Nội dung
Microledger là gì? Những điều cần biết về công nghệ mới này
Microledger là một công nghệ mới có các đặc điểm nổi bật của blockchain, bao gồm sự tin cậy, tính bất biến và khả năng chống giả mạo, nhưng nó mang lại hiệu quả hơn về tính ứng dụng.
Microledger là một chuỗi các khối được tạo từ mật mã có chứa các bản cập nhật dữ liệu có thể chứng minh được. Giống như blockchain, microledger cung cấp dữ liệu đáng tin cậy, có khả năng chống giả mạo.
Tuy nhiên, microledger cũng có điểm khác với các blockchain công khai tiêu chuẩn, đó là mỗi khối trong microledger có thể tồn tại ở bất cứ đâu, độc lập với một chuỗi. Tức là chúng ta không cần đặt microledger dưới dạng dữ liệu trên một chuỗi công khai đơn lẻ, mỗi khối tồn tại độc lập với nhau. Do đó, microledger sẽ là các tủ chứa dữ liệu phi tập trung và chỉ cập nhật khi có yêu cầu.
Như chúng ta đã biết blockchain là một cuốn sổ cái điện tử được chia sẻ cho nhiều người tham gia vào mạng lưới. Các thông tin liên quan đến giao dịch sẽ được lưu trữ trong cuốn sổ cái đó một cách minh bạch và không ai có thể thay đổi hoặc xóa đi.
Công nghệ blockchain mang lại nhiều lợi ích và được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, blockchain cũng không thể giải quyết được những vấn đề bất cập. Cụ thể, khả năng lưu trữ dữ liệu trên một blockchain bị giới hạn và việc lưu trữ dữ liệu sẽ tốn rất nhiều chi phí.
Ở thời điểm hiện tại, người dùng sẽ phải sử dụng một loại tiền mã hóa tương ứng với blockchain để tận dụng lợi thế của nó, chẳng hạn như ETH hoặc BTC. Nếu nhà đầu tư bị mất khoá cá nhân, thì đồng nghĩa với việc mất quyền truy cập vào ví.
Mặt khác, một số blockchain sử dụng cơ chế PoW sẽ gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường. Để khai thác các loại tiền mã hóa của blockchain PoW sẽ cần tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra khí thải carbon gây hại đến môi trường sống của con người.
Mặc dù, sự ra đời của các blockchain sử dụng cơ chế đồng thuận PoS đã phần nào giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên, hạn chế của PoS là chỉ dành cho những nhà đầu tư có số vốn lớn để có thể khai thác trên các blockchain này.
Microledger được thiết kế để trở thành một mô hình dữ liệu dẫn đầu trong việc sử dụng dữ liệu để xác thực. Vì dữ liệu trong microledger được xác minh bằng mật mã, ở bất kỳ đâu vào bất kỳ thời điểm nào. Tức là bất kỳ ai đã từng sở hữu dữ liệu dưới dạng một sổ cái nhỏ thì người đó có thể xác minh tính toàn vẹn và tính đúng đắn của thông tin bằng mật mã. Điều này đáp ứng một số nhu cầu cụ thể trên Internet là người dùng không chỉ có thể biết ai đã nói điều gì, mà còn đảm bảo rằng điều đã nói là đúng, nhất quán và mạch lạc.
NFT là viết tắt của cụm từ “Non-fungible token”, một loại tài sản tiền mã hóa có tính độc nhất, không thể thay thế và được phát hành trên các nền tảng blockchain. Chính vì thế NFT thường được sử dụng thay cho bằng chứng xác thực về quyền sở hữu tài sản. Các NFT này được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật.
Không giống như NFT, microledger có thể liên tục thực hiện các thay đổi. Mặc dù nhà đầu tư có thể xác minh rằng ai đang sở hữu NFT, chuyển quyền sở hữu… Tuy nhiên, họ không thể cập nhật hoặc thay đổi NFT theo thời gian. Đặc tính này giúp NFT trở thành một giải pháp tuyệt vời để trao đổi tác phẩm nghệ thuật, nhưng không phù hợp với các ứng dụng thường xuyên phải cập nhật dữ liệu theo thời gian thực.
Cũng giống như Web 3.0, microledger mới chỉ bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, hầu hết các ứng dụng microledger vẫn đang trong quá trình phát triển. Hiện tại, xác thực thông tin là một trong những trường hợp sử dụng phổ biến nhất của microledger. Các thông tin có thể được xác thực bằng các mật mã, bao gồm các thông tin riêng tư (bằng lái xe, W-2 hoặc bảng điểm học tập). IATA Travel Pass, bằng sáng chế công nghệ Touch ID và Face ID của Apple là những ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Các ứng dụng khác cũng đang được nghiên cứu và phát triển. Một bài báo nghiên cứu của Boston Fed và MIT đã mô tả việc sử dụng microledger để tạo ra stablecoin kỹ thuật số. Microledger cũng đang được phát triển để theo dõi chi phí bảo hiểm và số kilômét (km) mà xe ô tô đã đi được.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, microledger được ứng dụng để cho phép mọi người mua, gia tăng giá trị và bán các mặt hàng kỹ thuật số trực tuyến. Trong lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sĩ có thể sử dụng microledger để theo dõi và kiếm tiền từ các bài hát.
Ví dụ: Trong một bài hát, Steve đóng góp một đoạn guitar riff, Sydney một đoạn bass và giọng hát của Sasha, mỗi phần đóng góp đều có thể chứng minh và theo dõi được. Khi đó, các nhạc sĩ đóng góp vào bài hát đều có quyền sở hữu và làm bất cứ điều gì liên quan đến bài hát đó.
Như vậy, microledger cho phép mọi người tin tưởng, xác minh và theo dõi các thay đổi của dữ liệu một cách phi tập trung. Chúng là một bước phát triển mới trong quá trình tiến hóa đối với Web 3.0, trong đó tính vi mô và phân cấp đã xuất hiện dưới dạng tính toán bằng mật mã tinh vi hơn, giúp dữ liệu được bảo mật và tiết kiệm chi phí hơn trong việc lưu trữ.