Ứng dụng của trendline trong giao dịch tiền mã hóa

Hãy cùng Coinvn tìm hiểu trendline là gì và tại sao các nhà giao dịch thường xem trendline là người bạn đồng hành khi trade coin qua bài viết này. 

6655Total views
Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 1
Ứng dụng của trendline trong giao dịch tiền mã hóa

Trendline là gì?

Trong trading có một câu nói vô cùng nổi tiếng đó là: “Trend is friend”. Hầu hết các nhà đầu tư thường xem trendline là người bạn đồng hành trên từng nhịp chuyển động của thị trường. Đó là bởi vì trendline là một trong những công cụ dễ sử dụng nhưng lại vô cùng hiệu quả đối với thị trường tài chính nói chung hay thị trường tiền mã hóa nói riêng.

Trendline là đường xu hướng của thị trường, giúp cho trader xác định xu hướng giá của đồng token/coin mà họ đang phân tích trong khoảng thời gian nhất định. Đây được xem là một trong những phương pháp căn bản nhất nhưng cũng quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật. 

Giao dịch theo xu hướng là giao dịch theo chiều của giá, theo chiều dịch chuyển của dòng tiền chính được quyết định bởi lượng cung/cầu trên thị trường. Nhờ đó mà các trader có thể tìm ra điểm vào và thoát lệnh hợp lý.

Đường trendline được tạo ra bằng cách nối hai hoặc nhiều đỉnh/đáy trên đồ thị giá lại thành một đường thẳng. Có 3 loại đường xu hướng chính, đó là: Uptrend (xu hướng tăng), downtrend (xu hướng giảm) và sideway (xu hướng đi ngang). 

Uptrend

Dấu hiệu nhận biết một thị trường uptrend đó là khi nối ít nhất 2 điểm đáy trên đồ thị giá sẽ có được một đường trendline với đặc điểm: Đáy sau cao hơn đáy trước và đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. 

Trong trường hợp này, giá sẽ có xu hướng bật lên mỗi khi chạm vào đường trendline. Lúc này, uptrend được coi như đường hỗ trợ của giá. 

Một điều cần lưu ý đó là xu hướng tăng sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi đường biến động của giá phá vỡ đường uptrend.

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 2
Đường xu hướng uptrend. Nguồn : TradingView

Downtrend

Ngược lại với đường Uptrend, đường xu hướng giảm (downtrend) là khái niệm được sử dụng trong trường hợp đồ thị giá có dấu hiệu đáy sau thấp hơn đáy trước và đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước. Có thể tưởng tượng đường xu hướng giảm như một đường thẳng nối các đỉnh núi liên tục thấp dần.

Trong trading, giá sẽ có xu hướng giảm xuống mỗi khi chạm vào đường downtrend. Lúc này, downtrend được xem như đường kháng cự của đồ thị giá.

Theo lý thuyết xu hướng, giá sẽ vẫn sẽ tiếp tục giảm cho đến khi nó có thể phá được đường downtrend và hình thành một xu hướng mới.

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 3
Đường xu hướng downtrend. Nguồn : TradingView

Sideway

Sideway là khái niệm dùng để mô tả khi thị trường liên tục đi ngang và giá lên xuống với biên độ dao động không nhiều.

Trong thị trường sideway, cả phe mua và phe bán đều không bên nào chiếm được lợi thế lớn so với đối phương. Giá sẽ liên tục chạm vào các đường hỗ trợ và kháng cự mạnh. 

Có thể hình dung, khi thị trường đang ở trong xu hướng sideway là lúc mà cả phe bò lẫn phe gấu đều có thời gian tăng cường lực lượng trước khi bước vào một trận chiến quyết định để xác định xu hướng mới của thị trường.

Cách vẽ đường xu hướng trên TradingView

TradingView là một trang web rất nổi tiếng đối với các nhà đầu tư. Để vẽ đường xu hướng trong TradingView, bạn chọn một cặp token/coin mà mình cần phân tích rồi bấm vào biểu tượng trendline trên thanh công cụ như hình vẽ dưới đây.

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 4

Quy tắc chung khi vẽ đường xu hướng đó là nó phải đi qua ít nhất hai điểm đỉnh hoặc hai đáy, sau đó bắt đầu từ phía bên trái của biểu đồ và kéo về phía bên phải:

  • Uptrend: Bắt đầu với một đáy ở phía bên trái của chart rồi bấm giữ chuột trái để nối nó đến một đáy cao hơn ở phía bên phải.
  • Downtrend: Bắt đầu từ một đỉnh ở phía trái của biểu đồ rồi bấm giữ chuột trái kéo nó xuống nối với một đỉnh thấp hơn bên phải.

Như vậy về cơ bản, bạn chỉ cần hai đỉnh hoặc hai đáy để vẽ đường xu hướng. Tuy nhiên, để một đường xu hướng có ý nghĩa phân tích, bạn nên sử dụng ít nhất từ ba đỉnh hay ba đáy trở lên. Bởi vì số lần giá chạm vào đường xu hướng càng nhiều thì xu hướng trở nên rõ ràng hơn.

Trong trường hợp giá đang có xu hướng sideway, bạn sẽ vẽ một hình chữ nhật nối các điểm đỉnh và đáy trên đồ thị giá với nhau. Thị trường được coi là chuyển sang xu hướng đi ngang khi xuất hiện nhiều điểm đảo chiều xu hướng nhưng giá vẫn không phá được các đỉnh cũ để tạo thành một đỉnh mới cao hơn (uptrend) hoặc giá không thể xuống thấp hơn các đáy cũ để tạo đáy mới (downtrend).

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 5

Ứng dụng của đường trendline trong giao dịch tiền mã hóa

Giao dịch thuận xu hướng

Như đã giới thiệu trong các phần trước: Trend is friend – Xu hướng là bạn. Những nhà đầu tư giao dịch theo phương pháp thuận xu hướng sẽ mua vào khi giá tăng và bán khống token/coin khi giá giảm. 

Lúc này, họ sẽ xác định các điểm mà giá của cặp giao dịch chạm vào đường trendline, kết hợp với một số công cụ chỉ báo khác để đưa ra quyết định giá mua vào hợp lý khi thị trường có dấu hiệu uptrend, và ngược lại bán ra khi xu hướng giảm.

Ví dụ: Trong hình dưới, thị trường đang đi theo xu hướng downtrend, mỗi lần giá chạm vào đường trendline thì lại tiếp tục giảm xuống và đáy sau thấp hơn đáy trước. Trong trường hợp này, các trader chọn giao dịch thuận xu hướng sẽ chờ tín hiệu tại điểm chạm và nếu có thêm các tín hiệu khác cho thấy rằng giá sẽ còn tiếp đi xuống thì họ sẽ đặt lệnh bán khống để kiếm lợi nhuận.

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 6

Kết hợp trendline với mô hình nến 

Mô hình nến là sự kết hợp khá hoàn hảo với đường xu hướng. Nếu sử dụng kết hợp cả hai công cụ này, trader sẽ có nhận định chính xác hơn trong giao dịch tiền mã hóa. Đây cũng chính là một trong những phương pháp giao dịch được các nhà đầu tư yêu thích nhất.

Ví dụ: Hình bên dưới thể hiện một giao dịch đang có xu hướng tăng, tại những điểm mà giá chạm vào đường xu hướng xuất hiện các cây nến nhấn chìm (Bullish Engulfing) cho thấy đây có thể là một cơ hội để nhà giao dịch tiếp tục follow trend và đưa ra quyết định mua trong trường hợp này.

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 7

Nếu bạn quan tâm đến mô hình nến thì có thể xem thêm bài viết Toàn tập về các loại nến trong biểu đồ hình nến trên Coinvn.

Kết hợp đường trendline với mô hình cái nêm

Khi xu hướng chính của giá (xu hướng giá trong một khung thời gian dài) cắt xu hướng nhỏ hơn (xu hướng giá trong một khung thời gian ngắn) tại một điểm thì điểm đó gọi là Breakout. Lúc này, giá tiếp tục phá qua xu hướng nhỏ và đi theo đường xu hướng chính, khi ấy hai đường xu hướng tạo thành một hình dạng giống như cái nêm.

Tại điểm Breakout, nhà giao dịch cần cân nhắc một trong hai phương án:

  • Mua khi giá phá qua đường xu hướng giảm (thuận xu hướng) 
  • Bán khi thấy giá phá qua đường xu hướng tăng (ngược xu hướng). 

Để ra được quyết định chính xác thì nhà giao dịch cần thêm những công cụ chỉ báo kĩ thuật khác như: Mô hình nến, dải Bollinger band, khối lượng giao dịch…

Ung dung cua trendline trong giao dich tien ma hoa - anh 8

Một số lưu ý khi giao dịch với trendline

Góc của đường xu hướng

Một số nền tảng có tích hợp sẵn công cụ đường xu hướng, cho nhà giao dịch biết độ góc của đường xu hướng. Trong MT4 (Metatrader 4), nó được gọi là đường xu hướng theo góc:

  • Đường xu hướng theo góc hoàn hảo nhất là khoảng 45 độ. 
  • Hơn 45 độ có nghĩa là giá đang tăng quá nhanh và rất có khả năng sẽ phá vỡ đường xu hướng. 
  • Dưới 45 độ có nghĩa là xu hướng yếu hơn, gần như các giao dịch sẽ sideway.

Số điểm chạm

Càng có nhiều điểm mà giá chạm vào đường trendline thì thể hiện xu hướng càng trở nên mạnh hơn và các nhà giao dịch rất dễ dàng nhận biết xu hướng của giá trong trường hợp này. Tuy nhiên sau năm lần chạm, khả năng đường xu hướng bị phá vỡ sẽ dễ xảy ra.

Không ép đường xu hướng trở nên phù hợp

Đây có lẽ là cạm bẫy phổ biến nhất mà các nhà giao dịch mắc phải khi vẽ các đường xu hướng. Điều này xảy ra khi một trader tin rằng giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giảm, họ bắt đầu cố gắng vẽ những đường trendline phù hợp suy đoán của mình trên biểu đồ.

Các đường xu hướng tốt nhất là những đường rõ ràng nhất. Vì vậy, nếu một đường xu hướng không rõ ràng thì trader nên áp dụng một phương pháp xác định giá khác.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp các nhà giao dịch tìm hiểu trendline là gì và ứng dụng của trendline trong giao dịch tiền mã hóa. Trendline tuy chỉ là những đường kẻ chéo đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả để trader xác định xu hướng thị trường. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn thêm một phương pháp phân tích để nâng cao tỷ lệ thành công trong quá trình đầu tư.