mong muốn giá token DOT sẽ tăng để họ có cơ hội thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, vì sao token DOT chưa tăng giá? Cùng tìm hiểu 2 nguyên nhân chính sau đây:

Polkadot chưa triển khai xong các giai đoạn chủ chốt 

Do Polkadot là một dự án phức tạp nên dự án này được chia ra làm nhiều giai đoạn triển khai. Hiện Polkadot chưa triển khai xong các giai đoạn then chốt của mình. Chỉ khi dự án triển khai được trọn vẹn toàn bộ các thành phần chủ chốt, khi đó Polkadot nói chung cũng như token DOT nói riêng mới đem lại giá trị, từ đó giá token DOT mới có thể tăng.

Cùng Coinvn tìm hiểu các giai đoạn Polkadot cần trải qua để đem về giá trị cho dự án cũng như thúc đẩy giá DOT tăng:

Giai đoạn 1: Lên mạng lưới chính thức (mainnet)

Ở giai đoạn này, Polkadot mới chỉ là một blockchain có những chức năng cơ bản như gửi, nhận và staking. Như vậy, với giai đoạn này, dự án vẫn chưa có nhiều giá trị. Thời điểm đó còn quá sớm để các nhà đầu tư đầu cơ và hy vọng giá DOT sẽ tăng.

Giai đoạn 2: Ra mắt các parachain

Giai đoạn này vẫn là khởi đầu cho quá trình triển khai. Hiện mới chỉ có 5 parachain đấu giá thành công và bắt đầu đi vào hoạt động trên mạng lưới Polkadot. Vì các parachain này là các blockchain lớp 1, gồm: Ethereum, Solana, Avalanche…, những nền tảng này sẽ cần thời gian để xây dựng và phát triển các ứng dụng của mình. Sẽ phải mất ít nhất là vài tháng để những ứng dụng đó có thể vận hành và thu hút thanh khoản cũng như người dùng.

Giai đoạn 3: Thiết lập các cầu nối

Nếu các parachain không kết nối với nhau cũng như kết nối với các nền tảng bên ngoài, sẽ rất khó để thu hút thanh khoản và người dùng từ những nền tảng khác sang. Thêm vào đó, các parachain cũng cần tạo điều kiện hấp dẫn để nhiều nhà phát triển tham gia và xây dựng những ứng dụng độc đáo của họ lên trên mạng lưới. Đó sẽ chính là điều đặc biệt giúp giữ chân người dùng ở lại với nền tảng, nếu không, người dùng và thanh khoản sẽ chạy đến những nền tảng có mức yield cao hơn.

Polkadot khác các hệ sinh thái đồng nhất khác ở chỗ, nền tảng này có nhiều loại cầu nối: Cầu nối giữa các parachain và parathread với nhau, cầu nối giữa Kusama với Polkadot, cầu nối giữa Polkadot hoặc Kusama với các nền tảng khác và thậm chí là cầu nối trực tiếp từ các parachain đến các nền tảng khác.

Giai đoạn 4: Thiết lập các trụ cột cho DeFi

Polkadot định hướng là một nền tảng cho các nền tảng. Để làm được điều đó, Polkadot cần có các thành phần DeFi chủ chốt để có thể chia sẻ cho các nền tảng vận hành trên Polkadot. Điều đó giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho các parachain, đồng thời tăng cường được hiệu ứng mạng cho toàn bộ hệ sinh thái.

Các trụ cột cho DeFi mà Polkadot cần có:

Stablecoin

Yếu tố DeFi chủ chốt đầu tiên chính là stablecoin. Để giữ chân người dùng ở lại với hệ sinh thái, Polkadot không thể thiếu các loại stablecoin mạnh trong trường hợp thị trường bị suy giảm mạnh. Cụ thể, các nhà đầu tư sẽ bán coin và giữ tài sản số của mình dưới dạng stablecoin và đợi đến khi thị trường đã ổn định, họ sẽ dùng stablecoin đó để mua lại những tài sản trên. 

Ngược lại, nếu không có các stablecoin mạnh, người dùng sẽ chuyển sang sử dụng hệ sinh thái khác. Điều này sẽ khiến cho hiệu ứng mạng suy giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngoài các stablecoin có tài sản đảm bảo, Polkadot cũng cần phải có các stablecoin phi tập trung tương tự như cách hoạt động của đồng DAI trên nền tảng Ethereum. Như vậy, Polkadot mới có thể giảm thiểu rủi ro bị phụ thuộc vào các cầu nối.

Các cầu nối với nhiều nền tảng khác nhau

Điểm đặt biệt của Polkadot là có cầu nối Interlay, cung cấp khả năng chuyển Bitcoin một cách phi tập trung để từ đó có thể giao dịch trên các sàn phi tập trung. Nhờ vậy, người dùng có thể giữ được tính ẩn danh của mình, đồng thời vẫn tận dụng cơ hội để tăng lợi nhuận thông qua việc cho vay, staking, hoặc tham gia giao dịch khi có cơ hội… Có thể nói, Polkadot sẽ là nền tảng có nhiều cầu nối đa dạng nhất.

Các sàn giao dịch phi tập trung (gồm cả các sàn giao dịch phái sinh)

Khác với những nền tảng smart contract, lợi thế của Polkadot là cho phép các sàn giao dịch (mà là parachain) có thể lập trình để thực hiện giao dịch dạng order book giống như các sàn tập trung. Điều đó sẽ giúp giảm được chi phí slippage. Đây chính là nguyên nhân khiến giao dịch trên sàn phi tập trung dạng AMM đắt hơn trên sàn tập trung. Thêm vào đó, những sàn phái sinh sẽ khoá tài sản số của người dùng để tạo ra các tài sản phái sinh, việc đó sẽ giữ người dùng ở lại với hệ sinh thái lâu hơn.

Nhờ việc Interlay có thể đưa Bitcoin vào hệ sinh thái phi tập trung của Polkadot, các sàn giao dịch có thể hỗ trợ giao dịch Bitcoin để đổi sang các tài sản khác hoặc các sàn cho vay cho phép đặt cọc Bitcoin để vay tiền đầu tư vài các dự án khác. Những điều trên giúp lượng thanh khoản trên toàn hệ thống sẽ lớn. Đó chính là thứ sẽ thu hút các lập trình viên triển khai thêm ứng dụng cũng như hấp dẫn người dùng ở lại với hệ sinh thái.

Các dịch vụ cho vay

Để các nhà đầu tư có thể trải nghiệm giao dịch được trơn tru, các dịch vụ DeFi cần có nhiều thanh khoản. Điều này giúp người dùng có nhiều cơ hội giao dịch như đòn bẩy, option, future…

Việc phát triển hệ sinh thái của Polkadot còn gặp nhiều khó khăn

Polkadot ra đời sau

Một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển hệ sinh thái của Polkadot còn gặp nhiều khó khăn là vì Polkadot là nền tảng ra đời sau, lượng người dùng trên nền tảng còn tương đối ít. Các nền tảng ra đời trước đó đã định vị được chỗ đứng của mình trên thị trường và có cho mình những tệp khách hàng riêng.

Cụ thể, các nhà đầu tư chịu được chi phí cao có thể lựa chọn Ethereum, còn muốn giá cả phải chăng hơn, họ có thể sử dụng những giải pháp trên layer 2 như là Polygon hay Abitrium. Nếu nhà đầu tư muốn tiết kiệm chi phí, chịu được rủi ro cao cũng như không lo ngại vấn đề bảo mật (bị lừa đảo, bị hack) có thể sẽ ưa dùng BSC hay Solana. Các nhà đầu tư đặt yếu tố bảo mật lên hàng đầu có thể sẽ ưa thích giao dịch trên Avalanche.

Chính vì có nhiều nền tảng cạnh tranh, việc thuyết phục người dùng sử dụng các nền tảng parachain của Polkadot sẽ khá gian nan. Bởi vậy, hướng đi phù hợp lúc này cho các nền tảng trên Polkadot đi vào chuyên môn hoá hoặc vào các thị trường ngách. 

Cần thời gian chuyên môn hoá hay chiếm ưu thế thị trường ngách

Các nền tảng parachain đi chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể sẽ có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn hẳn các nền tảng đại trà. Ta có thể thấy những ví dụ điển hình như Composable là nền tảng tập trung vào xây dựng cầu nối đa nền tảng, Efinity chuyên về mảng game, RMRK chuyên về NFT… Những nền tảng này sẽ có được ưu thế cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, các parathread sẽ đi sâu vào các thị trường ngách để chiếm lĩnh lợi thế ở đó. Nếu có thể kết hợp đồng thời sự chuyên biệt với việc chiếm ưu thế thị trường ngách, Polkadot có thể tạo được những hiệu ứng mạng mạnh mẽ cũng như có được lợi thế lâu dài.

Tuy nhiên, quá trình chuyên môn hoá hay chiếm cứ các thị trường ngách không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Hiện tại, Polkadot mới đang bước sang giai đoạn thứ 2. Do đó, các nhà đầu tư của Polkadot không nên chỉ đầu tư cho bản thân Polkadot, mà còn phải đầu tư vào những thành phần quan trọng giúp thúc đẩy cả hệ sinh thái Polkadot. Hơn nữa, đây vẫn là một cuộc đua dài hạn.

Tổng kết

Nền tảng Polkadot cũng như token DOT vẫn có những tiềm năng nhất định để phát triển trong tương lai. Nền tảng này vẫn đang ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển của mình. Còn quá sớm để kết luận bất kỳ điều gì. Các nhà đầu tư vẫn nên nghiên cứu và xem xét các xu hướng thị trường, tin tức, phân tích kỹ thuật… để đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt.

Thông tin bài viết về: Stake DOT ở đâu? Hướng dẫn stake Polkadot một cách chi tiết