Ethereum 2.0 là gì và vì sao Ethereum 2.0 lại quan trọng?

Ethereum 2.0 ra đời, hứa hẹn là bản nâng cấp quan trọng đối với mạng Ethereum cũ và mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dùng

16234Total views
Ethereum 2.0 la gi va vi sao Ethereum 2.0 lai quan trong? - anh 1
Ethereum 2.0 rất quan trọng. Nguồn: Cointelegraph.

Kể từ khi mạng lưới Ethereum ra đời đã kéo theo sự tăng trưởng và phát triển của nhiều ứng dụng phi tập trung (Dapps) và các Blockchain mới. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp lớn cho nền tài chính thì Ethereum cũng gặp những hạn chế nhất định về khả năng mở rộng cũng như chi phí giao dịch. Đây chính là tiền đề để Ethereum 2.0 ra đời, hứa hẹn mang đến những cải tiến và trải nghiệm thú vị cho người dùng?

Vậy mạng Ethereum 2.0 khác biệt như thế nào? và vì sao sự ra đời của Ethereum 2.0 lại mang tính quan trọng như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!

Ethereum 2.0 là gì?

Ethereum 2.0 (còn được gọi là ETH2 hay “Serenity”) là bản nâng cấp đã được ấp ủ từ lâu của mạng Ethereum nhằm cải thiện cho mạng cũ về tốc độ, hiệu quả và khả năng mở rộng mà không làm ảnh hưởng đến bảo mật và phân cấp. 

Bản nâng cấp này đã nằm trong lộ trình phát triển đã được vạch ra từ rất lâu của các nhà sáng lập ra Ethereum bởi việc mở rộng quy mô một Blockchain mà vẫn an toàn, phi tập trung là nhiệm vụ khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, sau thời gian chờ đợi, ETH2 sẽ mang những cải tiến đáng kể, thậm chí là tương phản đối với phiên bản Ethereum cũ.

Tuy là bản nâng cấp nhưng bạn không cần phải làm gì hết mà ETH2 sẽ tự động tương thích với mạng lưới Ethereum hiện tại, số ETH bạn đang sở hữu cũng sẽ khả dụng trên Ethereum 2.0.

Tại sao phải chuyển từ Ethereum sang Ethereum 2.0?

Mục đích sinh ra Ethereum 2.0 là để khắc phục những nhược điểm của phiên bản cũ. Cụ thể là:

  • Tốc độ giao dịch chậm: Trong những năm gần đây, Ethereum hiếm khi vượt qua mười giao dịch mỗi giây (TPS), thua xa tốc độ của các token mới như EOS hay TRON.
  • Thuật toán lỗi thời: Ethereum sử dụng thuật toán bằng chứng công việc “Proof of Work” (POW). Điều này gây khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới và cải thiện mức độ bảo mật.

Ngoài ra, đội ngũ phát triển của Ethereum cũng tự thấy rằng quá trình đào coin tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Đồng thời, khi số lượng giao dịch tăng lên trên mạng Ethereum thì chi phí thực hiện các giao dịch này cũng tăng lên (chi phí được thanh toán bằng Gas). Chính vì thế, mạng Ethereum đang đứng trước nguy cơ trở nên không thực tế đối với người dùng, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Từ những thiếu sót nêu trên mà mạng Ethereum buộc phải chuyển tiếp lên một mạng hiện đại hơn, thông minh hơn để có thể hỗ trợ các tính năng mới trong tương lai.

Sự khác biệt giữa Ethereum và Ethereum 2.0

Khác biệt cơ bản và lớn nhất giữa Ethereum và Ethereum 2.0 là việc sử dụng cơ chế đồng thuận “Proof of Stake” (POS), chuỗi Shard và chuỗi Beacon.

Cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS)

Proof of Work (Bằng chứng công việc) là một thuật toán đồng thuận phổ biến được Ethereum và nhiều Blockchain khác sử dụng. Thuật toán này bảo vệ an toàn cho mạng và được cập nhật bằng cách thưởng cho các thợ đào trên Blockchain. Tuy nhiên, PoW gặp phải vấn đề khi Blockchain phát triển thì đòi hỏi khả năng tính toán thông minh và quản lý chặt chẽ hơn nữa. Chính vì vậy, với PoW, Ethereum đứng trước hạn chế lớn về mức độ mở rộng mạng trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà sáng lập đã lựa chọn thay thế thuật toán cũ bằng thuật toán mới: Proof of Stake (Bằng chứng cổ phần). Thuật toán này đã giải quyết vấn đề trên bằng cách thay thế sức mạnh tính toán bằng “tiền thật”. Cụ thể là bạn phải bỏ ra tối thiểu là 32 ETH cam kết (tức là một khoản tiền gửi), và trở thành một Validator, và bạn sẽ được thanh toán bằng cách xác nhận giao dịch. 

Hiểu một cách đơn giản hơn thì với ETH2, bạn không cần phải phụ thuộc nhiều vào các mỏ và thợ đào nữa. Đồng thời, việc giao dịch không cần thợ đào xác nhận thì được xem là thành công.

Việc chuyển đổi sẽ thông qua một cơ chế đồng thuận lai giữa PoS và PoW – Casper Friendly Finality Gadget (FFG).

Sharding

Bất cứ ai truy cập mạng Ethereum đều được lưu giữ hồ sơ dữ liệu thông qua một Node. Node này sẽ lưu trữ một bản sao của toàn bộ mạng. Khi đó Node sẽ phải tải xuống, tính toán, lưu trữ và xử lý từng giao dịch kể từ thời Ethereum ra đời. Điều này đã làm cho tốc độ xử lý dữ liệu chậm hơn và không hiệu quả.

ETH2 sử dụng phương thức Sharding. 

Sharding là một phương thức nhân rộng lượng giao dịch lưu thông trên chuỗi. Phương thức này sẽ tách các cơ sở dữ liệu lớn thành các cơ sở dữ liệu nhỏ (hay còn được gọi là “Shard”).

Mỗi Shard này sẽ xử lý các giao dịch và hợp đồng của riêng của mình, nhưng cũng có thể giao tiếp với mạng rộng hơn khi có yêu cầu. Điều đặc biệt là mỗi shard là độc lập nên khi xác nhận thông tin thì không cần thiết phải lưu dữ liệu từ shard khác.

Việc sử dụng Shard khiến cho thông lượng giao dịch và dung lượng tổng thể của Ethereum cũng sẽ tăng lên.

Chuỗi Beacon

Chuỗi beacon cung cấp sự đồng thuận cho tất cả các chuỗi phân đoạn chạy song song. Nếu không có chuỗi Beacon, việc chia sẻ thông tin giữa các chuỗi phân đoạn sẽ không thể thực hiện được và khả năng mở rộng sẽ không tồn tại. Vì lý do này, tính năng này được tuyên bố là tính năng đầu tiên được cập nhật trên Ethereum 2.0.

Lộ trình phát triển Ethereum 2.0

Ethereum được triển khai theo ba giai đoạn với những đặc trưng riêng để đảm bảo thành công cho nền tảng Ethereum mới.

Giai đoạn 0

Trong giai đoạn đầu tiên, các nhà phát triển sẽ tập trung cho việc ra mắt chuỗi Beacon, đồng thời cũng cho ra mắt một loại tài sản trên chuỗi này, được gọi là Beacon Ether (BETH). 

Dù chưa có chuỗi Shard nhưng chuỗi Beacon vẫn sẽ bắt đầu chấp nhận người xác thực (tức người đặt cọc), thông qua cơ chế hợp đồng nạp một chiều. Tuy nhiên, người xác thực không thể hủy bỏ đăng kí và ETH của họ cũng sẽ bị khóa cho đến giai đoạn tiếp theo.

Dự kiến giai đoạn 0 sẽ được triển khai trong năm 2020.

Giai đoạn 1 hoặc 1.5

Giai đoạn này là sự pha trộn của hai giai đoạn: giai đoạn 1 và giai đoạn 1.5. 

Giai đoạn 1 sẽ cho ra mắt chuỗi shard, cho phép người xác thực tạo ra các khối trên Blockchain thông qua thuật toán PoS. 

Giai đoạn 1.5 sẽ diễn ra khi mạng chính của Ethereum chính thức cho ra mắt các chuỗi shard và bắt đầu chuyển đổi từ PoW sang PoS.

Giai đoạn 1/1.5 dự kiến sẽ triển khai trong năm 2021.

Giai đoạn 2

Ở giai đoạn cuối này, Ethereum cung cấp các chuỗi Shard đã được hình thành đầy đủ và từng bước hoàn thiện mạng ETH2 chính thức.

Chuỗi Shard sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các hợp đồng thông minh, chuyển giao tài sản cũng như cho phép các nhà phát triển Ứng dụng phi tập trung (Dapps) tích hợp liền mạch với Ethereum 2.0.

Giai đoạn 2 sẽ được triển khai vào năm 2021 trở về sau.

Tác động của Ethereum 2.0

Ethereum 2.0 là một cuộc cách mạng không chỉ đối với mạng lưới Ethereum nói chung mà còn là sự tiến bộ đối với nền tảng giao dịch tiền ảo trên toàn thế giới. Chính vì vậy, sự tác động của ETH2 ở một vài khía cạnh là không thể tránh khỏi.

Khan hiếm ETH

Sự ra mắt của ETH 2.0 sẽ làm cho lượng ETH lưu hành trên thị trường trở nên ít và khan hiếm hơn. Bởi đến nay đã có ít nhất 700.000 ETH đã bị khóa cho đến khi kết thúc giai đoạn 1 (vào năm 2021). 

Mặt khác, khi cơ chế PoS đi vào hoạt động, lượng ETH được đặt cược sẽ còn lớn hơn nữa. Do đó, vô tình nguồn cung ETH trên thị trường sẽ bị giảm đi đáng kể.

Khiến thị trường sôi động hơn

Khi ETH ngày càng khan hiếm nhưng nhu cầu của người dùng vẫn đang tăng thì việc tăng giá là tất yếu phải xảy ra. 

Giá trị của ETH đã tăng vọt khi thời hạn đặt cược sắp đến (ngày 24 tháng 11 năm 2020). Cụ thể thì sức nóng bắt đầu ngay sau khi Vitalik Buterin tweet về việc khởi chạy hợp đồng deposit cho Ethereum 2.0 và ETH đã pump ngay 5% trong ngày 4/11. Tại thời điểm này, tâm lý FOMO đã xảy ra.

Tăng khả năng ứng dụng trong thực tế

ETH 2.0 ra đời với mục đích mở rộng mạng Ethereum để đáp ứng tốc độ phát triển hiện tại. Đồng thời ETH 2.0 sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, ETH 2.0 được dự báo sẽ mất nhiều năm nữa để hoàn thành. Hơn nữa, việc di chuyển của các nhà phát triển giữa hai mô hình này sẽ mất thời gian. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng lịch trình, việc áp dụng ETH 2.0 trong thực tế sẽ trở nên phổ biến hơn trước.

Tổng kết

Ethereum 2.0 là bản nâng cấp quan trọng đối với mạng Ethereum cũ bởi khả năng mở rộng. Với các tính năng mới của PoS, chuỗi Shard và chuỗi Beacon, về lâu dài mạng Ethereum 2.0 có thể trở thành một mô hình bền vững và là nền tảng hợp đồng thông minh hàng đầu trong hệ sinh thái tiền mã hóa.

Thông qua bài viết này, hi vọng các nhà đầu tư đã có cái nhìn tổng quan về ETH2. Và đừng quên cập nhật thường xuyên những bài viết mới nhất từ Coinvn nhé.