Lý thuyết Dow là gì và các nguyên tắc cơ bản bạn cần biết

Lý thuyết Dow được xem là nền tảng của phân tích kỹ thuật. Bạn phải hiểu được lý thuyết Dow là gì thì mới áp dụng và xây dựng cho mình được một phương pháp giao dịch hiệu quả. Nếu quả thực đang là một tay mơ về kiến thức này thì bài viết dưới đây là dành cho bạn đấy.

11893Total views
Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 1
Lý thuyết Dow là gì? Nguồn: Cointelegraph.

Lý thuyết Dow được xem là nền tảng của phân tích kỹ thuật. Bạn phải hiểu được lý thuyết Dow là gì thì mới áp dụng và xây dựng cho mình được một phương pháp giao dịch hiệu quả. Nếu quả thực đang là một tay mơ về kiến thức này thì bài viết dưới đây là dành cho bạn đấy.

Lý thuyết Dow là gì?

Khái niệm lý thuyết Dow

Về cơ bản, lý thuyết Dow là một khung phân tích kỹ thuật mà ở đó Market Health – Sức khỏe thị trường được xác định dựa trên các nguyên tắc của Charles Dow về lý thuyết thị trường. Đây được xem là nền tảng đầu tiên của phân tích kỹ thuật hiện nay. Thừa kế và phát triển trên lý thuyết Dow, nhiều lý thuyết và phương pháp giao dịch khác đã ra đời.

Lịch sử hình thành lý thuyết Dow

Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H.Dow. Các nguyên lý cơ bản của lý thuyết này được hình thành thông qua một loạt các bài xã hội luận đăng tải trên tờ Wall Street Journal. 

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 2
Cha đẻ của lý thuyết Dow là ông Charles H.Dow.

Trong những ghi chép của Dow, ông nói rằng mình không hề nghĩ đến lý thuyết của mình một ngày nào đó lại trở thành một công cụ phân tích được mọi người tin dùng, thậm chí trở thành một hướng dẫn nền tảng mà các nhà giao dịch bắt buộc phải biết. Những nguyên lý cơ bản nhất được ông đúc kết lại và tổng hợp trong một bài viết cho tạp chí Phố Wall.

Năm 1902, Dow qua đời một cách đột ngột khiến cho toàn bộ những tài liệu vẫn trong trạng thái dang dở. Biên tập viên William P.Hamilton thay ông giữ chức vụ Tổng biên tập tờ Wall Street Journal đã tiếp tục kế nhiệm Dow và hoàn thành lý thuyết.

Năm 1930, Robert Rhea, sau đó năm 1960 E.George Shaefer và Richard Russell phát triển đồng thời hoàn thiện thêm, cuối cùng hình thành lý thuyết hoàn chỉnh mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.

Đọc thêm: Sóng Elliott là gì và hướng dẫn giao dịch với sóng Elliott.

Sáu nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow

Nguyên tắc 1: Chuyển động của thị trường là tổng hợp của 3 xu hướng

Theo như lý thuyết Dow, 3 xu hướng phản ánh sự chuyển động của thị trường bao gồm:

  • Xu hướng cơ bản: cũng chính là xu hướng lớn của thị trường, thường kéo dài vài năm.
  • Xu hướng trung cấp: kéo dài từ 3 tuần cho tới vài tháng. Nhiều xu hướng trung cấp kết hợp sẽ hình thành nên một xu hướng cơ bản.
  • Xu hướng nhỏ: kéo dài khoảng vài giờ cho đến vài ngày. Đây là xu hướng kém bền vững nhất và có độ nhiễu nhiều hơn hai xu hướng đã đề cập trước đó.
Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 3
Chuyển động của thị trường là tổng hợp của 3 xu hướng.

Nguyên tắc 2: Xu hướng thị trường luôn có 3 pha

Trong giai đoạn thị trường Uptrend, xu hướng sẽ gồm 3 pha chính: pha tích lũy (phục hồi sự tự tin trong đám đông), pha phản ứng (đám đông bắt đầu tham gia đông đảo), pha đầu cơ (đám đông quá tự tin và tham lam theo xu hướng).

Trong giai đoạn thị trường Downtrend, xu hướng cũng gồm có 3 pha: pha phân phối (đám đông chán nản với thị trường), pha nghi ngờ (đám đông bắt đầu bán nhiều hơn) và pha hoảng loạn (bán tất cả những gì mình có trong tâm lý tuyệt vọng).

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 4
Xu hướng thị trường luôn có 3 pha.

Nguyên tắc 3: Thị trường phản ánh tất cả

Một tiền đề cơ bản của lý thuyết Dow đó là tất cả các thông tin từ quá khứ đến hiện tại thậm chí tương lai đều ảnh hưởng đến thị trường. Các thông tin này bao gồm từ cảm xúc của nhà đầu tư cho đến lạm phát,…Tuy nhiên, theo Dow, thông tin này không giúp bạn biết được tất cả mọi thứ, nó chỉ dùng để dự đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai. Khi mọi thứ thay đổi, thị trường buộc phải điều chỉnh cùng với giá cả để phản ảnh theo những thông tin thay đổi đó.

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 5
Thị trường phản ánh tất cả.

Nguyên tắc 4: Khối lượng giao dịch xác nhận và định hướng cho xu hướng

Volume được coi là một chỉ báo độc lập với giá và thậm chí nó còn dẫn dắt giá, qua đó định hướng cho xu hướng. Chẳng hạn, một xu hướng có biểu hiện yếu thường sẽ đi kèm với Volume thấp. Và ngược lại, nếu Volume cao xu hướng thường rất bền vững.

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 6
Khối lượng giao dịch xác nhận và định hướng cho xu hướng.

Nguyên tắc 5: Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau

Trong lý thuyết này, việc đảo chiều từ thị trường tăng sang thị trường giảm (từ thị trường bò sang thị trường gấu) không thể nào được xác lập nếu các chỉ số bình quân không xác nhận lẫn nhau. Bản thân Dow sử dụng 2 chỉ số trung bình là D – chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số ngành vận tải Transportation Averages để đo lường tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Phải bảo đảm cả 2 chỉ số này xác nhận lẫn nhau thì mới khẳng định xu hướng được xác lập.

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 7
Các chỉ số thị trường phải xác nhận lẫn nhau.

Nguyên tắc 6: Nếu xu hướng không tiếp tục, đảo chiều sẽ xuất hiện

Theo Dow, xu hướng sẽ tiếp tục tồn tại cho đến khi đảo chiều xuất hiện. Sự đảo chiều này rất khó để dự đoán một cách chính xác. Lý thuyết Dow ủng hộ sự thận trọng và chỉ khi biết được chính xác mới xác nhận đó là đảo chiều.

Ly thuyet Dow la gi va cac nguyen tac co ban ban can biet - anh 8
Nếu xu hướng không tiếp tục, đảo chiều sẽ xuất hiện.

Những hạn chế của lý thuyết Dow

Lý thuyết Dow quá trễ

Đôi khi người ta còn thậm chí cho rằng nếu mỗi biến động lớn của thị trường được chia thành ba phần thì Lý thuyết Dow sẽ làm người tuân theo nó mất đi cơ hội kiếm lời ở phần đầu và cuối của biến động này, có khi là mất đi toàn bộ cơ hội.

Lý thuyết Dow không phải luôn luôn đúng

Điều này hoàn toàn rõ ràng. Việc áp dụng Lý thuyết Dow hoàn toàn dựa vào khả năng giải thích tình hình thị trường và chịu sự rủi ro đối với tính chính xác của những giải thích này. Dẫu sao cũng cần nhắc lại rằng lịch sử đã chứng minh nếu tuân thủ đúng theo lý thuyết Dow thì lợi nhuận sẽ rất cao.

 Lý thuyết Dow không giúp các nhà đầu tư khi có biến động trung gian

Nếu bạn là nhà đầu tư trong ngắn hạn, lý thuyết Dow hầu như không đưa ra (nếu có thì chỉ rất ít) những dấu hiệu về sự thay đổi trong các xu thế trung gian. Tuy nhiên nếu có thể có được những dấu hiệu này thì rõ ràng lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều so với chỉ đầu tư theo những biến động của xu thế cấp một.

Tổng kết

Lý thuyết Dow cho đến nay vẫn vướng phải một số chỉ trích. Tính bình quân, lý thuyết Dow đã bỏ qua 20 đến 25% những biến động trước khi tạo ra tín hiệu của thị trường. Một số người thì cho rằng nó đưa ra tín hiệu quá trễ và không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng với những giao dịch ngắn hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên nhớ rằng, ngay từ đầu Dow đã không coi lý thuyết này là một phương pháp để dự đoán giá lên xuống mà chỉ muốn dùng nó để thừa nhận sự biến động của thị trường. Với ông, giá trị thực sự của nó là dùng hướng đi của thị trường làm công cụ đánh giá tình hình kinh tế chung.

Lý thuyết Dow không phải là một công cụ hoàn hảo để các bạn phân tích thị trường. Nó chỉ đưa ra những nguyên lý mang tính bản chất của thị trường giúp cho các nhà đầu tư có cái nhìn tốt hơn. Cùng một giai đoạn khác nhau, các nhà phân tích với các thông tin, kinh nghiệm giao dịch và góc nhìn của mình có thể đưa ra các nhận định và đánh giá khác nhau. Lý thuyết Dow chỉ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát hơn ở xu hướng chính. Ở những giai đoạn ngắn hơn thì Lý thuyết Dow không thể áp dụng, vì trong xu hướng thứ cấp và xu hướng ngắn hạn giá cả thị trường có thể bị thao túng dễ dàng.

Trên đây là những tóm lược cơ bản nhất về lý thuyết Dow là gì cũng như những nguyên tắc cơ bản bạn cần nắm vững trong lý thuyết này. Theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức phân tích kỹ thuật hữu ích khác nhé!

Lý thuyết Dow là gì và các nguyên tắc cơ bản bạn cần biết