Dữ liệu on-chain: Nội soi toàn bộ về mạng lưới Blockchain

Dữ liệu on-chain giúp nhà đầu tư có thể theo dõi và biết được nội tại mạng lưới Blockchain đang diễn ra như thế nào thông qua các chỉ số được tổng hợp và phân tích bởi một số các công cụ trực tuyến.

10010Total views
Du lieu on-chain: Noi soi toan bo ve mang luoi Blockchain - anh 1
Dữ liệu on-chain: Nội soi toàn bộ về mạng lưới Blockchain

Mạng Blockchain là một mạng mở và tất cả mọi người đều có thể theo dõi, giám sát mọi diễn biến xảy ra trên nền tảng Blockchain đó. Tất cả những thông tin xảy ra trên mạng được gọi chung là các dữ liệu on-chain. Trong bài viết này, hãy cùng Coinvn tìm hiểu kỹ hơn về loại dữ liệu giúp chúng ta có thể nội soi toàn bộ về một mạng lưới Blockchain bất kỳ nhé.

Dữ liệu on-chain là gì?

Trong thị trường tiền mã hóa, dữ liệu on-chain được hiểu là tất cả những gì được lưu trữ một cách nguyên bản trên các Blockchain công khai. Nghĩa là, bất kỳ ai, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tìm kiếm, theo dõi và giám sát các dữ liệu này. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là những dữ liệu này là những dữ liệu gì?

Mặc dù nó bao gồm tất cả các dữ liệu công khai hiện có trên mỗi nền tảng Blockchain nhưng thông thường chúng ta sẽ gặp một số dạng dữ liệu on-chain như sau:

Thông tin chi tiết về mọi khối như dấu thời gian, giá khí Gas, công cụ khai thác, kích thước khối,…

Chi tiết mọi thứ liên quan đến giao dịch trên chuối như địa chỉ ví gửi, địa chỉ ví nhận, số tiền được chuyển trong mỗi giao dịch, số phí đã dùng cho giao dịch đó,…

Các thông tin về biến động liên quan đến một đồng coin trên các sàn giao dịch, số lượng người nắm giữ hay các hợp đồng phái sinh của đồng coin đó trên thị trường.

Có thể nói, nhờ vào dữ liệu on-chain, chúng ta có thể biết được những chuyển động xoay quanh một đồng coin bất kỳ trên thị trường. Và từ những chuyển động đó, chúng ta có thể đưa ra một số dự báo về diễn biến tiếp theo của thị trường. Để các bạn dễ hình dung hơn, hãy xem ví dụ sau đây.

Trong sự kiện bán tháo diễn ra ngày 19/5 vừa qua, xét ở góc độ giá cả, chúng ta thấy giá liên tục giảm và dừng lại ở mức 30.000 USD. Nhiều ý kiến cho rằng đợt bán tháo này tương tự như đợt downtrend diễn ra vào đầu năm 2018, thời điểm mà giá Bitcoin sụt giảm 80% giá trị và rớt về mốc trên 3.000 USD. Tuy nhiên, nếu dựa vào những chỉ số on-chain thì có vẻ như sự thật không như những gì chúng ta vẫn nghĩ.

Theo dữ liệu on-chain được tổng hợp bởi CryptoQuant và Glassnode, áp lực bán chủ yếu lại đến từ những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Họ có thời gian nắm giữ Bitcoin trong khoảng thời gian chỉ từ 3 – 6 tháng. Hãy xem hình dưới đây.

Du lieu on-chain: Noi soi toan bo ve mang luoi Blockchain - anh 2
Áp lực bán đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nguồn: Glassnode.

Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, chúng ta luôn thấy dấu hiệu tích cực thu mua bởi một số nhà đầu tư lớn (các cá voi trên thị trường). Giá Bitcoin trên sàn Coinbase có thời điểm đã cao hơn so với sàn Binance lên đến 500 USD. Nhiều người tin rằng, Coinbase là điểm đến của các nhà đầu tư tổ chức, trong khi đó Binance lại chủ yếu dành cho nhà đầu tư cá nhân. Hãy xem hình dưới đây.

Du lieu on-chain: Noi soi toan bo ve mang luoi Blockchain - anh 3
Một ví cá voi tích cực thu mua sau sự kiện ngày 19/5.

Như vậy, có thể thấy, thông qua các dữ liệu on-chain từ thị trường, chúng ta có cơ sở để tin rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh. Thậm chí, đây có thể là dấu hiệu “làm giá” của cá voi để có thể thu mua được Bitcoin với giá rẻ. Mặc dù không có gì là chính xác hoàn toàn nhưng ít nhất chúng ta có thể biết được thị trường đang diễn biến như thế nào tại thời điểm đó. 

Ngoài lợi ích này ra, dữ liệu on-chain còn mang đến cho người dùng thêm nhiều lợi ích khác nữa. Chúng cụ thể là gì, hãy cùng Coinvn tìm hiểu thêm ở phần tiếp theo trong bài viết này nhé.

Lợi ích khi sử dụng dữ liệu on-chain

Bằng việc sử dụng dữ liệu on-chain, nhà đầu tư có thể:

Thứ nhất, theo dõi được biến động của một ví cụ thể: Vì mọi thứ là hoàn toàn trong suốt đối với mọi người dùng nên chúng ta hoàn toàn có thể theo dõi, giám sát được từng địa chỉ ví riêng biệt. Hãy xem ví dụ về một địa chỉ ví như trong hình dưới đây bạn sẽ thấy có những tín hiệu mua từ họ. Khi giá Bitcoin giảm xuống mức 28.000 USD trong thời gian gần đây, địa chỉ ví này liên tục thu mua bất chấp giá tiếp tục giảm.

Thứ hai, theo dõi được các giao dịch lớn diễn ra trên thị trường: Bằng cách sử dụng dữ liệu on-chain, chúng ta có thể theo dõi được toàn bộ các giao dịch đang diễn ra. Ví dụ, nếu như có một lượng lớn đồng Stablecoin được đẩy lên các sàn giao dịch, đó có thể là dấu hiệu của một đợt thu mua. Ngược lại, nếu các nhà đầu tư đang tích cực đẩy Bitcoin lên sàn, đó có thể là dấu hiệu bán sắp diễn ra. 

Ở khía cạnh của một nhà đầu tư tiền mã hóa, mọi thông tin về thị trường đều có giá trị. Quan trọng là những thông tin này phản ánh đúng diễn biến của thị trường. Không ai có thể thay đổi hoặc thao túng được các thông tin này.

Một số lưu ý khi sử dụng các dữ liệu on-chain

Mặc dù dữ liệu on-chain mang lại những lợi ích không tưởng cho các nhà đầu tư như vậy nhưng không có nghĩa là nó dễ sử dụng với tất cả mọi người. Để có thể vận dụng một cách đúng đắn và mang lại hiệu quả, hãy lưu ý đến một vài điều sau đây.

Thứ nhất, dữ liệu chỉ mang tính chất tổng hợp: Hiểu đơn giản là tất cả các dữ liệu on-chain đều là các dữ liệu đã xảy ra trong quá khứ. Tức là nó không đảm bảo trong tương lai, thị trường sẽ biến động theo xu hướng tương tự như vậy. Do đó, các nhà đầu tư chỉ nên xem đây như một nguồn dữ liệu tham khảo để có thể dự phóng diễn biến tiếp theo của thị trường.

Thứ hai, nên sử dụng các công cụ tổng hợp dữ liệu on-chain: Trên thực tế, có rất nhiều loại dữ liệu on-chain để nhà đầu tư có thể quan tâm. Không phải ai cũng có thể trực tiếp kết nối đến một Blockchain bất kỳ để tìm kiếm các nguồn dữ liệu này. Thay vào đó, chúng ta có các công cụ (bao gồm cả miễn phí và trả phí) để giúp hỗ trợ tổng hợp các vấn đề này. Như các ví dụ mình đã đưa ra ở phần trên, CryptoQuant và Glassnode là hai trong số nhiều công cụ được sử dụng phổ biến hiện nay. Coinvn cũng có bài viết chi tiết giới thiệu về hai công cụ này, độc giả quan tâm hãy cùng đón đọc nhé. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến tính chính xác của từng nguồn dữ liệu để đảm bảo thông tin bạn nhận được là kịp thời và chính xác nhất. Các nhà đầu tư có thể kết hợp nhiều công cụ lại với nhau để có thể so sánh và đối chiếu cho phù hợp.

Lời kết

Tóm lại dữ liệu on-chain sẽ cho chúng ta biết được diễn biến của thị trường tại thời điểm đó như thế nào. Từ dữ liệu on-chain, chúng ta có thể dự phóng về các hành động có thể xảy ra trong tương lai. Hi vọng bài viết này đã mang đến cho độc giả những kiến thức bổ ích liên quan đến nguồn dữ liệu này. Hãy chia sẻ nó nếu như bạn thấy hay và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo tại Coinvn nhé.