Nội dung
Phân tích tâm lý thị trường trong giai đoạn Bear Market
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích tâm lý thị trường (Market Sentiment) trong thị trường gấu thông qua dữ liệu của Refinitiv và mô hình của MarketPsych.
Mặc dù xu hướng ngắn hạn Bitcoin đã tăng trở lại, nhưng trên thực tế thì xu hướng dài hạn vẫn giảm, các tài sản tiền mã hóa đã giảm hơn 70% giá trị từ đỉnh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tình hình chung đã được phản ánh bởi bối cảnh hiện tại của nền kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế của Hoa Kỳ và thế giới nói chung đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng và suy thoái trầm trọng.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái và ảnh hưởng của nó nghiêm trọng như thế nào? Sự suy thoái có thể dẫn đến việc phân bổ lại vốn từ những nơi có năng suất thấp hơn sang những nơi có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, một số rủi ro ngoài ý muốn có thể khiến nền kinh tế sụp đổ nghiêm trọng.
Nền kinh tế Mỹ đặc biệt gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn cung: Thiếu công nhân, thiếu năng lượng và thiếu nguyên liệu thô… Nhiều nhà kinh tế đã nghiên cứu nguyên nhân suy thoái là do mất cân bằng về nguồn cung và cầu. Họ tin rằng chúng là mối đe dọa chính đối với sự tăng trưởng.
Tuy nhiên, những cú sốc từ phía nguồn cung có thể có những tác động sâu sắc không chỉ làm giảm khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ thông thường của một quốc gia mà còn dẫn đến lạm phát do tiền lương trên thực tế không thể tăng đủ để bù đắp sự tăng trưởng của mức giá danh nghĩa. Lạm phát đặc biệt có hại vì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng sự tăng giá của các loại hàng hóa sẽ làm giảm tâm lý của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ tâm lý của người tiêu dùng thấp hơn cũng dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong tiêu dùng.
Đây không phải là những thông tin chi tiết mang tính đột phá, tuy nhiên những sự thật này không hẳn nhận được ủng hộ từ số đông. Và một số học giả thậm chí còn lập luận ngược lại rằng: “Sự thay đổi trong tâm lý không tương ứng với sự thay đổi trong tiêu dùng.”
Trong trường hợp này, chúng ta hãy cùng phân tích với giả thuyết tâm lý. Giả thuyết này thực sự quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quyết định đằng sau việc mua, bán và đầu tư. Khi bạn mong đợi tương lai tươi sáng, bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn – đó chỉ là bản chất của con người.
Khi bạn ở trong một thị trường tăng giá, tâm lý nghiêng về giao dịch theo động lượng. Tức là bạn sẽ có xu hướng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Mọi người đang nói về điều gì và yếu tố xây dựng động lượng là gì? Nhưng trong một thị trường giá xuống, bạn sẽ tập trung vào việc xây dựng giá trị dài hạn hơn, vì đây là điều mà số đông hướng đến.
Làm thế nào để chúng ta tìm hiểu về giá trị dài hạn của một tài sản? Phần lớn câu trả lời yêu cầu đi sâu vào phân tích chi tiết về dự án, đội ngũ… Nhưng cũng có thông tin chứa trong các thước đo về tâm lý thị trường, nghĩa là nhận thức về hoạt động kinh tế hiện tại và kỳ vọng về hoạt động kinh tế trong tương lai.
Kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy đầu tư vào cả vốn nhân lực và vật chất, vì vậy chúng là những chỉ số có ý nghĩa. Tương tự như khi chúng ta nghe về cảm tính của người tiêu dùng, chúng ta cũng có thể đo lường được cảm tính từ tin tức của thị trường tiền mã hóa.
Trên thực tế, có rất nhiều cách để tạo ra các biện pháp như vậy. Trong bài viết này, chúng ta sẽ lấy dữ liệu từ Refinitiv, sử dụng mô hình từ MarketPsych để có thể đo lường tâm lý thị trường.
Những dữ liệu đó tạo ra một thước đo tâm lý và cảm tính (hoặc một chỉ số dao động trên và dưới 0) cho mỗi ngày và trên các loại tài sản. Chỉ số này được xây dựng bằng cách cung cấp cho mọi bài báo và phương tiện truyền thông xã hội thông qua các thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) của chúng, gắn thẻ các từ và cụm từ đang ở trạng thái cảm tính cao hay thấp. Họ cũng phân biệt các loại cảm xúc khác nhau, bao gồm tin tưởng, không chắc chắn, khẩn cấp…
Điều đó đặc biệt hữu ích để hiểu các xu hướng tiền mã hóa mới nhất và cách mọi người phản ứng với các tài sản tiền mã hóa khác nhau trên toàn thế giới.
Hãy xem xét hình bên dưới để đo lường tâm lý thị trường về Bitcoin, Ethereum và Solana. Chúng ta có thể thấy tâm lý thị trường đang trở nên tích cực so với mức giảm vào tháng 5/2022 – 6/2022 và Solana đã cải thiện nhiều hơn so với 2 dự án còn lại. Bên cạnh đó, Solana cũng có nhiều biến động hơn những dự án khác.
Tiếp theo, chúng ta cũng có thể khám phá mức độ lạc quan của từng dự án được chia sẻ ở trên. Solana có độ biến động lớn hơn nhiều so với Bitcoin hoặc Ethereum, nhưng cả ba đều dao động gần mức 0,05 kể từ tháng 5 và tăng gần đây hơn. Điều này là một điểm cộng về tiềm năng tăng trưởng giá của Solana trong thời gian tới.
Các chỉ số tâm lý này được thừa nhận là hữu ích trong việc hiểu các biến động ngắn hạn, nhưng chúng cũng có thể tiết lộ các đặc điểm quan trọng về thị trường nói chung. Mặc dù giá tiền mã hóa giảm, nhưng thị trường hiện tại không chỉ tồn tại sự lạc quan và tâm lý tích cực về tài sản tiền mã hóa mà còn là sự hồi sinh của chúng.
Nhiều nhà phê bình cho rằng tài sản tiền mã hóa là một dạng tài sản đầu cơ. Nhưng, câu hỏi vẫn đặt ra cho bất kỳ tài sản nào: Khi nào thì kỳ vọng chuyển thành đầu cơ? Kỳ vọng bao gồm cả thông tin riêng tư và công khai, do đó đầu cơ xảy ra khi nhà đầu tư tin rằng một tài sản sẽ tăng giá mà không có bằng chứng để chứng minh niềm tin đó.
Điều thú vị là dữ liệu của Refinitiv chứa một chỉ số phản ánh mức độ cảm xúc so với thực tế, có thể được phân chia sâu hơn giữa các bài báo và phương tiện truyền thông xã hội. Dưới đây, chúng ta hãy xem xét giá Bitcoin, kết hợp với quan điểm về cảm xúc so với thực tế.
Phần phân tích này sẽ tập trung vào các dữ liệu ghi nhận từ tháng 5 cho đến nay. Giá BTC đã giảm nhanh hơn rất nhiều so với các chỉ số cảm xúc tin tức hoặc phương tiện truyền thông xã hội. Điều đó quan trọng vì nếu đầu cơ thúc đẩy giá Bitcoin, thì tâm lý thực tế sẽ giảm nhanh và kéo tỷ lệ này xuống, nhưng đó không phải là những gì chúng ta thấy. Hơn nữa, chúng ta thấy cảm xúc so với thực tế đang có xu hướng giảm nhẹ khi giá BTC giảm.
Điều đó không chỉ đúng đối với Bitcoin, mô hình tương tự cũng xảy ra đối với Ethereum. Giá ETH đã giảm gần đây, nhưng tỷ lệ cảm xúc so với thực tế đã không giảm theo nó.
Sẽ luôn có một số suy đoán từ nhiều chuyên gia, nhưng những gì chúng ta đang thấy trong thị trường tiền mã hóa là một phần của hiệu ứng gợn sóng từ các thị trường tài chính khác, cùng với việc phân bổ lại vốn từ các dự án có thể đã không còn động lực phát triển sang những dự án tiềm năng hơn.
Thị trường gấu có vẻ đầy thách thức và cần rất nhiều thời gian để các dự án và nhà đầu tư có thể vực dậy. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nghiêm túc, đây là thời điểm để xây dựng sự giàu có trong dài hạn. Các ngôi sao không bao giờ được tạo ra trong thời điểm thuận lợi, mà là trong thời kỳ khó khăn khi chúng ta không ngừng trau dồi và tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân. Đầu tư cũng vậy, đây chính là thời điểm để bạn định hướng lại chiến lược đầu tư và hãy tận dụng khoảng thời gian này một cách khôn ngoan.