Lightning network là gì? Vai trò của Lightning với Bitcoin

Lightning network, một giải pháp giúp Bitcoin hoạt động tốt hơn và cải thiện tốc độ cũng như chi phí giao dịch. Vậy chính xác Lightning Network là gì?

12418Total views
Lightning network la gi? Vai tro cua Lightning voi Bitcoin - anh 1
Lightning network. Nguồn: Cointelegraph

Có thể bạn đã nghe nói đến Lightning network, một thứ giúp Bitcoin hoạt động tốt hơn và cải thiện tốc độ cũng như chi phí giao dịch. Vậy chính xác Lightning Network là gì? Nó hoạt động ra sao? Hãy cùng Coinvn tìm hiểu dưới đây nhé.

Vấn đề với mạng lưới Bitcoin hiện nay

Tốc độ giao dịch chậm

Với số lượng giao dịch có thể được xử lý trong một giây hạn chế, mạng lưới Bitcoin có thể nhanh chóng bị tắc nghẽn trong một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn như khi giá tăng đột biến và nhiều người muốn đầu tư bitcoin. Trong những thời điểm như thế, các giao dịch có thể mất đến hàng ngày hoặc thậm chí không thể thực hiện được nếu người gửi không gắn phí giao dịch đủ cao. Đây tình trạng chung cho tất cả các giao dịch, bất kể quy mô lớn hay nhỏ. Thử tưởng tượng bạn phải đợi nhiều giờ, nhiều ngày chỉ để gửi vài chục đô la cho bạn mình. Điều này khiến cho việc Bitcoin thay thế tiền tệ thông thường trở nên khó khả thi hơn.

Phí giao dịch cao

Khi Network tắc nghẽn, phí có thể tăng lên đủ cao để làm cho giao dịch không còn khả thi. Trong những đợt thị trường bùng nổ những năm 2017-2018 hay 2021, chi phí mỗi giao dịch Bitcoin có thể tiệm cận mức 60 đô la.

Lightning network la gi? Vai tro cua Lightning voi Bitcoin - anh 2

Chi phí trung bình cho mỗi giao dịch Bitcoin qua từng thời kỳ.

Lightning Network ra đời là để giải quyết các vấn đề này của Bitcoin.

Lightning Network là gì?

“Lightning Network” là một giao thức mở rộng quy mô và tăng tốc cho Bitcoin, nó vốn được thiết kế nhằm giải quyết một số hạn chế kỹ thuật của Bitcoin, nhưng vẫn có thể được áp dụng cho các Blockchain khác.

Thông thường, mạng lưới Bitcoin chỉ có thể xử lý tối đa 7 giao dịch mỗi giây. Trong khi đó Visa có thể xử lý lên đến 50.000 giao dịch, thậm chí thường xuyên xử lý 2.000 giao dịch mỗi giây. Dù Bitcoin hiện tại có tính bảo mật cao, nhưng tốc độ xử lý lại chưa đủ để đáp ứng cho một mạng lưới giao dịch toàn cầu. Lightning Network được xem là một giải pháp tiềm năng để mở rộng quy mô của Bitcoin. Nâng tốc độ lên hàng triệu giao dịch mỗi giây và chi phí gần như bằng 0 trên mỗi giao dịch.

Ý tưởng cho sự ra đời của Lightning Network là không nhất thiết phải ghi lại tất cả giao dịch lên Blockchain.

Thử tưởng tượng An và Bình giao dịch với nhau vài lần. Hai người họ có thể bỏ qua việc ghi các giao dịch qua lại trên Blockchain và mang chúng ra khỏi chuỗi. Họ sẽ mở kênh thanh toán với nhau và ghi ngày mở trên Blockchain. Lúc này, An và Bình sẽ có thể giao dịch bao nhiêu lần tùy thích và sẽ tồn tại cho đến khi đóng kênh. Sau đó, ta sẽ viết trạng thái cuối cùng của các giao dịch lên Blockchain.

Đọc thêm: Tổng hợp những điều bạn cần biết về Ethereum Plasma.

Hệ thống giao dịch đa kênh

Sử dụng cách này, ta có thể tạo ra một mạng lưới các kênh thanh toán, ít cần sử dụng đến Blockchain. Tưởng tượng có 3 người : An, Bình và Lan.

Nếu An và Bình có kênh thanh toán với nhau, Bình và Bình cũng có kênh thanh toán với nhau, An có thể gửi tiền cho Lan qua Bình . Giả sử An muốn gửi 2 BTC cho Lan, Bình sẽ gửi 2 BTC cho Lan và An sẽ hoàn trả Bình 2 BTC.

Đó là ý tưởng của Lightning Network. Bởi bạn sẽ không đụng đến Blockchain thường xuyên, nhờ thế các giao dịch sẽ diễn ra với tốc độ cực nhanh.

Cơ chế hoạt động của Lightning Network

Cách thức hoạt động của Kênh thanh toán

Thử tưởng tượng có một chiếc ví chung, nơi 2 người gửi một lượng tiền bằng nhau và mỗi người đặt một khóa vào đó.

Lightning network la gi? Vai tro cua Lightning voi Bitcoin - anh 3

Hoạt động gửi tiền sẽ được ghi lại trên Blockchain dưới dạng Giao dịch mở, sau đó kênh thanh toán sẽ mở ra giữa 2 người này. Việc để tiền trong két nghĩa là không ai có thể tiêu tiền trong ví mà không có sự chấp thuận từ người kia. Số tiền này sẽ được sử dụng để tiến hành giao dịch giữa các bên. Hãy tưởng tượng, An và Yến cùng góp vào 20 BTC. Bây giờ, nếu An muốn gửi 2 BTC cho Yến, thì An sẽ làm thế nào? Để làm được điều này, An sẽ chuyển giao một quyền sở hữu 2 Bitcoin của mình trong ví chung cho Yến. Sau khi chuyển giao, nếu hộp được mở khóa, An sẽ có thể lấy 8 BTC từ đó và Yến sẽ có thể có được 12 BTC. Nhưng họ sẽ không mở ví vì muốn tiếp tục giao dịch với nhau.

Tương tự, nếu hôm sau, Yến phải gửi 1 BTC cho An, cô ấy sẽ chuyển quyền sở hữu một trong những Bitcoin cho An. Sau 2 giao dịch này, nếu ví được mở, An có 9 BTC và Yến có 11 BTC. Đó là cách kênh thanh toán hoạt động. Nhưng đó chưa phải tiềm năng thực sự, sức mạnh thực sự được thể hiện khi hai hoặc nhiều kênh thanh toán hoạt động cùng nhau để tạo thành một mạng lưới thanh toán – Lightning Network.

Lightning Network

Lightning Network hoạt động bằng cách thay đổi quyền sở hữu Bitcoin của những người khác nhau. Hãy tưởng tượng có 3 người: An, Yến và Xuân sao cho có một kênh thanh toán mở giữa An và Yến, và có một kênh khác mở giữa Yến và Xuân. Lưu ý rằng An và Xuân không có kênh thanh toán nào với nhau.Trong tình huống đó, nếu An muốn chuyển 2 BTC sang Xuân, anh có thể sử dụng kênh thanh toán giữa Yến và Xuân để thực hiện. An yêu cầu Yến chuyển 2 BTC cho Xuân trên kênh thanh toán Yến – Xuân sau đó trả lại Yến 2 BTC trên kênh An – Yến.

Với mạng lưới như vậy, các giao dịch có thể được mang từ Blockchain sang để thực hiện ngoài chuỗi, nhờ đó, giải phóng băng thông mạng lưới Bitcoin. Sử dụng hệ thống các kênh thanh toán, hàng triệu giao dịch có thể xảy ra mà không tốn đồng phí nào cả.

Ưu điểm của Lightning Network

Giúp lưu lượng trên hệ thống Blockchain của Bitcoin giảm tải.

Bằng cách dùng kênh thanh toán kênh hai chiều, Lightning Network có khả năng cho phép các giao dịch được thực hiện gần như ngay lập tức. Lightning Network có thể áp dụng được cho các thanh toán vi mô đến mức 1 Satoshi. Hơn nữa, các thanh toán vi mô tự động có thể áp dụng được trong nền kinh tế khi máy móc thay thế con người. Các giao dịch được thực hiện bởi các thiết bị điện tử mà không cần có sự can thiệp của con người.

Hạn chế của Lightning Network

Không giống các giao dịch On-chain thông thường, các khoản thanh toán bằng Lightning Network không thể thực hiện được khi người nhận ở trạng thái offline. Người tham gia mạng lưới bắt buộc phải giám sát kênh thanh toán thường xuyên nhằm bảo vệ tài khoản của mình. Các yếu tố rủi ro này có thể được khắc phục bằng cách sử dụng các dịch vụ giám sát ngoài.

Lightning Network không phù hợp với các khoản thanh toán khối lượng lớn. Do khối lượng ví đa chữ ký trên mạng lưới là rất lớn, khả năng cao là các ví này sẽ không có đủ số dư khi làm trung gian cho các giao dịch lớn. Việc đóng/mở các kênh thanh toán sẽ liên quan đến việc tương tác với các giao dịch On-chain. Do đó các công việc đòi hỏi thủ công sẽ nhiều hơn đi kèm với việc chi phí giao dịch gia tăng.

Tình hình phát triển Lightning Network hiện nay

Số lượng node tăng trưởng nhanh chóng

Lightning Network có khoảng 5.335 node vào tháng 4 năm 2020. Nhưng hiện con số đó là trên 10 nghìn, tăng khoảng 94%. Tuy nhiên, con số này chỉ bao gồm các node có kết nối công khai. Con số thực có thể cao hơn khi tính các node chỉ có kết nối riêng tư.

Lightning network la gi? Vai tro cua Lightning voi Bitcoin - anh 4

Số lượng Lightning Network node tăng rất nhanh trong một năm trở lại đây.

Khi phí trên chuỗi của Bitcoin tăng cùng với giá bitcoin, các công nghệ mở rộng quy mô như Lightning cung cấp cho người dùng một cách giao dịch rẻ hơn và nhanh hơn. Để Bitcoin trở thành một loại tiền tệ được sử dụng hàng ngày, giải pháp mở rộng như Lightning là cực kỳ quan trọng. Nhiều người dùng Bitcoin hiện đã sử dụng Lightning network để mua các loại hàng hóa và dịch vụ.

Với việc Lightning Network có nhiều node hơn bao giờ hết, tổng số kênh thanh toán trên Betwork hiện là hơn 45.000. Lightning Network hiện đang giữ 1.185 BTC, trị giá khoảng 58 triệu đô la.

Các sàn giao dịch lớn bắt đầu tích hợp Lightning Network

Từ cuối năm 2020, sàn giao dịch crypto hàng đầu thế giới Kraken đã thông báo sẽ hỗ trợ Lightning. Trước Kraken, các sàn giao dịch nổi bật duy nhất áp dụng Lightning là Bitfinex và River Financial. Tích hợp Lightning giúp khách hàng của các sàn này gửi và rút Bitcoin rẻ hơn. Họ thường trả phí tính bằng xu thay vì vài chục đô mà họ thường trả khi giao dịch trên Blockchain chính của Bitcoin.

Sau thông báo của Kraken, CoinCorner và OKCoin cũng cho biết họ sẽ tích hợp Lightning vào sàn giao dịch của mình.

Lightning Network – Tương lai của Bitcoin?

Mặc dù nhiều người vẫn cho rằng Lightning Network vẫn đang trong giai đoạn beta, nhưng Lightning Network đã phát triển đáng kể kể từ khi ra mắt mainnet vào năm 2018. Vẫn còn một số rào cản để tiếp cận. Lightning Network hiện vẫn cho thấy nó là một giải pháp khả thi trong việc giải quyết bài toán mở rộng của bitcoin nói riêng và Blockchain nói chung.