Detrended Price Oscillator (DPO) là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng

DPO là một loại chỉ báo phân tích kỹ thuật được nhiều trader dùng để xác định chu kỳ ngắn hạn, vùng giá quá mua và quá bán của các loại tiền mã hóa.

21221Total views
Detrended Price Oscillator (DPO) la gi? Y nghia va cach su dung - anh 1
Detrended Price Oscillator (DPO) là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng

Chỉ báo DPO là gì?

Detrended Price Oscillator (DPO) là chỉ báo phân tích kỹ thuật được dùng để loại bỏ xu hướng trong giá giúp các trader xác định chu kỳ ngắn hạn, vùng giá quá mua và quá bán của các loại tiền mã hóa.

Chu kỳ mặc định của chỉ báo DPO thường là 20 ngày và dao động xung quanh trục 0. Chu kỳ này có thể tùy chỉnh dựa vào chiến lược giao dịch của nhà đầu tư. Ngoài ra, chỉ báo DPO không được dùng để xác định xu hướng cụ thể của các loại tiền mã hóa theo thời gian thực.

Ý nghĩa của chỉ báo DPO

Chỉ báo DPO sẽ tổng hợp, so sánh các dữ liệu trong quá khứ ghi nhận từ đường SMA và mức giá đóng cửa của các cây nến trong chu kỳ này. Qua đó, chỉ báo DPO sẽ cho nhà đầu tư biết được giá của các loại tiền mã hóa sẽ tăng hay giảm trong ngắn hạn. Khi kết hợp với các mô hình nến Nhật, nhà đầu tư có thể tự đưa ra chiến lược giao dịch an toàn cho bản thân.

Cách thức hoạt động của chỉ báo DPO

Giả sử, nhà đầu tư sử dụng DPO với chu kỳ là 20 ngày, khi chỉ báo này nằm trên trục 0 thì giá của một loại tiền mã hóa bất kỳ sẽ dao động trên đường SMA 20 ngày. Điều này cho nhà đầu tư biết được giá của đồng tiền mã hóa trong ngắn hạn sẽ tăng. Ngược lại, chỉ báo DPO nằm dưới trục 0 thì giá của đồng tiền này sẽ dao động dưới đường SMA 20 ngày, đây được xem là tín hiệu giảm giá.

Điểm khác biệt giữa chỉ báo DPO và CCI

Cả hai chỉ số này đều giúp nhà đầu tư xác định được chu kỳ trong biến động giá của các loại tiền mã hóa. Tuy nhiên, chỉ báo DPO chủ yếu được các nhà đầu tư sử dụng để ước tính khoảng thời gian mà giá của tài sản tiền mã hóa này sẽ đảo chiều xu hướng từ tăng sang giảm và ngược lại. Còn chỉ báo CCI sẽ được dùng để xác định thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc một chu kỳ nào đó của các loại tiền mã hóa.

Hạn chế của việc sử dụng chỉ báo DPO

DPO chỉ là một chỉ báo hỗ trợ nhà đầu tư nắm bắt được chu kỳ ngắn hạn của các loại tiền mã hóa. Bên cạnh đó, chỉ báo này đưa ra tín hiệu dựa trên những dữ liệu của quá khứ. Mặc dù, các dữ liệu này có thể được dùng làm cơ sở cho những dự đoán về biến động giá của các loại tiền mã hóa trong tương lai. Nhưng không có gì đảm bảo là hành động giá trong tương lai sẽ lặp lại những gì đã diễn ra ở quá khứ.

Hướng dẫn giao dịch với chỉ báo DPO

Chỉ báo DPO cho tín hiệu mua

  • Nhà đầu tư đặt lệnh Long khi DPO nằm dưới trục 0 chạm vùng quá bán (Oversold) và có dấu hiệu tăng
  • Điểm dừng lỗ đặt tại đáy của xu hướng giảm trước đó và điểm chốt lời khi DPO tăng trở lại trục 0
  • Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chốt lời khi DPO tăng chạm vùng quá mua. Khi đó, nhà đầu tư nên thiết lập Stop Loss bằng với Entry để tránh thua lỗ trong trường hợp một đồng tiền mã hóa có dấu hiệu đảo chiều
Detrended Price Oscillator (DPO) la gi? Y nghia va cach su dung - anh 2
Chỉ báo DPO cho tín hiệu mua

Chỉ báo DPO cho tín hiệu bán

  • Nhà đầu tư đặt lệnh Short khi DPO nằm trên trục 0, chạm vùng quá mua (Overbought) và có dấu hiệu giảm
  • Điểm dừng lỗ đặt tại đỉnh của các cây nến tăng trước đó và điểm chốt lời khi DPO giảm trở lại trục 0
  • Ngoài ra, nhà đầu tư có thể chốt lời khi DPO giảm mạnh chạm vùng quá bán. Để giữ lệnh giao dịch đến Target đó thì nhà đầu tư nên thiết lập Stop Loss bằng với Entry để tránh thua lỗ trong trường hợp một đồng tiền mã hóa có dấu hiệu đảo chiều
Detrended Price Oscillator (DPO) la gi? Y nghia va cach su dung - anh 3
Chỉ báo DPO cho tín hiệu bán

Tổng kết

Trên đây là toàn bộ thông tin về chỉ báo DPO cũng như ý nghĩa, cách thức giao dịch hiệu quả với nó. Đây là một trong những chỉ báo phân tích kỹ thuật có độ tin cậy cao nếu nhà đầu tư kết hợp với các mô hình nến Nhật. Nếu nhà đầu tư sử dụng riêng lẻ chỉ báo này thì phải luôn đặt Stop Loss nhằm hạn chế rủi ro thua lỗ khi giao dịch.