Làm thế nào để giao dịch với Bollinger Band hiệu quả

Làm thế nào để giao dịch với Bollinger Band hiệu quả vẫn còn là thắc mắc của nhiều nhà đầu tư. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

10242Total views
Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 1
Hướng dẫn giao dịch với Bollinger Band. Nguồn: Cointelegraph.

Bollinger Band là gì mà lại thường được các trader sử dụng để phân tích kỹ thuật? Làm thế nào để giao dịch với Bollinger Band cho hiệu quả nhất vẫn còn là thắc mắc của nhiều nhà đầu tư. Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Bollinger Band là gì?

Khái niệm sóng Bollinger Band

Dải Bollinger Band là một công cụ phân tích kỹ thuật được phát minh ra bởi huyền thoại cùng tên John Bollinger. Giao dịch với Bollinger Band được hiểu là dùng một bộ đo mức độ dao động của thị trường, rồi từ đó xác định xem thị trường lúc này đang nằm ở điều kiện quá mua hay quá bán.

Một dải Bollinger Band đầy đủ gồm 3 phần chính: đường giữa (middle band), dải trên (upper band) và dải dưới (lower band).

Lịch sử hình thành Bollinger Band

Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 2
Bollinger Band được phát minh ra bởi John Bollinger.

Như đã nhắc đến ở trên, Bollinger Band được phát minh ra bởi nhà giao dịch và phân tích tài chính John Bollinger vào năm 1980.

Đến năm 1983, ông lần đầu tiên giới thiệu về chỉ báo này trước công chúng.

Từ năm 1984 – 1991, John sử dụng chỉ báo vào hệ thống giao dịch của riêng mình.

Năm 1987, chỉ báo được biết đến rộng rãi hơn sau khi được giới thiệu trong cuốn sách The New Commodity Trading Systems And Method của Perry Kaufman xuất bản năm 1987.

Năm 2001, ông xuất bản cuốn sách Bollinger on Bollinger Band.

Năm 2010, John công bố thêm 3 chỉ số mới xuất hiện dựa trên dải Bollinger Band đó là: 

  • BB Impulse: đo sự thay đổi giá như một hàm của dải.
  • %b (phần trăm băng thông): chuẩn hóa độ rộng của dải theo thời gian.
  • Delta băng thông: định lượng sự thay đổi bề rộng của dải

Năm 2011 ông đăng ký thương hiệu cho Bollinger Band.

Cho đến nay, Bollinger Band đã trở thành một chỉ báo kỹ thuật hữu dụng và được sử dụng vô cùng rộng rãi.

Cơ chế hoạt động của Bollinger Band

Phần lớn đường giá nằm giữa dải trên và dải dưới của Bollinger Band. 95% dữ liệu phân phối sẽ thuộc phạm vị này.

Hay hiểu cách khác, giá tài sản sẽ có xu hướng trở lại khu vực giữa. Khi giá chạm tới đường dải trên hoặc dải dưới sẽ bật ngược trở lại. Nếu giá đột biến, di chuyển ra ngoài hai dải thì độ bật lại sẽ càng mạnh.

Công thức tính Bollinger Band

  • Đường giữa – Moving Average: chính là đường trung bình động SMA chu kỳ 20 ngày

SMA20 = Trung bình cộng của giá đóng của 20 phiên gần nhất/20

  • Dải trên = đường giữa chu kỳ 20 ngày + 2 lần độ lệch chuẩn
  • Dải dưới =  đường giữa chu kỳ 20 ngày – 2 lần độ lệch chuẩn

Bollinger Band cung cấp những tín hiệu gì?

Đo lường khối lượng thị trường

Khi dải Bollinger Band thu hẹp lại tức là dấu hiệu cho thấy khối lượng giao dịch trên thị trường đang giảm mạnh. Có thể chuẩn bị cho một sự bứt phá thị trường.

Và ngược lại, nếu dài Bollinger Band đột ngột mở rộng thì khối lượng giao dịch thị trường đang khá lớn. Bạn từ đây sẽ đưa ra được các chiến lược đúng đắn cho mình.

Dự báo trạng thái hoặc xu hướng tiếp theo của thị trường

Thông thường nếu giá chạm đến hai dải trên và dưới, khả năng cao sớm thôi nó sẽ dội ngược lại. Vì vậy, nhờ theo dõi đường đi của giá, bạn có thể dự đoán về xu hướng tiếp theo của thị trường.

Hướng dẫn giao dịch với Bollinger Band

Mua thấp bán cao (Giao dịch khi giá chạm bands)

Đây là một trong những cách giao dịch đơn giản nhất với Bollinger Band. Hãy hình dung dải trên và dải dưới của Bollinger Band như hai mức kháng cự – hỗ trợ. Việc của bạn rất đơn giản mua khi giá chạm tới dải dưới và bán ra khi giá chạm tới dải trên.

Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 3
Giao dịch khi giá chạm bands.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phương pháp cơ bản này chỉ phù hợp khi thị trường đi ngang ổn định. Còn trong trường hợp có những biến động mạnh, cách giao dịch này rất nguy hiểm.

Giao dịch Bollinger Bands Squeeze

Người có kinh nghiệm thường gọi phương pháp giao dịch Bollinger Bands Squeeze với một cái tên dễ nhớ hơn, đó là nút thắt cổ chai. Hiện tượng này xảy ra khi mà biến động giá giảm xuống thấp và dải Bollinger Band bị thu hẹp lại trông có hình thù như chiếc cổ chai. Đây là cảnh báo cho một biến động giá mạnh sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 4
Giao dịch Bollinger Bands Squeeze.

Thông thường, sau khi bung khỏi cổ chai giá sẽ bám vào dải trên hoặc là dải dưới để đi tiếp. Việc bạn cần làm lúc này đơn giản là đặt Buy stop và Sell Stop ở hai đầu dải trên dải dưới của Bollinger Band. Vậy thì giá có bung hướng nào bạn cũng có thể khớp lệnh.

Kết hợp Bollinger Band với các mô hình đảo chiều

Biết được cơ chế hoạt động cơ bản của Bollinger Band kết hợp thêm với các mô hình đảo chiều nữa chúng ta có thể xác định được điểm vào lệnh.

Trước hết, xem xét các khu vực kháng cự hỗ trợ và hình thái của Bollinger Band tại khu vực đó. Xác định xu hướng tăng hay giảm trước đó bằng cách sử dụng Price Action hoặc các chỉ báo kỹ thuật khác. Tìm kiếm đỉnh hoặc đáy đầu tiên phá vỡ dải Bollinger Band tương ứng. Chờ đến khi đáy/đỉnh thử hai xuất hiện mà không phá vỡ Bollinger Band. Bạn có thể vào lệnh ngay ở điểm này hoặc xác định điểm bằng các cách truyền thống khác.

Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 5
Kết hợp Bollinger Band với các mô hình đảo chiều.

Kết hợp Bollinger Band với chỉ báo RSI

RSI – Relative Strength Index (chỉ số sức mạnh tương quan) là một chỉ báo quen thuộc. Tuy nhiên phương pháp giao dịch kết hợp Bollinger với RSI có vẻ còn khá lạ lẫm với nhiều người.

Trong phân tích kỹ thuật, RSI được xem là chỉ báo sớm, cung cấp tín hiệu cảnh báo trước khi xu hướng thật sự đảo chiều. Bollinger Band thì như chúng ta đã biết đo lường sự biến động của giá. Nhưng trong trường hợp này, dải Bollinger Band lại được dùng để đo lường sự biến động của chỉ báo RSI. Nếu RSI vượt qua dải dưới và quay trở lại vào bên trong thì đó là vùng quá bán. Nếu RSI vượt ra ngoài dải trên của Bollinger Band rồi quay ngược lại thì đó là vùng quá mua.

Lam the nao de giao dich voi Bollinger Band hieu qua - anh 6
Kết hợp Bollinger Band với chỉ báo RSI.

Những lưu ý khi sử dụng Bollinger Band

Không nên xem Bollinger Band như một hệ thống giao dịch độc lập

Bollinger Band hoàn toàn không phải là một hệ thống giao dịch độc lập, và bạn chắc chắn không thể chỉ dùng nó cho tất cả các quyết định đầu tư của mình. Ngay cả cha đẻ của chỉ báo này, ông John Bollinger cũng đề nghị sử dụng chúng với 2 hoặc 3 chỉ báo không tương quan khác.

Vì sao ư? Bollinger Band thực ra vẫn còn khá nhiều hạn chế như không xác định được khi nào áp lực mua và áp lực bán sẽ kết thúc, không cho biết giá sẽ breakout theo xu hướng nào, không cho biết sức mạnh của xu hướng hiện tại,…Vậy nên để xác định được điểm vào lệnh chính xác nhất, bạn cần nhiều thông tin hơn bằng cách kết hợp với các chỉ báo khác.

Bollinger Band không đáng tin trong một vài điều kiện thị trường

Quả thật là như vậy, có những điều kiện thị trường bạn gần như không nên tin vào chỉ báo Bollinger Band. Chỉ báo này chỉ hoạt động tốt trong các thị trường phẳng, không biến động nhiều và có giới hạn phạm vi. Trong điều kiện này, giá sẽ như quả bóng bật nảy liên tục giữa dải trên và dải dưới.

Còn khi “nhận thức” của thị trường thay đổi, có xu hướng tăng hoặc giảm quá mạnh, dải Bollinger sẽ không còn đủ tin cậy nữa. Do đó, nhà đầu tư phải xác định được chính xác điều kiện thị trường trước khi lựa chọn phương pháp phân tích cho mình.

Tổng kết

Bollinger Band là một chỉ báo phổ biến. Mặc dù mọi chiến lược đều có ưu điểm và nhược điểm của nó nhưng Bollinger Band là một trong những công cụ phân tích kỹ thuật hữu ích nhất hiện nay.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về Bollinger Band. Mong sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về Bollinger Band và cách giao dịch với nó sao cho hiệu quả nhất. Đừng quên theo dõi Coinvn để cập nhật những kiến thức đầu tư thú vị hơn nữa nhé!