Market Maker (MM) là gì? So sánh sự khác biệt giữa MM và AMM

Market Maker là một trong những nhân tố quan trọng trong thị trường Crypto. Cùng Coinvn tìm hiểu Market Maker (MM) là gì và so sánh sự khác biệt của nó với Automated Market Maker (AMM).

14457Total views
Market Maker (MM) la gi? So sanh su khac biet giua MM va AMM - anh 1
Market Maker (MM) là gì? So sánh sự khác biệt giữa MM và AMM

Market Maker (MM) là gì?

Market Maker (MM) được hiểu đơn giản là những nhà tạo lập thị trường trực tiếp tham gia vào các giao dịch ở cả hai vị thế mua và bán. Market Maker có thể là cá nhân, tổ chức, sàn giao dịch, các công ty môi giới… cung cấp dịch vụ giao dịch và tạo thanh khoản. 

Market Maker là nhân tố có vai trò quan trọng trong thị trường Crypto nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Vai trò chủ đạo của các MM là cung cấp thanh khoản và hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia mua bán tài sản dễ dàng hơn. Sự tham gia của Market Maker là tiền đề cho sự phát triển và mở rộng của thị trường tài chính bởi chính họ là người tạo ra và duy trì thanh khoản của tài sản, tăng khả năng thực hiện giao dịch và thu hút các nhà đầu tư. 

Market Maker (MM) la gi? So sanh su khac biet giua MM va AMM - anh 2

Chẳng hạn: Khi bạn muốn bán ETH ở mức giá 3.300 USD thì Market Maker sẽ nhanh chóng tìm kiếm cho bạn một người có nhu cầu mua ETH ở khoảng giá này. Lúc này, các MM sẽ đóng vai trò trung gian kết nối giữa bạn và người mua. Nhiệm vụ của họ là khớp lệnh giao dịch trong thời gian ngắn nhất với chi phí tối ưu.

Cách kiếm lợi nhuận của các Market Maker (MM) 

Các Market Maker luôn mong muốn thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia vào thị trường để tăng tổng khối lượng giao dịch nhằm tối ưu hóa lợi nhuận mà họ thu được. Bởi khối lượng giao dịch càng lớn, thị trường càng sôi động thì các Market Maker kiếm được càng nhiều tiền. Vậy nguồn lợi nhuận của các MM đến từ đâu?

Thông thường, thu nhập chính của các Market Maker đến từ sự chênh lệch giữa giá đặt mua và giá bán, hay thường được gọi là spread. Ở một số sàn giao dịch hiện nay, commission có thể bằng 0 nhưng thực chất đã được tính vào spread. Cụ thể bạn có thể tìm hiểu thông qua ví dụ sau đây.

Market Maker (MM) la gi? So sanh su khac biet giua MM va AMM - anh 3

Ở các sàn giao dịch, đối với một tài sản nhất định, bạn có thể quan sát thấy giá đặt mua thường thấp hơn so với giá bán. Ví dụ như giá đặt mua là 99 USD còn giá bán là 101 USD. Lúc này, các Market Maker sẽ mua tài sản với giá 99 USD để bán cho những người mua tiềm năng với giá 101 USD và họ sẽ nhận được phần chênh lệch. 

Automated Market Maker (AMM) trong Crypto là gì?

Sự phát triển của công nghệ blockchain là tiền đề tạo ra các công cụ tạo lập thị trường tự động hay còn được biết đến với tên gọi là Automated Market Maker (AMM). Khác với Market Maker truyền thống, các AMM hoạt động dựa trên thuật toán được xác định trước để định giá tài sản và tạo thanh khoản. 

Về cơ bản, Automated Market Maker cũng sở hữu những tính năng như một sàn giao dịch thông thường. Tuy nhiên, thay vì giao dịch với bên trung gian thì các nhà đầu tư sẽ tương tác trực tiếp với hợp đồng thông minh trên các blockchain công khai. Lúc này, người cung cấp thanh khoản sẽ đưa các tài sản của họ vào một nơi được gọi là bể thanh khoản. Và khi có yêu cầu từ các nhà đầu tư, hợp đồng thông minh trong bể thanh khoản sẽ tính toán để đưa ra giá mua, giá bán tài sản dựa trên những thuật toán được xác định từ trước. 

Như vậy, mọi giao dịch của nhà đầu tư là hoàn toàn tự động và không có sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào. 

Cách kiếm lợi nhuận của các Automated Market Maker (AMM)

Market Maker (MM) la gi? So sanh su khac biet giua MM va AMM - anh 4

Khác với Market Maker, thu nhập chính của các AMM không đến từ sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Có thể thấy, những nhà cung cấp thanh khoản (Liquidity Providers) phải chịu rất nhiều rủi ro, nhất là trong thị trường tiền mã hóa, khi giá trị của các tài sản biến động không ngừng. 

Do đó, để bù đắp cho những rủi ro có thể gặp phải, những nhà cung cấp thanh khoản trong các công cụ tạo lập thị trường tự động sẽ nhận được một tỷ lệ phí giao dịch nhất định. Cụ thể như với sàn giao dịch phi tập trung Uniswap, các LP sẽ nhận được 0,25% phí swap phát sinh trên mỗi giao dịch tương ứng với tỷ lệ phần trăm số tiền mà họ đã cung cấp vào bể thanh khoản đó.

So sánh sự khác biệt của MM và AMM

Có thể thấy rằng, Market Maker hay Automated Market Maker đều là các giải pháp cung cấp thanh khoản cho các tài sản trên thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, giữa chúng có những điểm khác biệt cơ bản để tạo nên các giá trị riêng.

Thứ nhất, AMM hoạt động dựa trên các thuật toán có sẵn được tích hợp trong các hợp đồng thông minh trong bể thanh khoản. Do đó, mọi hoạt động giao dịch của nhà đầu tư diễn ra tự động và không có sự can thiệp của bên thứ ba. Còn MM thì ngược lại. 

Thứ hai, mục tiêu chính mà các MM hướng tới là việc tạo ra lợi nhuận. Do đó, rất ít MM chấp nhận tạo thanh khoản cho các tài sản dài hạn. Bởi những tài sản này thường có khối lượng giao dịch không cao, thị trường không bền vững và các MM sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn. Trong khi các AMM hoàn toàn có thể thực hiện điều này một cách dễ dàng. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, AMM là giải pháp cung cấp thanh khoản tốt hơn cho các tài sản dài hạn.

Thứ ba, sự khác biệt rõ ràng nhất giữa MM và AMM đó là phí giao dịch. Khi so sánh biểu phí giữa sàn giao dịch tập trung và phi tập trung thì bạn có thể thấy rõ rằng phí giao dịch trên các sàn DEX cao hơn nhiều lần so với sàn CEX. Lý giải cho vấn đề này đó là các nhà cung cấp thanh khoản trong AMM phải chịu nhiều rủi ro hơn so với các nhà tạo lập thị trường truyền thống. Do đó, họ yêu cầu một khoản lợi nhuận tiềm năng tương ứng với những rủi ro mà họ có thể gặp phải. 

Tổng kết

Market Maker là nhân tố quan trọng góp phần duy trì và tạo thanh khoản cho các nền tảng trong thị trường Crypto. Coinvn hy vọng với những thông tin được cung cấp trong bài viết thì bạn có thể hiểu được Market Maker (MM) là gì cũng như sự khác biệt giữa Market Maker và Automated Market Maker (AMM). Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng thảo luận với chúng tôi qua kênh Telegram để được giải đáp nhanh nhanh nhất. Hẹn gặp lại bạn trong những bản tin Crypto tiếp theo!