Rug pull là gì? Cách nhận biết các dự án có dấu hiệu rug pull

Rug pull là một thuật ngữ khá xa lạ đối với những nhà đầu tư mới gia nhập vào thị trường Crypto. Hãy cùng Coinvn tìm hiểu về rug pull và cách tránh rủi ro này trong bài viết dưới đây.

13083Total views
Rug pull la gi? Cach nhan biet cac du an co dau hieu rug pull - anh 1
Rug pull là gì? Cách nhận biết các dự án có dấu hiệu rug pull

Trong năm 2021, thị trường tiền mã hóa nói chung và DeFi nói riêng đã xảy ra rất nhiều vụ hack. Bên cạnh đó, thị trường đã có gần 10 tỷ đô la Mỹ đã bị đánh cắp trong các vụ lừa đảo, tăng 81% so với năm 2020. Trong đó, rug pull đã chiếm hơn 35% trong 10 tỷ đô la Mỹ từ các vụ lừa đảo tiền mã hóa. Số liệu này được thống kê bởi một báo cáo gần đây của Elliptic. Rug pull được xem là một trong những kiểu lừa đảo “khét tiếng” nhất trong thị trường tiền mã hóa.

Rug pull trong thị trường tiền mã hóa là gì?

Rug pull là một thuật ngữ đề cập đến hình thức lừa đảo mà trong đó nhóm phát triển của một dự án tài chính phi tập trung (DeFi) chạy trốn với tiền của các nhà đầu tư bằng cách bán, hoặc rút hết thanh khoản khiến giá token của dự án đó giảm về 0.

Trong DeFi, thanh khoản là thuật ngữ đề cập đến số lượng tài sản tiền mã hóa được đổ vào một pool thanh khoản và được khóa trong một hợp đồng thông minh. Thanh khoản là một yếu tố quan trọng để vận hành một AMM và các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap, SushiSwap…

Tương tự như các sàn giao dịch tập trung, tính thanh khoản là một thành phần không thể thiếu trong các giao thức DeFi. Khi người dùng thực hiện giao dịch trên các giao thức DeFi có được nguồn thanh khoản dồi dào sẽ hạn chế được rủi ro trượt giá của các tài sản tiền mã hóa. 

Rug pull thường xảy ra trong không gian DeFi bởi việc tạo một loại tiền mã hóa mới rất đơn giản. Bên cạnh đó việc dự án niêm yết token của mình trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) cũng không cần phải trải qua quy trình KYC hay kiểm tra code một cách kỹ càng. 

Rug pull la gi? Cach nhan biet cac du an co dau hieu rug pull - anh 2

Rug pull thường diễn ra như thế nào?

Thông thường, các nhà phát triển của dự án sẽ tạo ra một token mới dựa trên tiêu chuẩn ERC-20 của Ethereum hoặc các nền tảng blockchain layer 1 khác như Solana, Avalanche hoặc Binance Smart Chain. Sau đó, họ sẽ niêm yết các token này trên một sàn DEX mã nguồn mở như Uniswap (Ethereum), Raydium (Solana), TraderJoe (Avalanche) hoặc PancakeSwap (Binance Smart Chain).

Tiếp đến, các nhà phát triển có hai tùy chọn để thêm thanh khoản vào sàn DEX: 

  • Thông qua một pool thanh khoản: Trong đó token của dự án sẽ được ghép cặp với một loại tiền mã hóa phổ biến khác như Ethereum (ETH), Solana (SOL)…
  • Thông qua IDO: Trong đó token của dự án được mở bán trên các sàn DEX để huy động vốn từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nếu dự án không có đủ thanh khoản, nhà đầu tư sẽ phải chịu mức trượt giá lớn khi thực hiện giao dịch trên nền tảng này. Chính vì thế, các dự án làm AMM, Farming… thường cung cấp một mức APY cao ngất ngưởng khuyến khích các nhà đầu tư cung cấp thanh khoản cho họ. 

Đối với hầu hết các dự án chính đáng (legit), số tiền thu được sẽ bị khóa trong một khoảng thời gian nhất định. Ngược lại, các dự án có dấu hiệu rug pull thường không khóa thanh khoản để dễ dàng thực hiện rút thanh khoản khỏi pool. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là nhà đầu tư không thể bán các token không có thanh khoản hoặc giá trị của token đó có thể giảm về 0.

Tuy nhiên, vẫn có những dự án tiềm năng nhưng lại cung cấp APY rất cao. Chính vì thế, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi farming hoặc thêm thanh khoản vào giao thức đó.

Làm thế nào để nhận biết dự án có dấu hiệu rug pull

Trước khi đầu tư vào một dự án bất kỳ đòi hỏi nhà đầu tư cần phải nghiên cứu, thẩm định dự án một cách kỹ lưỡng để tránh những rủi ro không đáng có. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp nhà đầu tư nhận biết dự án có khả năng rug pull:

Danh tính của đội ngũ không rõ ràng

Một yếu tố khá quan trọng mà nhà đầu tư cần quan tâm đó chính là danh tính của đội ngũ phát triển dự án. Việc ẩn danh thông tin cá nhân của đội ngũ có thể được xem là một dấu hiệu cho thấy dự án có khả năng scam. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh đồng tất cả các đội ngũ ẩn danh đều là những kẻ lừa đảo, bởi có rất nhiều dự án không công khai danh tính đội ngũ nhưng lại đem đến cho người dùng những dự án tuyệt vời.

Whitepaper có nội dung sơ sài

Whitepaper là một trong những tài liệu mà bất kỳ dự án nào cũng phải có. Đây là bản tài liệu cung cấp toàn bộ thông tin, từ các khái niệm cơ bản đến các thành phần kỹ thuật của dự án. 

Nếu các nội dung trong Whitepaper được viết theo cách khó hiểu, không rõ ràng, cùng với một mô hình hoạt động không có tính khả thi. Điều này có nghĩa là những gì mà dự án trình bày trong Whitepaper chỉ mang tính tượng trưng và không thể thực thi để tạo ra một dự án hoàn chỉnh.

Phân bổ token không cân xứng

Về cơ bản, token chính là thứ mà mọi người đầu tư chứ không phải công nghệ hay ý tưởng của dự án. Chính vì thế, nhà đầu tư phải kiểm tra kỹ lưỡng thông tin phân bổ và lịch trình phát hành token. Nếu như tỷ lệ token phân bổ cho đội ngũ phát triển quá cao, thì có thể dự án này không đáng để đầu tư. 

Mặt khác, nếu như tỷ lệ phân bổ cho đội ngũ phát triển đã phù hợp, nhưng không có thời gian khóa token rõ ràng thì việc đầu tư vào dự án này sẽ có rất nhiều rủi ro. Thông thường, sau IDO các nhà phát triển sẽ thêm token vào pool thanh khoản và khóa chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, nếu như không có thời gian khóa cụ thể thì các nhà phát triển có thể rút hết thanh khoản vào bất kỳ thời điểm nào. Khi đó, các nhà đầu tư của dự án có thể sẽ mất hết tài sản khi giá trị của chúng giảm về 0, hoặc không bán được token vì không có đủ thanh khoản.

Tính thanh khoản và tổng giá trị bị khóa (TVL) thấp

Nhà đầu tư có thể kiểm tra tính thanh khoản của các dự án DeFi bằng cách xem khối lượng giao dịch token của dự án trong 24 giờ qua. Nếu khối lượng giao dịch thấp, thì đội ngũ phát triển dễ dàng thao túng giá của token hơn.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần xem xét đến tổng giá trị bị khóa (TVL) đối với các dự án có cơ chế staking hoặc cho phép cung cấp thanh khoản đối với token của họ. Thông qua chỉ số này, nhà đầu tư sẽ biết được tổng số token đã stake của dự án đó. Con số này càng cao thì số lượng token lưu thông trên thị trường càng thấp, điều này giảm được áp lực bán đối với token đó. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể đánh giá được mức độ tin tưởng của những nhà đầu tư khác đối với dự án là cao hay thấp.

Những sự kiện rug pull đã xảy ra trong thời gian gần đây

AnubisDAO

AnubisDAO là một loại tiền mã hóa thuộc thể loại memecoin được fork từ OlympusDAO. AnubisDAO đã thu về 60 triệu đô la Mỹ từ sự kiện ICO với sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư. Số tiền huy động được chuyển vào một ví duy nhất và chưa đầy 24h sau thì số tiền này đã biến mất.

Meerkat Finance

Meerkat Finance là một dự án DeFi được khởi chạy trên Binance Smart Chain. Chỉ hơn 1 ngày sau khi ra mắt, các vault của dự án đã vi phạm bảo mật và đội ngũ phát triển đã sử dụng hơn 31 triệu đô la Mỹ. Trên thực tế, hợp đồng của dự án Meerkat Finance đã được sửa đổi để cho phép nhà phát triển rút hết tiền trong các vault trước khi dự án được ra mắt.

Luna Yield

Luna Yield là một dự án đảm nhận nhiệm vụ tổng hợp lợi nhuận được xây dựng trên blockchain Solana. Các nhà phát triển của giao thức đã rút thanh khoản và lấy đi một lượng lớn token trị giá gần 10 triệu đô la Mỹ. Ngay sau đó, tất cả các kênh truyền thông mạng xã hội và trang web chính thức của dự án đã bị vô hiệu hóa.

TurtleDEX

TurtleDEX là một sàn giao dịch phi tập trung được xây dựng trên mạng BSC. Dự án đã thu về khoảng 9.000 BNB từ một vòng pre-sale, tương đương với 2,5 triệu đô la Mỹ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đội ngũ phát triển đã rút hết thanh khoản và hoán đổi token TTDX thành ETH, sau đó bán ETH trên sàn giao dịch Binance. 

Tổng kết

Thị trường tài chính phi tập (DeFi) chứa rất nhiều cơ hội tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Đây còn được xem là mảnh ghép quan trọng của ngành công nghiệp tiền mã hóa. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn tồn đọng rất nhiều rủi ro liên quan đến bảo mật và xác minh danh tính bởi bản chất của nó là phi tập trung và không chịu sự kiểm soát của bất kỳ đơn vị nào. 

Rug pull là một trong những hình thức lừa đảo “khét tiếng” trong thị trường này. Khi rug pull xảy ra nhà đầu tư sẽ không thể kịp thời cắt lỗ vì giá token giảm rất nhanh dẫn đến mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vào dự án đó.