Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain mà nhà đầu tư cần biết (phần 4)

Dựa trên dữ liệu On-chain về số lượng giao dịch và các địa chỉ hoạt động trong quá khứ của tài sản, nhà đầu tư có thể dự đoán biến động giá trong tương lai.

10195Total views
Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 4) - anh 1
Những chỉ số cơ bản trong phân tích On-chain mà nhà đầu tư cần biết (phần 4)

Những chỉ số On-chain cơ bản để đánh giá sự quan tâm của nhà đầu tư  

Thị trường tài chính đang thay đổi. Các tài sản mã hóa đã mang đến một sự đổi mới đáng kể so với các hình thức tài chính truyền thống. Do đó các chỉ báo trong phân tích kỹ thuật hay các chỉ số thông dụng trong phân tích cơ bản là không đủ để phân tích thị trường mới này. 

Đối với thị trường tiền mã hóa, ngoài phương pháp nhận định xu hướng thị trường dựa trên những tin tức, thông tin về tình hình thị trường thì nhà đầu tư còn có thể tra cứu dữ liệu On-chain. 

Trong phần 4 của loạt bài viết về những chỉ số On-chain cơ bản, Coinvn sẽ giới thiệu một phương pháp phổ biến thường được nhiều người sử dụng để đánh giá sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với tiền mã hóa và tâm lý thị trường dựa vào các dữ liệu trên chuỗi như: Active Addresses (số lượng địa chỉ hoạt động) và Number of Transactions (số lượng giao dịch).

Bằng cách khám phá ý nghĩa của các chỉ số này, chúng ta có thể đo lường các yếu tố định tính trên nhờ theo dõi những hoạt động kinh tế có liên quan trong mạng lưới của đồng tiền mã hóa đó. 

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 4) - anh 2

Phân tích dựa vào Active Addresses (địa chỉ hoạt động)

Active Addresses là các địa chỉ đang hoạt động trong mạng lưới blockchain của một loại tiền mã hóa. Để tính số lượng Active Addresses, mọi người thường tính cả địa chỉ gửi và địa chỉ nhận của mỗi giao dịch trong một khung thời gian nhất định (ví dụ: Ngày, tuần, tháng hoặc năm). Chỉ những giao dịch thành công mới được tính vào số địa chỉ hoạt động.

Đây là một chỉ báo On-chain cơ bản và dễ sử dụng giúp nhà đầu tư có những nhận định sơ bộ về xu hướng, tâm lý thị trường. Từ đó họ có thể kết hợp thêm một số yếu tố khác để dự đoán giá chính xác hơn.

Ví dụ như trường hợp số lượng Active Addresses của Bitcoin biến động trong hai xu hướng thị trường được diễn giải chi tiết theo số liệu thực tế sau đây. 

Thị trường Bullish

Biểu đồ bên dưới thể hiện số lượng địa chỉ hoạt động (Number of Active Addresses) trên mạng lưới blockchain của Bitcoin trong khoảng thời gian từ năm 2015 tới thời điểm hiện tại (ngày 24/2/2022).

Chart, histogram  Description automatically generated

Quan sát biểu đồ trên ta có thể thấy tại những giai đoạn thị trường Bullish thì số lượng địa chỉ hoạt động tăng rất nhanh, tức là có nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Bằng chứng là số lượng Active Addresses trong các giai đoạn này thường tăng trưởng mạnh trong một khoảng thời gian ngắn.

Cũng dựa trên dữ liệu On-chain tại các thời điểm mà số lượng địa chỉ hoạt động trên mạng lưới Bitcoin đạt đỉnh: Tháng 12/2017, tháng 6/2019, cuối tháng 4/2021 và tháng 11/2021 thì giá BTC cũng lập đỉnh mới. Điều này đã lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử của nó.

Thị trường Bearish 

Xét về mặt tâm lý thị trường thì khi số lượng Active Addresses tăng mạnh và đạt đỉnh có thể nhận định rằng thị trường đang khá hưng phấn. Nhưng cũng giống như các lý thuyết phân tích cơ bản trong thị trường tài chính truyền thống, sau giai đoạn đạt tăng trưởng cao nhất, thị trường sẽ bắt đầu chuyển sang trạng thái Bearish, số lượng địa chỉ hoạt động đột ngột giảm xuống rất nhanh. Đây chính là một dấu hiệu rõ ràng để nhận biết đợt tăng giá trước đó đã chấm dứt.

Chart, histogram  Description automatically generated

Điều này có thể được lý giải là do nhiều nhà đầu tư đã mua vào BTC trong giai đoạn mà nó đạt đỉnh sau đó đã rời bỏ thị trường khi bị thua lỗ đáng kể trong một thời gian ngắn.

Nhận định này đặc biệt chính xác trong giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018. Đây là thời điểm mà chưa có nhiều người tin vào giá trị dài hạn của đồng Bitcoin nói riêng cũng như thị trường tiền mã hóa nói chung.

Đáng chú ý là sau giai đoạn giá BTC và số lượng địa chỉ hoạt động của nó giảm mạnh, thị trường đã hoàn toàn chuyển sang trạng thái downtrend nhưng số lượng Active Addresses lại không tiếp tục giảm sâu mà có xu hướng đi ngang. Đây là những holder tin tưởng vào tương lai dài hạn của Bitcoin, họ vẫn hoạt động tích cực bất chấp những biến động giá trong ngắn hạn của đồng tiền mã hóa này.

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 4) - anh 3

Phân tích dựa vào Number of Transactions (số lượng giao dịch)

Number of Transactions là một chỉ báo được sử dụng để đo lường các hoạt động giao dịch diễn ra trên mạng lưới của một đồng tiền mã hóa. Bằng cách quan sát các hoạt động trên chuỗi đã thay đổi như thế nào trong quá khứ các nhà đầu tư có thể đưa ra dự đoán tốt hơn về chuyển động giá của những đồng coin đó trong tương lai.

Tuy nhiên cũng như số lượng địa chỉ hoạt động, người dùng cần thận trọng khi diễn giải chỉ số On-chain cơ bản này vì cũng có một số trường hợp các cá voi của thị trường có thể chuyển tiền giữa các ví của họ để tăng số lượng giao dịch trên chuỗi.

Quay lại với trường hợp của Bitcoin trong ví dụ trên, khi số lượng địa chỉ ví có độ tương quan cao với giá BTC thì số lượng giao dịch được ghi lại trên mạng lưới blockchain của Bitcoin lại có sự biến động tùy theo từng giai đoạn của thị trường.

Giai đoạn giá và số lượng giao dịch đều tăng

Chỉ số Number of Transactions trên mạng lưới Bitcoin đã duy trì được đà tăng liên tục từ cuối năm 2016 cho đến cuối năm 2017 chứng tỏ giai đoạn này thị trường đang rất sôi nổi với hàng loạt những tin tốt về tiền mã hóa, đẩy giá BTC lên cao chưa từng có trong các giai đoạn trước đó.

Những đợt tăng trưởng giá ngắn hạn hơn như nửa đầu năm 2019 hay nửa cuối năm 2021 cũng chứng kiến một kịch bản tương tự.

Nhung chi so co ban trong phan tich On-chain ma nha dau tu can biet (phan 4) - anh 4

Giai đoạn số lượng giao dịch giảm đột ngột 

Ở một diễn biến ngược lại, khi số lượng giao dịch giảm đột ngột lại là một dấu hiệu cho biết thị trường đang hạ nhiệt và chuẩn bị bước sang giai đoạn Bearish. 

Lịch sử giá của BTC đã nhiều lần nghiệm chứng điều này. Theo thống kê từ Glassnode thì vào các thời điểm Number of Transactions có xu hướng đi xuống cũng là lúc giá của đồng tiền này có những đợt điều chỉnh không nhỏ. Ví dụ như: Giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018 và mới đây nhất là giai đoạn tháng 5 và tháng 12 năm 2021.

Khi giá BTC giảm sâu sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường chán nản và không tham gia giao dịch. Trong thị trường Bearish, tâm lý của các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng trước những quyết định của mình khiến cho số lượng giao dịch trong những giai đoạn này lao dốc. Điều này thể hiện đặc biệt rõ nét trong giai đoạn cuối năm 2017 đầu năm 2018. 

Chart, histogram  Description automatically generated

Giai đoạn giá không đi theo xu hướng của số lượng giao dịch

Trong lịch sử biến động giá của Bitcoin có một thời điểm khá hy hữu khi mà đường giá và đồ thị Number of Transactions phân kỳ, nghĩa là giá giảm nhưng số lượng giao dịch lại tăng. Đó là khoảng thời gian từ tháng 2/2018 đến tháng 11/2018. 

Điều này xảy ra là do mặc dù đã có rất nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường sau cú “dump” thảm hại của Bitcoin vào cuối năm 2017 nhưng vẫn còn không ít người ở lại, thị trường lúc này đã thanh lọc hầu hết những nhà đầu tư F0 và những người không có nhiều niềm tin vào thị trường.

Có thể nói, giai đoạn này là giai đoạn của những nhà đầu tư dài hạn và những người có niềm tin vào Bitcoin. Họ vẫn có những giao dịch sôi nổi bất kể chiều hướng giá Bitcoin đi xuống trong suốt năm 2018.

Chart, histogram  Description automatically generated

Một điểm đáng chú ý nữa ở đây là từ tháng 8/2019 đến giữa tháng 9/2020, giá BTC sideway trong một thời gian khá dài và thậm chí có thời điểm giá rớt sâu đến mức chỉ còn hơn 5.000 đô la Mỹ nhưng số lượng giao dịch cũng không giảm mạnh như đầu năm 2018. 

Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào tiền mã hóa đã được củng cố sau những đợt biến động mạnh của BTC trong quá khứ.

Chart, histogram  Description automatically generated

Tổng kết

Tham khảo dữ liệu trong quá khứ là cách tốt nhất để đưa ra những dự đoán về xu hướng thị trường có thể xảy ra tương lai qua nhiều góc nhìn đa dạng. Hy vọng qua phần 4 của loạt bài giới thiệu về những chỉ số On-chain cơ bản, các nhà đầu tư sẽ có thêm một công cụ phân tích dựa vào số lượng địa chỉ hoạt động và số giao dịch hàng ngày được ghi lại trên mạng lưới của tiền mã hóa.