Nội dung
Cuộc chiến của các đồng stablecoin trong thị trường tiền mã hóa
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc chiến của các đồng stablecoin trong thị trường tiền mã hóa.
Vào ngày 23/03/2022, Founder & CEO của Terraform Labs – Do Kwon đã đăng một dòng tweet “By my hand, DAI will die” (tạm dịch: DAI sẽ bị hủy diệt bởi tay tôi). Do Kwon đã chính thức khai súng trong cuộc chiến của các đồng stablecoin hiện có trên thị trường tiền mã hóa và sử dụng Curve Finance và Convex Finance làm chiến trường chính.
Stablecoin là một loại tài sản phổ biến hiện nay trong thị trường tiền mã hóa. Trong những năm qua, stablecoin là một phương tiện thanh toán kỹ thuật số được hầu hết các nhà đầu tư trong thị trường ưa chuộng vì sự ổn định của nó. Ngoài việc là phương tiện trao đổi, stablecoin còn là tài sản lưu trữ giá trị, thước đo tiêu chuẩn của các loại tài sản khác trong tài khoản của nhà đầu tư.
Mặc dù, Bitcoin và Ethereum luôn tự định vị bản thân là tiền tệ, nhưng chúng lại là loại tài sản có sự biến động dữ dội. Điều này đã khiến cho Bitcoin và Ethereum không thể trở thành một loại tiền tệ tiêu chuẩn vì có quá nhiều rủi ro. Điển hình như chúng có thể ghi nhận mức giảm lên đến hai con số chỉ trong một ngày, kết quả là nhà đầu tư bị thua lỗ.
Chính vì thế, Bitcoin và Ethereum được xem là các khoản đầu tư sinh lời và có rủi ro thua lỗ. Sự thành công của các khoản đầu tư đó được tính bằng đô la Mỹ, tuy nhiên điều này có thể sẽ bị thay đổi trong tương lai.
Đối với bất kỳ loại tiền tệ nào, để duy trì giá trị thì cần phải có một nhu cầu mạnh mẽ và nhu cầu này phải được thúc đẩy bởi niềm tin. Tất cả loại stablecoin hiện tại đều sử dụng một số hình thức thế chấp tài sản để tạo ra sự tin tưởng đó.
Ví dụ: DAI sử dụng tài sản thế chấp quá mức của ETH, UST được thế chấp theo thuật toán và BTC đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì giá trị của UST ở mức 1 USD, USDC và USDT thế chấp bằng USD…
Hầu hết các hình thức thế chấp này được ứng dụng nhiều trong các giao thức Lending & Borrowing, chẳng hạn như Anchor Protocol, Compound. Do đó, những người có nhu cầu cho vay tài sản nhàn rỗi của họ có thể kiếm lợi nhuận thông qua các hình thức cho vay thế chấp này.
Ngoài ra, đồng stablecoin UST đã minh chứng được rằng một stablecoin thành công có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái và NEAR Protocol cũng đã bị thu hút bởi điều đó.
Đội ngũ phát triển của NEAR Protocol cũng đã ra mắt stablecoin của riêng họ là USN. NEAR Protocol thông báo rằng họ sẽ trợ cấp mức lợi tức dành cho việc stake USN lên đến 20%. Thêm vào đó, dự án không chỉ cho phép giao thức Lending & Borrowing gốc của họ, mà còn hỗ trợ các nhóm thanh khoản trong hệ sinh thái có thể ghép nối với USN.
Để hiểu rõ hơn về một số lý do để nhà đầu tư mua stablecoin, chúng ta cùng xét một số trường hợp sau:
Đối với các stablecoin thế chấp bằng USD (USDT và USDC), chúng là các stablecoin cơ bản mà bất kỳ ai khi gia nhập vào thị trường tiền mã hóa cũng sẽ sử dụng một trong hai loại này để tiếp cận với các tài sản tiền mã hóa khác.
Đối với các stablecoin gốc trên chuỗi (UST, USN…) – những đối thủ thực sự của cuộc chiến stablecoin, thì lý do nhà đầu tư mua các stablecoin đó chính là tính thanh khoản. Tức là nhà đầu tư muốn sử dụng tiền mã hóa, nhưng họ không muốn bán chúng. Chính vì thế, nhà đầu tư sử dụng các tài sản tiền mã hóa để cho vay và mượn stablecoin để sử dụng.
Để lựa chọn một loại stablecoin gốc trên chuỗi tốt nhất, nhà đầu tư sẽ xem xét đến hai tiêu chí: Phần thưởng mà họ nhận được và stablecoin phải có tính thanh khoản cao. Như Coinvn đã đề cập, việc tạo nhu cầu đối với các loại tiền tệ phải đi kèm với niềm tin và tính thanh khoản chính là yếu tố góp phần tạo niềm tin vững chắc đó. Đây chính là cách mà cuộc chiến stablecoin bắt đầu trên Curve Finance.
Curve Finance đã thiết kế một mô hình Tokenomics cho phép chủ sở hữu token của họ bỏ phiếu về lượng phát thải của token CRV mới. Đồng thời khuyến khích chủ sở hữu stake token của họ bằng cách phân phối lợi nhuận. Kết hợp với thiết kế cực kỳ hiệu quả của Curve Finance, họ đã tạo ra chiến trường hoàn hảo cho các stablecoin.
Ví dụ: Frax là một trong những giao thức đầu tiên bắt đầu hối lộ các nhà sản xuất CRV để hướng lượng phát thải CRV đến các nhóm thanh khoản của Frax trên Curve Finance. Và nhà đầu tư nhận được lợi nhuận cao khi cung cấp tính thanh khoản cho các nhóm thanh khoản của giao thức Frax.
Điều này đã được chứng minh là cực kỳ thành công đối với giao thức Frax, với nguồn cung của stablecoin FRAX tăng 23 lần trong năm qua và FXS (token quản trị của giao thức Frax) cũng hưởng được lợi ích lớn từ xu hướng này, khi vốn hóa thị trường của nó đã tăng lên 32 lần.
Việc tăng tính thanh khoản của đồng FRAX và giúp nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận tương đối cao đã làm nhu cầu của nhà đầu tư tăng cao. Tuy nhiên, ba tháng trước, tốc độ tăng trưởng của nó đột ngột dừng lại.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại UST vẫn tiếp tục tăng trưởng, mặc dù trước đó cũng rơi vào trạng thái phải tạm dừng kéo dài một tháng sau sự sụt giảm mạnh mẽ của BTC (cuối tháng 01/2022).
Với lãi suất hỗ trợ xấp xỉ 20% trên Anchor Protocol dành cho UST đã thúc đẩy đồng stablecoin này tăng trưởng về vốn hóa thị trường, cũng như giúp nó được ứng dụng rộng rãi hơn.
Như vậy, rõ ràng là lợi nhuận đóng vai trò thúc đẩy nhu cầu đối với các stablecoin gốc trên chuỗi. Tuy nhiên, nguồn cung lưu hành của USDT và USDC lần lượt gấp khoảng 5 lần và 3 lần nguồn cung của UST và lợi suất của chúng thấp hơn đáng kể.
Việc này được giải thích bằng cách sau: Nếu chúng ta nhìn vào khối lượng giao dịch ngày 19/04/2022 (theo CoinGecko) của USDT, nó cao hơn 90 lần so với UST. Số lượng USDT và USDC được nắm giữ nhiều nhất trên các sàn giao dịch. Điều này giải thích lý do tại sao nguồn cung lưu hành của stablecoin được kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều, nhưng lại chỉ có một hoặc hai loại stablecoin có thể đáp ứng được kỳ vọng đó.
Mặc dù, stablecoin là một loại tài sản ổn định nhưng vẫn không thể loại trừ rủi ro mất peg của nó. Điển hình là USDN của Waves đã giảm xuống dưới 0,7 USD vào ngày 05/04/2022.
Không những thế, stablecoin còn phải đối mặt với sự đánh đổi giữa hiệu quả sử dụng vốn và rủi ro.
Mô hình DAI hiện là mô hình không có rủi ro, bởi vì MakerDAO đã đưa ra các cải cách đối với mô hình để củng cố nó. Và điều này đã tạo ra một động lực to lớn để thúc đẩy DAI ngày càng phát triển hơn.
MakerDAO không tham gia vào việc hối lộ như Frax đã làm, nhưng vì lợi thế của dự án đi trước và sự mạnh mẽ trong thiết kế của nó đã giúp DAI trở thành một phần quan trọng trong 3pool (DAI + USDC +USDT).
Điều này đồng nghĩa với việc DAI trở thành trụ cột chính của nền tảng stableswap của Curve Finance. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian sắp tới, khi Founder & CEO của Terraform Labs – Do Kwon đã đăng một bài tweet gây tranh cãi “By my hand, DAI will die”.
Lời thề hủy diệt của Do Kwon đối với DAI của MakerDAO, là một trường hợp hiếm hoi về khả năng cạnh tranh bất hợp lý trong DeFi. Đúng như tuyên bố, Do Kwon đã giới thiệu “4pool” vào ngày 01/04/2022, một hỗn hợp của bốn stablecoin tồn tại trên một AMM, cụ thể là Curve Finance.
4pool sẽ bao gồm UST của Terra, FRAX của Frax Finance, USDT và USDC. Nhà đầu tư có thể gửi một trong bốn stablecoin vào nhóm này, để kiếm lợi nhuận mỗi khi nhà đầu tư khác thực hiện giao dịch giữa các tài sản được gộp chung trong 4pool.
Terra và Frax sẽ làm việc cùng nhau để khuyến khích người dùng gửi tiền vào 4pool với những ưu đãi khủng. Về cơ bản, ưu đãi càng lớn, thì càng nhiều người dùng gửi tài sản vào 4pool. Điều này có nghĩa là ưu đãi càng lớn, thì thanh khoản càng cao.
Qua đó, chức năng của 4pool đã đáp ứng được tiêu chí của một loại stablecoin tốt đã đề cập ở phần trên. Điều này có thể sẽ đe dọa đến vị thế hiện tại của DAI trong 3pool.
Trên thực tế, Do Kwon – đang muốn hủy diệt DAI, NEAR Foundation lại đang tấn công UST và USDN đã gặp tình trạng mất peg… Điều này minh chứng cho việc cuộc chiến stablecoin thực sự đang bùng nổ. Nếu như bạn đọc quan tâm đến diễn biến tiếp theo của cuộc chiến này, thì hãy thường xuyên truy cập trang web coinvn.com để cập nhật những tin tức và các bài viết liên quan.