Tiền pháp định (Fiat) là gì? So sánh tiền pháp định và tiền mã hóa

Tiền pháp định (Fiat) là gì? Khi bước chân vào thị trường tiền mã hóa, hẳn bạn đã nghe qua thuật ngữ này rồi. Nhưng để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động và bản chất của hệ thống này

19095Total views
Tien phap dinh (Fiat) la gi? So sanh tien phap dinh va tien ma hoa - anh 1
Tiền pháp định (Fiat) là gì? Nguồn: Cointelegraph.

Tiền pháp định (Fiat) là gì? Khi bước chân vào thị trường tiền mã hóa, hẳn bạn đã nghe qua thuật ngữ này rồi. Nhưng để hiểu rõ hơn cách thức hoạt động và bản chất của hệ thống này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn thêm thông tin về tiền pháp định cũng như so sánh giữa tiền pháp định và tiền mã hóa ngay sau đây.

Tiền pháp định (Fiat) là gì?

Tiền pháp định của một quốc gia (hay tiền Fiat) có giá trị được phát hành bởi chính phủ quốc gia, được hợp pháp hóa và không dựa trên tài sản có giá trị nào. Hiện nay, các nước trên thế giới sử dụng hệ thống tiền pháp định để mua hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và tiết kiệm. Bản vị vàng và các hệ thống dựa trên hàng hóa khác đã bị thay thế bởi tiền Fiat dựa vào những lợi ích mà Fiat mang lại. Hầu hết các loại tiền hiện tại đều là tiền pháp định như USD, EUR, CAD,..

Ví dụ: VND tại Việt Nam phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước: ‘’Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đơn vị tiền tệ là “đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành là đồng tiền pháp định, được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ Việt Nam’’ tại sbv.gov.vn.

Tiền pháp định hoạt động như thế nào?

Tiền pháp định và bản vị vàng

Hệ thống bản vị vàng mang ý nghĩa rằng tất cả tiền giấy được bảo đảm bằng một lượng vàng hữu hạn do chính phủ nắm giữ. Trong một hệ thống này, chính phủ và ngân hàng có thể đưa thêm tiền vào nền kinh tế khi và chỉ khi họ sở hữu một lượng vàng dự trữ bằng về giá trị. Điều này hạn chế khả năng in tiền của chính phủ cũng như hạn chế việc tăng giá trị cho tiền vốn chỉ dựa trên các yếu tố kinh tế. Vì vậy từ khoảng thế kỷ XX, Mỹ và các nước trên Thế giới tuyên bố bỏ hoàn toàn hệ thống bản vị vàng chuyển sang sử dụng tiền pháp định.

Cách thức hoạt động của tiền pháp định

Giá trị của tiền pháp định được duy trì bởi chính phủ phát hành. Chính phủ và ngân hàng trung ương tác động trực tiếp lên tiền pháp định. Điều này đồng nghĩa  rằng chính phủ và ngân hàng có thể phản ứng trước các dạng sự kiện tài chính và khủng hoảng bằng các công cụ nới lỏng định lượng hoặc tạo ngân hàng dự trữ.

Ưu điểm và nhược điểm của tiền pháp định

Ưu điểm 

  • Chi phí: Việc tạo ra tiền pháp định có chi phí phải chăng hơn so với tiền dựa trên hàng hóa.
  • Sự khan hiếm: Không bị ảnh hưởng và bị giới hạn bởi sự khan hiếm của vật chất, hàng hóa.
  • Linh hoạt: Tiền pháp định cho chính phủ và ngân hàng trung ương sự linh hoạt để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế.
  • Thuận tiện: Không đòi hỏi phải có kho lưu trữ, bảo vệ, giám sát và các yêu cầu tốn kém khác như vàng.
  • Thương mại quốc tế: Có thể sử dụng ở các quốc gia trên thế giới.

Nhược điểm

  • Không có giá trị nội tại: Có thể dẫn đến lạm phát và làm sụp đổ hệ thống kinh tế vì tiền pháp định được phát hành bởi chính phủ từ không gì cả.
  • Rủi ro trong lịch sử: Sự sụp đổ tài chính do thực hiện hệ thống tiền fiat trong lịch sử. Điều này chứng minh vẫn có rủi ro trong hệ thống này. 
  • Tiền pháp định của một Chính phủ có nguy cơ mất giá: Do lạm phát hoặc trở nên vô giá trị nếu tình trạng siêu lạm phát xảy ra tại quốc gia ( Ví dụ như siêu lạm phát tại Zimbabwe)  vì tiền pháp định không dựa trên dự trữ vật chất như vàng bạc quốc gia đó nắm giữ.

So sánh tiền pháp định và tiền mã hóa

Giống nhau:

Tất cả ưu điểm của tiền pháp định là điểm giống nhau của tiền mã hóa và tiền pháp định.

Khác nhau:

Quản lý:

  • Tiền pháp định: Được kiểm soát bởi Chính phủ và Ngân hàng.
  • Tiền mã hóa: về cơ bản là phi tập trung và hoạt động trên Blockchain, không chịu sự quản lý của Chính phủ.

Cách thức tạo ra:

  • Tiền pháp định: Được chính phủ và ngân hàng tạo ra từ không gì cả.
  • Tiền mã hóa: Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác có nguồn cung được kiểm soát bằng thuật toán và có thể được hạn chế số lượng.

Tìm hiểu thêm về Bitcoin tại đây.

Cách thức giao dịch

  • Tiền pháp định: Có thể theo dõi giao dịch và can thiệp bởi Chính phủ.
  • Tiền mã hóa: Khó theo dõi hơn, ẩn danh được và giao dịch không thể thay đổi.

Quy mô:

  • Tiền pháp định có quy mô lớn hơn so với tiền mã hóa ở thời điểm hiện tại.

Tổng kết

Ý tưởng chính của việc tạo ra Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác đó là tìm ra một dạng tiền mới được xây dựng trên một mạng phân tán. Tiền mã hóa còn một chặng được dài phía trước và khó có thể kết luận rằng tiền mã hóa có thể thay thế cho tiền pháp định hay không. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ, Tiền mã hóa vẫn sẽ là một chủ đề dần càng được phổ biến hơn đến công chúng. Hy vọng qua bài viết này bạn có thể biết thêm những kiến thức bổ ích và hẹn gặp bạn ở những bài viết tiếp theo.