Nội dung
Hành trình đến với sự phi tập trung của NEAR Protocol: Xây dựng cầu nối
Trong bài biết này, đội ngũ Coinvn sẽ phân tích khía cạnh “xây dựng cầu nối” trong hành trình đến với sự phi tập trung của NEAR Protocol.
Ở bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu khía cạnh “trao quyền cho Guild Community” trong “hành trình đến với sự phi tập trung của NEAR Protocol”. Qua đó, chúng ta biết được Guild Community đã phát triển như thế nào trong những năm qua, cũng như mục đích chung của các Guild trong cộng đồng.
Như đã đề cập ở bài trước, tầm nhìn của NEAR Protocol không chỉ gói gọn trong việc xây dựng một nền tảng blockchain mà còn mở rộng thêm ở những khía cạnh khác. Và Web 3.0 là một trong những khía cạnh mà NEAR Protocol đang hướng đến.
Web 3.0 sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị trung gian nào để truy cập các sản phẩm và dịch vụ như mạng xã hội, trò chơi, trải nghiệm Metaverse… Sự phi tập trung kết hợp với các blockchain công khai sẽ cho phép người dùng sở hữu, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu của mình tốt hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với bản chất của nền tài chính phi tập trung mà NEAR Protocol đang hướng đến.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể bỏ qua những rào cản liên quan đến sự tương tác đa chuỗi trong hành trình xây dựng một tương lai đầy sáng tạo của NEAR Protocol. Dự án này cũng nhận thức được rằng tương tác đa chuỗi là một trong những thành phần cốt lõi trong hành trình của nó.
Và NEAR đang làm rất tốt trong việc phát triển những mảnh ghép tạo ra khả năng tương tác giữa các blockchain khác nhau, một trong số đó là cầu nối. Trong bài viết này, hãy cùng đội ngũ Coinvn phân tích sâu khía cạnh “xây dựng cầu nối”.
Rainbow Bridge là một trong những cầu nối phi tập trung và có thể truy cập công khai đầu tiên trong không gian DeFi. Sau gần một năm ra mắt, Rainbow Bridge đã có hơn 10 dự án sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nó.
Rainbow Bridge đánh dấu một bước ngoặt đầu tiên trong hành trình hướng tới tương lai đa chuỗi khi kết nối NEAR Protocol và Ethereum. Nó cho phép người dùng sử dụng mạng lưới giao dịch nhanh chóng, đơn giản và chi phí thấp của NEAR để di chuyển tài sản vào trong hệ sinh thái của Ethereum. Từ đó, họ có thể truy cập, trải nghiệm trên các Dapp trong hệ sinh thái của Ethereum mà không cần phải lo lắng về chi phí giao dịch.
Nhờ Rainbow Bridge, bất kỳ token hoặc Dapp nào sử dụng EVM của Ethereum đều có thể khởi chạy trên NEAR. Với khả năng này, hệ sinh thái NEAR có thể tích hợp ERC20 với các giải pháp gốc NEAR. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể sử dụng NEAR như một giải pháp phụ trợ kỹ thuật khi hoạt động trong hệ sinh thái Ethereum.
Rainbow Bridge đã giúp NEAR trở thành giải pháp Layer 2 dành cho các ứng dụng và tài sản được triển khai trên Ethereum. Rainbow Bridge thúc đẩy mục tiêu lớn của NEAR là phát triển Web 3.0 để tạo ra một hệ sinh thái tài chính và Internet toàn diện hơn.
Pagoda, nền tảng khởi động Web 3.0 đầu tiên, cung cấp cho các nhà phát triển và người dùng quyền truy cập vào các hướng dẫn, cơ sở hạ tầng có thể mở rộng có nguồn gốc từ Web 3.0.
Ngoài ra, bảng điều khiển dành cho nhà phát triển của Pagoda tích hợp mã nguồn mở, các công cụ gốc dành để phát triển Web 3.0, giúp các nhà phát triển dự án dễ dàng xây dựng, duy trì và mở rộng quy mô của chúng. Aurora – builder của Rainbow Bridge, cũng cung cấp một số tài nguyên để hỗ trợ các nhà phát triển muốn xây dựng ứng dụng trên EVM của nó.
Với nền tảng kỹ thuật này, NEAR đã bắt đầu hành trình tạo ra một mạng lưới các blockchain có thể tương tác.
Cốt lõi trong hành trình phát triển của NEAR là tạo ra một hệ sinh thái vững mạnh. Ngoài các yếu tố như công nghệ, cơ sở hạ tầng, cộng đồng thì các mối quan hệ đối tác của NEAR Protocol cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giúp NEAR xây dựng một hệ sinh thái bền vững. Một số dự án cầu nối nổi bật là đối tác của NEAR Protocol gồm có:
Aurora là giải pháp mở rộng Layer 2 trên NEAR Protocol, được thiết kế dành cho các nhà phát triển đang tìm cách mở rộng Dapp của họ. Aurora tận dụng công nghệ cốt lõi của NEAR Protocol tạo ra một nền tảng có tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng với phí gas thấp.
Aurora gồm hai thành phần cốt lõi là Aurora Engine và Aurora Bridge. Trong đó, Aurora Engine cho phép triển khai liền mạch các hợp đồng thông minh Solidity và Vyper. Aurora Bridge sẽ đảm nhận vai trò kết nối với các chuỗi khác, cho phép chuyển các token và dữ liệu giữa Ethereum và Aurora.
Cầu nối luôn là một mảnh ghép quan trọng trong việc giúp dòng tiền luân chuyển suôn sẻ trong hệ sinh thái blockchain. Vào tháng 12/2021, Allbridge đã tích hợp Aurora và Terra, giúp mang lại tính thanh khoản cho cả Terra và Aurora.
Allbridge tạo ra một cầu nối dành cho các blockchain tương thích với EVM, giao thức layer 2, blockchain không tương thích với EVM và NFT. Giao thức sử dụng kiến trúc mô đun để tích hợp các chuỗi bổ sung hiệu quả hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Allbridge đã hỗ trợ 47 tài sản trên Ethereum, BSC, Solana, Polygon, Avalanche và 6 mạng lưới khác. Trong đó, Aurora và Harmony là các blockchain mới nhất được hỗ trợ trên nền tảng này.
Octopus Network là một mạng lưới phi tập trung được xây dựng nguyên bản dựa trên NEAR Protocol. Octopus Network cung cấp khả năng bảo mật, khả năng tương tác và quản trị trên chuỗi cho các dự án DeFi, Web 3.0 được khởi chạy thông qua Appchain.
Octopus Network xây dựng trên NEAR Protocol, nhờ đó các ứng dụng xây dựng trên Octopus Network có được tính bảo mật của giao thức NEAR. Octopus Relay – một tập hợp các hợp đồng thông minh chạy trên NEAR Protocol, cho phép các Appchain của Octopus Network tương tác với NEAR Protocol hay Ethereum thông qua Rainbow Bridge.
WOO Network là một mạng lưới cung cấp thanh khoản cho các sàn giao dịch, nền tảng DeFi. Vào tháng 12/2021, NEAR Foundation và WOO Network đã hoàn thành giao dịch hoán đổi token trị giá 5 triệu đô la Mỹ để tạo mối quan hệ đối tác giữa hai bên.
Đối với cộng đồng NEAR Protocol, WOO Network cung cấp một nguồn thanh khoản dồi dào giúp cho các giao dịch trên NEAR Protocol diễn ra suôn sẻ. Đối với WOO Network, NEAR cung cấp một nền tảng blockchain không gây hại đến môi trường và có khả năng mở rộng cao được xây dựng theo cơ chế PoS.
NEAR Protocol mong muốn trở thành một nền tảng hỗ trợ một tỷ người dùng trên phạm vi toàn cầu. Hệ sinh thái NEAR Protocol đã chuẩn bị rất kỹ càng để hoàn thành mong muốn của họ, bao gồm các nguồn tài trợ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và công cụ do cộng đồng tạo ra.
Vào tháng 10/2021, hệ sinh thái NEAR đã công bố quỹ tài trợ 800 triệu đô la Mỹ để đẩy nhanh sự phát triển của blockchain. Trong số tiền đó, Proximity Labs đã đóng góp hơn 350 triệu đô la Mỹ với mục tiêu hỗ trợ NEAR Protocol phát triển lĩnh vực DeFi. Các khoản tài trợ này sẽ sử dụng vào việc kết nối với các mạng lưới mới cho tương lai nhằm xây dựng một hệ sinh thái Web 3.0 đa chuỗi thu nhỏ trong hệ sinh thái của NEAR Protocol.
Vào ngày 02/03/2022, NEAR đã công bố quan hệ đối tác mới với Multichain – một giao thức cầu nối phổ biến nhất trong không gian tiền mã hóa, hỗ trợ hơn 1.600 token và hơn 540.000 người dùng. Với vai trò là nhà điều hành cầu nối, Multichain đã phát triển công nghệ để tất cả nền tảng blockchain có thể tương tác với nhau.
Ngoài ra, sự hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Web 3.0. Đồng thời, đây còn là một bước tiến có ý nghĩa đối với sự phát triển của toàn bộ mạng lưới blockchain hiện có trong thị trường tiền mã hóa.
Nhìn chung thì các mảnh ghép giúp NEAR Protocol hoàn thành hành trình đạt được sự phi tập trung gần như đã hoàn thiện. Cầu nối là một trong những mảnh ghép giúp NEAR Protocol có thể mở rộng phạm vi hoạt động sang các hệ sinh thái blockchain khác.
Đồng thời, nó cũng giúp cho hệ sinh thái NEAR Protocol đón nhận dòng tiền từ các hệ sinh thái khác đổ vào, đặc biệt là từ hệ sinh thái của Ethereum. Việc xây dựng cầu nối sẽ giúp NEAR Protocol tiến gần hơn với mục tiêu cuối cùng là có được tính phi tập trung hoàn toàn trong mạng lưới.