Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) là gì?

3 dạng của sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hiện nay.

15006Total views
San giao dich phi tap trung (DEX) la gi? - anh 1
Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) là gì? Nguồn: Cointelegraph.

Sàn giao dịch tiền mã hóa là nơi trung gian để diễn ra các hoạt động mua/bán trong thị trường này. Tuy nhiên, tùy vào đặc tính của nó mà người ta phân ra thành nhiều loại sàn giao dịch khác nhau. Và trong khuôn khổ của bài viết hôm nay, Coinvn sẽ giới thiệu đến bạn đọc một dạng sàn giao dịch tiền mã hóa vốn khá phổ biến trong lĩnh vực DeFi. Đó là sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Cụ thể là gì, hãy theo dõi cùng chúng tôi trong bài viết dưới đây nhé.

Bài viết này sẽ bao gồm một số nội dung chính sau đây:

  • Thứ nhất các thông tin tổng quan nhất về loại hình sàn giao dịch phi tập trung (DEX) này như khái niệm, cách thức hoạt động.
  • Thứ hai, một số dạng sàn giao dịch phi tập trung hiện có trên thị trường hiện nay.

Tổng quan về sàn giao dịch phi tập trung

Sàn giao dịch phi tập trung tiếng Anh gọi là Decentralized Exchange hay viết tắt là DEX.

Khái niệm

Thông thường, khi mới bắt đầu tham gia vào thị trường, chúng ta sẽ quen dần với khái niệm sàn giao dịch tập trung (Centralized Exchange – CEX). Với dạng sàn này (ví dụ như Binance), tiền của người dùng sẽ được nạp lên sàn. Và trên phương diện lý thuyết, sàn có quyền tiếp cận và sử dụng số tiền đó của bạn. Nó giống như cách bạn mang tiền ra và gửi vào ngân hàng vậy.

Lúc này, trên thực tế các giao dịch bạn thực hiện chỉ đơn giản là giao dịch nội bộ trên hệ thống máy chủ của sàn CEX mà thôi. Các giao dịch đó sẽ không được ghi trực tiếp lên sổ cái Blockchain mà thay vào đó sàn sẽ giúp bạn làm việc này. Chính vì điều này dẫn đến việc sàn CEX có nguy cơ cao là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng hiện nay.

Để giải quyết bài toán này thì các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) được ra đời. Thay vì lưu giữ tiền của nhà đầu tư (NĐT) như trước đây, với các sàn DEX tiền của người dùng sẽ do chính họ bảo quản. Người dùng chỉ kết nối ví của mình tới sàn mỗi khi họ có ý định thực hiện các giao dịch mà thôi. Để giúp bạn hiểu hơn về loại hình sàn giao dịch này, chúng ta hãy cùng xem cách nó hoạt động như thế nào nhé.

Cách thức hoạt động của sàn DEX

Quay lại ví dụ về sàn CEX, theo lẽ thông thường, để có thể sử dụng nó vào trong việc giao dịch mua/bán chúng ta sẽ cần tạo một tài khoản, nạp tiền fiat lên trên sàn để mua các đồng coin khác nhau. Và như đã nói ở trên, những đồng coin đó được lưu trữ trên hệ thống của sàn. Nó có nghĩa là sàn có thể chiếm dụng khoản tiền đó của bạn bất kỳ lúc nào cũng được.

Các sàn CEX này sẽ thay mặt bạn thực hiện các thao tác ghi nhận trên mạng lưới Blockchain. Tương ứng với đó, họ sẽ ghi nhận các biến động liên quan đến tài khoản của bạn trên hệ thống mạng nội bộ của họ. Bạn vẫn có thể giao dịch, chuyển nhận bình thường như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chỉ tiếc là bạn không hề sở hữu các private key của các khoản tiền đó. Và đương nhiên, nếu bạn đồng ý sử dụng thì cũng có nghĩa là bạn đang chấp nhận rủi ro đặt cược niềm tin của mình vào sàn và tiền của bạn có thể mất bất kỳ lúc nào.

Những DEX thì khác. Bản thân sàn DEX có nhiều hình thức khác nhau và mỗi hình thức này sẽ có một cách thức hoạt động khác nhau mà mình sẽ giới thiệu chi tiết ở phần sau đây. Tuy nhiên, phần lớn các sàn DEX mà chúng ta thường gặp sẽ là các lệnh được thực thi trên chuỗi và người dùng không cần phải hi sinh quyền kiểm soát tài sản của mình như trước kia nữa.

3 dạng sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hiện tại

Như đã chia sẻ ở trên, tùy thuộc vào các đặc tính khác nhau mà chúng ta có nhiều dạng sàn DEX khác nhau trên thị trường. Cụ thể:

Sàn DEX với các sổ lệnh trên chuỗi

Trên chuỗi ở đây được hiểu đơn giản là việc mọi thao tác thay đổi của bạn sẽ tương tác trực tiếp với sổ cái Blockchain và không có cách nào để thay đổi nó. Tức là bản thân bạn sẽ không cần phải thông qua một bên thứ ba nào khác để giúp bạn làm được điều này. Đương nhiên đổi lại bạn sẽ phải trả phí để yêu cầu mọi node trên mạng lưới ghi lại các lệnh này của bạn mãi mãi.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của mô hình này đó là tính phức tạp. Với hạ tầng Blockchain còn khá sơ khởi như hiện tại, việc chờ đợi một thông điệp được ghi trực tiếp lên Blockchain đôi khi vẫn mất nhiều thời gian hơn chúng ta tưởng. Điều này sẽ làm cho trải nghiệm của người dùng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Sàn DEX với các sổ lệnh ngoài chuỗi

Trái ngược với sổ lệnh trên chuỗi là các sàn DEX với sổ lệnh ngoài chuỗi. Nếu như ở hình thức trên, các lệnh không cần phải thông qua một bên nào khác thì với hình thức này, chúng sẽ được gom nhóm lại và tạm thời lưu giữ vào một nơi nào đó. Sau đó tất cả sẽ được ghi lên sổ cái Blockchain như phương thức cũ.

Như vậy có thể thấy với hình thức này, đâu đó vẫn xuất hiện yếu tố tập trung ở đây. Các lệnh của người dùng sẽ được lưu tập trung tại một nơi và thực thể chịu trách nhiệm về các sổ lệnh này hoàn toàn có thể tác động đến nó. 

Điểm mạnh của hình thức này là tốc độ do chúng không cần phải thường xuyên kết nối đến sổ cái Blockchain. Tuy nhiên, nếu so với các sàn CEX thì tốc độ của nó có phần chậm hơn vì nó vẫn phải kết nối đến sổ cái. Nhưng đổi lại, nó có phần bán tập trung hơn so với dạng sàn này.

Giao thức 0x là một ví dụ điển hình cho hình thức kể trên. 0x cung cấp một giải pháp gọi là “Relayer” để quản lý các lệnh ngoài chuỗi này. Và 0x chỉ cho phép các lệnh được thực hiện trên chuỗi khi các bên khớp nhau mà thôi.

AMM

Với mô hình AMM, các sàn DEX này sẽ tích hợp với các ví không lưu ký như MetaMask hay Trust Wallet. Và các giao dịch thực hiện thông qua AMM vẫn phải thực thi trên chuỗi.

Đối với dạng AMM này hoàn toàn không dùng đến khái niệm sổ lệnh như các hình thức trên. Như trường hợp của Uniswap là một ví dụ. Nó hoạt động dựa trên một thiết kế có tên gọi là Constant Product Market Maker, một biến thể của mô hình AMM.

Các công cụ AMM về bản chất là những hợp đồng thông minh (Smart contract) để tạo ra và nắm giữ các liquidation pool mà các nhà giao dịch sẽ dùng nó để thực hiện giao dịch. Các khoản này được tạo ra dựa trên việc tất cả mọi người đều có quyền cung cấp thanh khoản cho các bể thanh khoản này. Đổi lại, họ sẽ được trả một phần lợi nhuận dựa trên những đóng góp đó.

Tổng kết

Trên thực tế, mô hình sàn DEX được xem như là cánh cửa giúp người dùng tiếp cận với thế giới DeFi. Mỗi một dạng sàn DEX sẽ có những ưu nhược điểm và hướng đến những mục đích sử dụng khác nhau của người dùng.

Hi vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích. Đừng quên chia sẻ nó nếu như bạn thấy hữu ích và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo tại Coinvn nhé.