Siêu lạm phát là gì?

Siêu lạm phát là con “quái vật” đối với bất kỳ quốc gia nào bởi nó có thể nuốt chửng nền kinh tế chỉ trong vài ngày, thậm chí là vài giờ.

9280Total views
Sieu lam phat la gi? - anh 1
Siêu lạm phát. Nguồn: Cointelegraph.

Một trong những vấn đề lớn mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng phải đối mặt và chịu ảnh hưởng ít nhiều chính là lạm phát. Thông thường, các chính phủ sẽ cố gắng điều tiết để giữ lạm phát ở một mức ổn định và vừa phải. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, lạm phát đã vượt quá tầm kiểm soát, trở thành “Siêu lạm phát” và diễn ra với tốc độ khủng khiếp không thể dự đoán được, làm cho giá trị đồng tiền của đất nước đó giảm mạnh đến mức báo động, ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Vậy “Siêu lạm phát” thực chất là gì? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé.

Khái niệm siêu lạm phát

Theo lý thuyết kinh tế, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và làm sức mua của tiền tệ giảm xuống. Cụ thể, với một lượng tiền tệ giống như trước sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn. Đồng thời, lạm phát còn là sự giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia này so với các loại tiền tệ của quốc gia khác.

Siêu lạm phát (Hyperinflation) cũng được bắt nguồn từ khái niệm lạm phát, tức là tình trạng suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ. Tuy nhiên, khác với lạm phát, siêu lạm phát diễn ra với tốc độ nhanh, đột ngột và vượt ngoài tầm kiểm soát hơn. Phillip Cargan, trong cuốn sách của mình “Tiền tệ và cơ năng của siêu lạm phát” (1956), đã định nghĩa về siêu lạm phát như sau:

“Siêu lạm phát xảy ra khi tỷ lệ lạm phát hàng tháng lên 50% hoặc hơn, và kết thúc khi xuống dưới 50% (với điều kiện là nó phải duy trì trong vòng ít nhất một năm)”.

Với phân loại lạm phát, có người cho rằng:

  • Lạm phát trên 1.000% là siêu lạm phát.
  • Lạm phát trên 100% đến dưới 1.000% là lạm phát phi mã.
  • Lạm phát từ 10% đến dưới 100% là lạm phát cao.

Tuy nhiên rất khó để một quốc gia có thể giữ mức lạm phát, hoặc siêu lạm phát ổn định ở con số 50% bởi tốc độ của siêu lạm phát vượt ngoài khả năng điều khiển của con người.

Có thể thấy, siêu lạm phát xảy ra rất nhanh chóng chỉ trong vài ngày, hoặc thậm chí là vài giờ, nhưng hậu quả mà nó để lại với nền kinh tế là rất lớn. Điều này có thể thấy đối với trường hợp của một số quốc gia như Venezuela, Nga, Trung Quốc, Đức,…

Đọc thêm: Tiền pháp định (Fiat) là gì? So sánh tiền pháp định và tiền mã hóa.

Nguyên nhân dẫn đến siêu lạm phát

Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến lạm phát, tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất và chủ yếu nhất vẫn là do thâm hụt ngân sách chính phủ. Do đó, chính phủ phải tiến hành in và phát hành thêm rất nhiều tiền giấy. Nguyên nhân này được kết luận sau khi phân tích 29 siêu lạm phát đã diễn ra, thì có đến 25 siêu lạm phát bùng nổ vì lí do trên.

Bên cạnh đó, sự kiện siêu lạm phát diễn ra tại Pháp những năm 1789-1796 cũng ghi nhận một nguyên nhân khác dẫn đến siêu lạm phát là do sự tồn tại của một số loại tiền tệ không chuyển đổi được, tức là không thể giao dịch trên thị trường ngoại hối.

Hậu quả của siêu lạm phát

Đối với hầu hết các quốc gia, siêu lạm phát là mối đe dọa khủng khiếp với nền kinh tế. Siêu lạm phát khiến tốc độ lưu thông tiền tệ trong nước tăng nhanh. Điều đó dẫn đến giá cả hàng hóa tăng nhanh đột ngột, trong khi giá trị đồng tiền thực tế lại giảm mạnh, khiến sức mua cũng giảm đi đáng kể.

Bên cạnh đó, khi siêu lạm phát diễn ra, tiền lương danh nghĩa của người lao động giữ nguyên nhưng tiền lương thực tế lại bị giảm mạnh. Tức là người lao động vẫn phải làm việc với năng suất lao động như cũ, nhưng số tiền nhận lại có giá trị thấp hơn cũ và mua được ít hàng hóa , thực phẩm hơn. Mặt khác, nhiều chủ doanh nghiệp cũng rơi vào trạng thái thất thoát tài sản, buộc phải đóng cửa công ty hoặc cắt giảm tối đa nhân lực. Như vậy, có thể nói siêu lạm phát là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao đột biến ở các quốc gia.

Khi các yếu tố thị trường biến dạng và hoạt động kinh doanh lâm vào tình trạng rối loạn, cũng dẫn đến việc xã hội bị phân hóa rõ ràng. Người giàu có đủ khả năng chi trả cho hàng hóa, sẽ có xu hướng mua nhiều, khiến hàng hóa lại càng khan hiếm. Người nghèo lại càng nghèo hơn và càng không có khả năng mua bán, trao đổi. Nếu tình trạng này kéo dài trong một thời gian, thì khả năng xảy ra những cuộc đấu tranh, thậm chí là chiến tranh là không thể tránh khỏi.

Kiểm soát siêu lạm phát

Trên thực tế, một khi siêu lạm phát đã xảy ra thì rất khó để có thể kiểm soát. Tuy nhiên, nhiệm vụ của mỗi quốc gia là phải kiềm chế được mức lạm phát luôn ở con số an toàn và ổn định. Điều này được thực hiện thông qua:

Điều tiết lượng tiền lưu thông

Bản chất cho việc điều tiết lượng tiền lưu thông là để hạn chế việc đồng tiền bị mất đi giá trị. Chính vì vậy, chính phủ phải có các biện pháp phối hợp với Ngân hàng Trung Ương để:

Hạn chế tối đa in thêm tiền để giảm lượng tiền lưu thông trong thị trường.

Nâng cao dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng. Đồng thời khuyến khích ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để thu hút người dân tham gia gửi tiền nhiều hơn.

Ngân hàng thương mại cần mua lại ngoại tệ từ Ngân hàng trung ương.

Cắt giảm chi tiêu công nhằm tiết kiệm ngân sách. 

Tiến hành tăng thuế tiêu dùng nhằm kiềm chế nhu cầu chi tiêu cá nhân quá mức.

Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và mở rộng lưu thông hàng hóa

Bằng cách khuyến khích tự do mậu dịch, giảm thuế quan cũng như đầu tư cho hệ thống logistic sẽ thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa sang các quốc gia khác. Điều này sẽ khiến lượng hàng hóa trong nước lưu thông với số lượng ổn định đủ để cho người dân có thể chi trả để sử dụng.

Cải cách tiền tệ

Hầu hết các chính phủ trên thế giới hiện nay đều phải gồng mình để duy trì mức lạm phát ở mức cho phép. Trong khi đó một số chuyên gia và nhà đầu tư lại đang xem những loại tiền mã hóa như Bitcoin là “vũ khí bí mật” để kiểm soát lạm phát.

Lý do cho nhận định này là bởi Bitcoin hay các đồng tiền mã hóa khác không bị phụ thuộc vào các hệ thống tập trung, nên giá trị của nó không bị quyết định bởi chính phủ hay các tổ chức tài chính. Đồng thời, công nghệ Blockchain đảm bảo rằng việc phát hành các đồng coin mới buộc phải tuân theo lịch trình định sẵn và mỗi đơn vị tiền tệ đều mang tính duy nhất, không bị làm giả. 

Tuy rằng việc chấp nhận Bitcoin như một loại tiền chính thức vẫn còn gây ra không ít tranh cãi. Thế nhưng rất nhiều chuyên gia và giới đầu tư đều cho rằng Bitcoin mang đầy đủ đặc tính của một đồng tiền giảm phát, đối phó lại với thực trạng lạm phát. Điển hình như tại Venezuela, quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, người dân cũng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng Bitcoin và một vài loại tiền mã hóa khác.

Tổng kết

Tuy siêu lạm phát hiện xảy ra không nhiều, nhưng nó vẫn luôn là nỗi lo sợ đối với mỗi quốc gia, bởi chỉ cần xảy ra trong một thời gian ngắn, nó có thể khiến nền kinh tế của quốc gia đó chạm đáy. Với tình hình hiện nay, niềm tin của người dân dành cho sự an toàn của tiền tệ truyền thống đi xuống và hy vọng vào các đồng tiền mã hóa lại được tăng lên đáng kể.

Trên đây là các thông tin cần biết về “Siêu lạm phát” và nguyên nhân cũng như hậu quả nó để lại cho nền kinh tế.