Hướng dẫn phương pháp giao dịch với Stochastic hiệu quả

Stochastic là chỉ báo thuộc nhóm chỉ báo dao động dùng để đo lường quán tính và sức mạnh của giá.

9123Total views
Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 1
Hướng dẫn giao dịch với Stochastic. Nguồn: Cointelegraph.

Stochastic là gì?

Khái niệm Stochastic

Stochastic là chỉ báo thuộc nhóm chỉ báo dao động dùng để đo lường quán tính và sức mạnh của giá. Cụ thể, dựa vào công thức tính nhất định, Stochastic giúp so sánh một giá đóng cửa ở thời điểm nào đó với phạm vi giá của nó trong một khoảng thời gian. 

Mỗi một chỉ báo Stochastic bao gồm 2 đường Slow Stochastic và Fast Stochastic hay còn được biết đến với tên gọi đường %K và đường %D. Đường %K (Slow Stochastic) chậm và ngắn hơn đường %D (Fast Stochastic). Ngoài ra, còn có hai đường biên độ được mặc định ở mức 20 và 80.

Đọc thêm: Cách giao dịch với chỉ báo RSI hiệu quả cho người mới bắt đầu.

Lịch sử hình thành của chỉ báo Stochastic

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 2
George Lane là cha đẻ của chỉ báo Stochastic.

Chỉ báo Stochastic được phát minh bởi tiến sĩ George Lane vào những năm 1950 và đang được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Ông chia sẻ với báo chí nguyên tắc mà ông xây dựng các đường dựa trên ngẫu nhiên: tốc độ hoặc động lực của giá luôn đi trước biến động giá. Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn, Lane thường nói rằng chỉ báo ngẫu nhiên không theo giá, khối lượng hoặc bất cứ thứ gì tương tự, mà nó chỉ theo tốc độ hoặc động lực của giá.

Ban đầu chỉ báo ngẫu nhiên được sử dụng trong chứng khoán sau đó các nhà giao dịch Crypto cũng áp dụng phương pháp phân tích này.

Cơ chế hoạt động của Stochastic

Nguyên lý hoạt động cơ bản của chỉ báo Stochastic là khi giá thay đổi thì ắt hẳn động lượng phải thay đổi theo.

Điều này cũng giống như khi một chiếc tên lửa bay lên không trung và trước khi quay xuống, nó phải giảm tốc độ trước. Động lượng luôn thay đổi khi xu hướng của giá thay đổi. Giá thường sẽ tiến lên phía trên của đường biên độ trong một xu hướng tăng và tiến gần với biên dưới trong xu hướng giảm. Chỉ báo Stochastic sẽ giúp nhà giao dịch xác định được mức giá đóng cửa  gần nhất trong một quãng thời gian mà họ lựa chọn.

Công thức tính Stochastic

%K = (C – L14 / H14 – L14) x 100

%D = SMA của %K

Trong đó: 

  • C là mức giá đóng cửa gần đây nhất.
  • L14 là mức đáy thấp nhất trong 14 phiên gần nhất.
  • H14 là mức đỉnh cao nhất trong 14 phiên gần nhất.

Chỉ báo Stochastic cung cấp những tín hiệu gì?

Tín hiệu vùng quá mua/bán

Chỉ báo Stochastic có giá trị giao động từ 10 đến 100:

Khi chỉ báo vào khu vực từ 0 đến 20 là tín hiệu của vùng quá bán.

Khi chỉ báo vào khu vực từ 80 đến 100 là tín hiệu của vùng quá mua.

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 3
Chỉ báo Stochastic cung cấp tín hiệu vùng quá mua/bán.

Tín hiệu giao cắt giữa hai đường %K và %D

Trong một xu hướng giảm, nếu đường %K cắt lên đường %D trong vùng quá bán thì đó là tín hiệu mua.

Trong một xu hướng tăng, nếu đường %K cắt xuống đường %D trong vùng quá mua thì đó là tín hiệu bán.

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 4
Tín hiệu giao cắt giữa hai đường %K và %D.

Tín hiệu phân kỳ

Trong một xu hướng giảm, giá hình thành đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng chỉ báo Stochastic hình thành đáy sau cao hơn đáy trước, đó là tín hiệu cảnh báo giá có khả năng đảo chiều từ giảm sang tăng.

Trong một xu hướng tăng, giá hình thành đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng chỉ báo Stochastic hình thành đỉnh sau thấp hơn, đó là tín hiệu cảnh báo giá có khả năng đảo chiều từ tăng sang giảm.

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 5
Chỉ báo Stochastic cung cấp tín hiệu phân kỳ.

Hướng dẫn giao dịch với Stochastic

Ngoài các cách giao dịch với Stochastic cơ bản dựa vào tín hiệu chỉ báo này cung cấp mà chúng tôi vừa đề cập ở phần trên, ta còn có thể kết hợp Stochastic với nhiều công cụ khác để nâng cao tính chuẩn xác khi vào lệnh.

Kết hợp chỉ báo Stochastic với chỉ báo EMA

Kết hợp hai chỉ báo Stochastic và EMA với nhau ta sẽ xác định được điểm vào lệnh.

Khi thị trường đạt đủ các yếu tố sau, bạn có thể thực hiện một lệnh mua:

  • Giá nằm phía trên đường EMA 200.
  • Chỉ báo Stochastic đã di chuyển xuống bên dưới mức 20 và đang có chiều hướng lên trên.

Việc của bạn phải làm lúc này là đặt lệnh mua ngay tại giá thị trường, Stoploss  cách 15-20 pip so với điểm vào lệnh và mục tiêu lợi nhuận ở khoảng từ 20 đến 30 pip.

Khi thị trường đạt đủ các yếu tố sau, bạn có thể thực hiện lệnh bán:

  • Giá nằm phía dưới đường EMA 200.
  • Chỉ báo Stochastic di chuyển lên phía trên mức 80 và có chiều hướng xuống.

Lúc này bạn có thể đặt lệnh bán ở giá thị trường, điểm dừng lỗ cách 15-20 pip so với điểm vào lệnh và mục tiêu lợi nhuận cũng ở khoảng từ 20 đến 30 pip.

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 6
Kết hợp chỉ báo Stochastic với chỉ báo EMA.

Kết hợp chỉ báo Stochastic với Trendline

Đối với thiết lập mua:

Trước tiên bạn cần xác định thị trường nằm trong xu hướng tăng, sau đó vẽ Trendline tăng.

Bước tiếp theo là chờ cho giá quay ngược trở lại và chạm vào Trendline tăng đó.

Sau khi giá chạm vào đường Trendline tăng, lúc này bạn hãy kiểm tra xem chỉ báo Stochastic, hiện tại có đang nằm ở vùng quá bán hay không. Và nếu đúng như vậy thì lúc này ta chuyển qua bước tiếp theo.

Đặt lệnh Buy Stop ở phía trên giá cao nhất của nến tương ứng với thời điểm chỉ báo Stochastic rơi vào vùng quá bán.

Điểm dừng lỗ đặt bên dưới đường xu hướng tăng và cách đường xu hướng từ 2-10 pip.

Đặt mục tiêu chốt lời ở đỉnh trước đó.

Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 7

Kết hợp chỉ báo Stochastic với Trendline.Đối với thiết lập bán:

Trước tiên bạn cần xác định thị trường nằm trong xu hướng giảm, sau đó vẽ Trendline giảm.

Chờ cho giá quay ngược trở lại và chạm vào Trendline giảm đó.

Nếu Stochastic hiện tại đang nằm ở vùng quá mua, đặt lệnh Sell Stop ở phía bên dưới giá thấp nhất của nến tương ứng với thời điểm chỉ báo này rơi vào vùng quá mua.

Điểm dừng lỗ đặt bên trên đường xu hướng giảm và cách đường xu hướng từ 2-10 pip.

Đặt mục tiêu chốt lời ở đáy trước đó.

Kết hợp chỉ báo Stochastic với RSI

Đây là 1 trong những cách thức được rất nhiều Trader áp dụng. RSI và Stochastic đều là các chỉ báo động lượng, chính vì thế nếu cả 2 đều cho các tín hiệu quá bán hoặc quá mua sẽ là cơ hội tốt để tăng xác suất giao dịch lên mức cao hơn.

  • Vùng quá mua: khi Stochastic dao động từ 80 đến 100 và RSI lớn hơn 70.
  • Vùng quá bán: khi Stochastic dao động từ 0 đến 20 và RSI bé hơn 30.
Huong dan phuong phap giao dich voi Stochastic hieu qua - anh 8
Kết hợp chỉ báo Stochastic với RSI.

Những lưu ý khi giao dịch với Stochastic

Nhà đầu tư cần nhớ một số lưu ý sau khi giao dịch với Stochastic:

Stochastic là một indicator đi theo tốc độ của giá, chứ nó không đi theo sự di chuyển của giá.

Không phải lúc nào cứ thấy Stochastic Oscillator cho tín hiệu quá bán hay quá mua là vào lệnh ngay lập tức. Stochastic cần phải có sự đồng thuận từ các tín hiệu khác như chỉ báo RSI, đường Trendline hay các mô hình nến đảo chiều, mới có thể xác quyết điểm vào lệnh, và nếu chúng càng được đồng thuận bởi nhiều tín hiệu cùng 1 hướng tăng/giảm hay đảo chiều thì xác suất để thị trường đi theo đúng phân tích của bạn sẽ càng đúng.

Stochastic Oscillator ở khung càng lớn càng cho tín hiệu chính xác.

Luôn phải giao dịch theo đúng xu hướng.

Kết luận

Stochastic chỉ là một trong số rất nhiều công cụ dùng trong phân tích kỹ thuật. Nếu muốn tăng tính hiệu quả cho giao dịch, bắt buộc phải kết hợp nhiều chỉ báo cùng với chỉ báo Stochastic bằng không sẽ khá mạo hiểm. Càng có nhiều chỉ báo đưa ra kết quả giống nhau, tức tín hiệu đáng tin cậy và ngược lại.

Nhìn chung, Stochastic là một công cụ hỗ trợ cho việc xác định xu hướng thị trường. Việc tìm hiểu kỹ chỉ báo này cũng như cách giao dịch với Stochastic sẽ giúp bạn tránh được rủi ro và mang về nhiều giao dịch thành công hơn. Theo dõi thêm chuyên mục phân tích kỹ thuật để biết thêm nhiều chỉ báo khác trong giao dịch nhé.

Đọc thêm: Hướng dẫn cách giao dịch hiệu quả với chỉ báo MACD.