Mina Protocol là gì? Toàn tập về dự án Mina Protocol và token MINA

Mina Protocol là một blockchain có dung lượng nhẹ nhất thế giới khi chỉ nặng khoảng 22KB, so với blockchain Bitcoin là 300GB.

11577Total views
Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 1
Mina Protocol là gì? Toàn tập về dự án Mina Protocol và token MINA

Tổng quan về Mina Protocol

Mina Protocol là gì?

Mina Protocol là một “blockchain cô đọng” đến mức tối thiểu, được xây dựng nhằm hạn chế các yêu cầu tính toán để các Dapp có thể vận hành hiệu quả hơn. Mina được mô tả là blockchain nhẹ nhất thế giới vì kích thước của nó được thiết kế duy trì không đổi, kể cả khi có sự tăng trưởng trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, giao thức vẫn giữ được cân bằng về an ninh và tính phi tập trung. Ngoài ra, dự án được đổi tên từ Coda Protocol thành Mina vào tháng 10/2020.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 2

Theo thống kê hiện nay, blockchain của Mina Protocol chỉ nặng khoảng 22KB, so với mạng lưới của Bitcoin (khoảng 300GB) thì đây là một con số đáng kinh ngạc.

Đội ngũ Mina đang làm việc để tạo ra một hệ thống thanh toán mang tính phân tán và hiệu quả, cho phép người dùng xác minh nền tảng nội bộ ngay từ khối genesis (khối ban đầu). 

Giao thức này sử dụng Zero-Knowledge Succinct Non-Interactive Arguments of Knowledge (zk-SNARKs), một bằng chứng mật mã cho phép người dùng có thể xác thực thông tin mà không tiết lộ thông tin đó. Tuy nhiên, cho phép người dùng truy vết nền tảng trở về lại khối genesis của nó có thể không thực tế đối với một mạng lưới lớn. Vì vậy, Mina dần dần tính toán các SNARKS chỉ tập trung vào vài khối cuối cùng. Có nghĩa là, người dùng cuối kiểm tra bằng chứng zk-SNARK đã được nén lại đó, thay vì toàn bộ lịch sử giao dịch của khối.

Điểm mấu chốt của dự án Mina là đồng MINA, đơn vị tiền tệ riêng của giao thức, có chức năng như một đồng tiện ích và phương tiện để giao dịch.

Cách thức hoạt động của Mina Protocol

Mina hoạt động tương tự như Bitcoin, ngoài cách xử lý các giao dịch, Mina còn sử dụng mô hình tài khoản được sử dụng trong Ethereum. Về mặt này, sự khác biệt giữa Bitcoin và Ethereum đó là trạng thái của blockchain Bitcoin chứa một danh sách các đồng tiền chưa chi tiêu, trong khi trạng thái của Ethereum được tạo thành từ số dư tài khoản.

Đứng trên phương diện khác, Mina sử dụng một nút chứng thực (hoặc snarker), tương đương với một người khai thác, để đảm bảo mỗi khối đều xác thực khớp với trạng thái của chuỗi. Ngoài ra, Mina còn sử dụng Ouroboros Samasika, một loại cơ chế đồng thuận PoS được thiết kế đặc biệt cho các mạng lưới phi tập trung rút gọn vì nó cung cấp phương thức tự hoạt động (bootstrapping) từ một khối genesis.

Các blockchain rút gọn chứa 2 chức năng chính: Xác minh và cập nhật. Bước xác minh sẽ sử dụng giao thức đồng thuận, thông tin tóm tắt của blockchain và các khối, trong khi đó, chức năng cập nhật sẽ tương tác với giao thức đồng thuận và tóm tắt thông tin chuỗi. Ngoài các bước triển khai trên, dự án còn sử dụng thuật toán quét song song trạng thái để tối ưu hóa tốc độ xử lý giao dịch, hoạt động bằng cách nhóm các khối chưa được chứng thực lại với nhau và gán quy trình xử lý này cho các nút chứng thực chạy song song với chuỗi chính.

Những đối tượng tham gia chính trong Mina Protocol

Mina tập trung cách mạng hóa tình trạng của các blockchain hiện tại, nơi hầu hết các nền tảng đều có các thuật toán xác minh sử dụng những vai trò như nhà khai thác, người đặt cược và các nút ứng dụng nhẹ hoạt động như bên thứ ba khi xác minh giao dịch. Mina tiếp cận vấn đề bằng một cách khác, đó là khuyến khích nhiều người tham gia, mỗi người xử lý một chức năng cụ thể tạo nên một mạng lưới hoàn toàn phi tập trung.

3 đối tượng chính trong mạng lưới của Mina Protocol bao gồm:

Các nút xác thực – Verifier

Nút xác thực tương tác với zk-SNARKS để xác nhận thông tin cần cho giao thức đồng thuận. Mỗi người dùng giao thức Mina được coi là một trình xác thực, miễn là thiết bị của họ có thể xử lý chuỗi 22KB và chịu được thời gian xử lý vài mili giây.

Các nút tạo khối – Block Producer

Các nút tạo khối hoạt động dưới hình thức staker hoặc miner và kiếm được phần thưởng từ khối và các khoản thanh toán phí giao dịch. Điều thú vị ở đây là giao thức không cắt giảm các ưu đãi dành cho các nút tạo khối. Danh mục đối tượng tham gia này cho phép người dùng Mina ủy thác tiền của họ cho các nút này. 

Ngoài việc tổng hợp các giao dịch thành các khối, các nút tạo khối cũng phải SNARK một khối lượng giao dịch tương đương với số lượng đã cam kết trước đó. Lý do là bởi việc không hoàn thành được công việc trong quá trình tạo khối sẽ dẫn đến các khối không đầy đủ và các nút khác sẽ từ chối hiệu lực của chúng. 

Nếu một nút tạo khối muốn kết hợp 10 giao dịch trên chuỗi, họ cũng phải SNARK các giao dịch đang trong trạng thái chờ. Tuy nhiên, họ có quyền lựa chọn giữa tạo ra SNARK hoặc sử dụng những SNARK có sẵn được tạo ra bởi một nhóm đặc biệt được gọi là các Snarker.

Các nút chứng thực – Snarker

Các snarker, còn được gọi là nút chứng thực, tạo các zk-SNARK được sử dụng trong việc xác minh các giao dịch. Các nút tạo khối trả tiền cho các snarker từ các khoản phí giao dịch tổng hợp mà họ nhận được để tạo thêm các khối mới. Tuy nhiên, để đủ điều kiện nhận phí, họ phải đăng giá thầu. Lưu ý, zk-SNARK của một snarker cần phải được sử dụng trong một khối, và nút tạo khối nào sử dụng nó sẽ chịu trách nhiệm trả tiền cho snarker đó. 

Điều này tạo ra một hoạt động kinh doanh sôi nổi nơi nhiều nút chứng thực có thể đăng giá thầu cho cùng một giao dịch. Mặt khác, các nút tạo khối tham gia để có lợi nhuận nên đương nhiên họ sẽ chọn giá thầu thấp nhất. Do đó, các snarker luôn phải cạnh tranh để tạo ra các SNARK có chi phí thấp.

Các giao dịch diễn ra trong Mina Protocol như thế nào?

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 3

Quá trình này bắt đầu khi một người dùng bắt đầu một giao dịch, sau đó giao dịch đi đến mempool (bể chờ), một nhóm các giao dịch hợp lệ nhưng chưa được xác nhận.

Tiếp theo, các snarker tiếp quản bằng cách tạo ra các bằng chứng (hoặc các SNARK). Quá trình này sẽ tiếp diễn tới khâu lựa chọn một nút tạo khối (BP – Block Producer) để tổng hợp các giao dịch thành một khối. Cần lưu ý, các BP sẽ ưu tiên sàng lọc mempool để tìm các giao dịch có lợi nhuận cho họ.

Sau đó, BP chọn SNARK theo các quy tắc trong cơ chế đồng thuận. Chú ý rằng, một nút tạo khối sẽ lọc qua các giá thầu để tìm SNARK giá thấp nhất. Ngoài ra, các giao dịch mới được thêm vào sẽ được cập nhật trong sổ lệnh của các SNARK (SNARKS Order Book).

Tiếp theo, các SNARK sẽ được tích hợp vào một khối, sau đó khối mới sẽ được thêm vào chuỗi, và mạng lưới được cập nhật. Các giao dịch đã được chứng thực sẽ được loại bỏ khỏi chuỗi để giúp giữ cho kích thước của giao thức không đổi.

Sau đó, các nút tạo khối sẽ nâng cấp zk-SNARKS của giao thức.

Cuối cùng, khối mới trở thành một phần cố định của chuỗi.

Chính sách tài chính của Mina Protocol

Bởi vì Mina sử dụng một biến thể của Ouroboros Proof of Stake, phần thưởng khối và phí giao dịch được phân phối theo tỉ lệ cho các cổ phần hiện tại (giả định là tất cả mọi người trong mạng lưới đều đang staking). Do đó, giả sử sự tham gia stake cao, bất kỳ lạm phát nào trong giao thức đều bị hủy bỏ bởi lợi nhuận ổn định trong giao thức sẽ đảm bảo rằng tỷ lệ nắm giữ tiền tệ của các tài khoản là không đổi.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 4

Tuy nhiên, những người không chọn stake hoặc ủy thác sẽ gặp hạn chế so với những người khác. Để thúc đẩy việc tham gia bắt đầu staking, lạm phát dự trù của Mina sẽ bắt đầu ở mức 12%. Sau đó, trong 5 năm đầu tiên, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống còn 7%, và duy trì ở mức 7% theo mặc định, tùy thuộc vào những thay đổi thông qua quá trình quản trị của chuỗi.

Việc cần xem xét chính khi hạ tỉ lệ lạm phát đó là xác định xem phần thưởng có cao hơn mức cần thiết hay không, để đảm bảo các nút tạo khối có đủ động lực để xác thực mà không yêu cầu tăng phí quá nhiều.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 5

Việc thiết kế thế nào để chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy sự phát triển liên tục của một mạng lưới phi tập trung như Mina cũng vô cùng quan trọng. Lạm phát, dưới dạng phần thưởng khối, được sử dụng để bảo vệ chuỗi chống lại các cuộc tấn công bằng cách khuyến khích xác thực cho các nút tạo khối. Tuy nhiên, bảo mật không phải là yêu cầu duy nhất với một mạng lưới mới. Cụ thể hơn, việc bảo trì và cải tiến giao thức lâu dài cũng sẽ cần chi phí để xử lý. Vậy nên, Mina Protocol tạo ra một cơ chế phù hợp nhất cho việc này, đó là tạo ra các phần thưởng khối đặc biệt, được phân bổ cho những người nhận, được quyết định bởi cơ chế quản trị của chuỗi.

Cách kiếm tiền trong Mina Protocol

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 6

Như đã đề cập bên trên, người dùng có thể tham gia kiếm tiền trên mạng lưới Mina bằng cách tham gia dưới những hình thức sau:

  • Các nút xác thực – Verifier
  • Các nút tạo khối – Block Producer
  • Các nút chứng thực – Prover hay Snarker

Kế hoạch phát triển

o(1) Labs đã huy động được 3,5 triệu USD tài trợ hạt giống vào tháng 5/2018 để bắt đầu phát triển Mina (sau đó được gọi là giao thức Coda), cũng như vòng tiếp theo là 15 triệu USD vào tháng 4/2019. Mạng lưới này đã ở trong giai đoạn testnet công khai từ giữa năm 2019.

Vào ngày 24/3/2020, Mina đã ra mắt Genesis, một chương trình token cho phép người tham gia trở thành những nút tạo khối đầu tiên của mạng lưới và giúp đảm bảo tính phân cấp cao khi ra mắt mainnet.

Đội ngũ phát triển Mina Protocol

Vào ngày 01/08/2021, đội ngũ phát triển Mina đã chào đón Evan Shapiro và những người khác vào đội. Trọng tâm của họ là nâng cao nhận thức về công nghệ của Mina, thu hút làn sóng tiếp theo của các cá nhân và đối tác muốn tham gia, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cộng đồng và kiến trúc kỹ thuật để Mina cuối cùng có thể tự định hướng phát triển.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 7

Cùng với một hội đồng quản trị xuất sắc bao gồm Josh Cincinnati (cựu thành viên của Zcash Foundation), Jill Carlson (của Slow Ventures) và Tess Rinearson (của Interchain GmbH), dự án có một đội ngũ dày dặn kinh nghiệm đã dẫn dắt và đưa ra những sáng kiến này:

  • CEO – Evan Shapiro: Trước đây, Evan là CEO và đồng sáng lập của O(1) Labs. Đây là một công ty phát triển phần mềm và dẫn đầu trong lĩnh vực tính toán có thể kiểm chứng, nơi đã ấp ủ ra Mina. Evan tốt nghiệp Carnegie Mellon với bằng cử nhân khoa học máy tính. Sau đó, anh có cơ hội được nghiên cứu MS của mình trong khi làm việc tại CMU Personal Robotics Lab. Tại đây, anh đã nghiên cứu cho nền tảng robot HERB. Bên cạnh đó, anh cũng từng là kỹ sư phần mềm cho Mozilla. Evan là một chuyên gia trong việc áp dụng zk-SNARKs và là một người có tiếng tăm trong ngành công nghiệp blockchain, thường xuyên xuất hiện trên các chương trình và podcast với tư cách là nhà lãnh đạo ngành công nghiệp.
  • General Counsel – Joon Kim: Trước khi nhận vị trí GC tại Mina Foundation, Joon từng là GC tại O(1) Labs, GC tại Terra, trợ lý GC và phó chủ tịch tại Goldman Sachs.  Tại Mina Foundation, anh hỗ trợ giao thức bằng cách phát hành các khoản tài trợ cho các bên thứ ba có đóng góp đáng kể, duy trì cũng như quản lý tài sản cộng đồng và các thành viên trên toàn thế giới. Joon cũng là người đóng góp thường xuyên cho Bloomberg News về các chủ đề của các quy định pháp lý và ngành công nghiệp blockchain. Anh cung cấp nghiên cứu và bình luận cho các ấn phẩm pháp lý như Bloomberg Law, Oxford Law, cũng như chia sẻ những hiểu biết về chủ đề pháp lý vì lợi ích công cộng.
  • Marketing & Communications – Sherry Lin: Sherry có một sự nghiệp tập trung vào việc xây dựng cộng đồng để tăng sự tham gia và cơ hội cho các cá nhân. Với tư cách là giám đốc tiếp thị, chị đã phát triển cộng đồng Mina tại O(1) Labs theo cấp số nhân.  Là một chuyên gia về tiếp thị kỹ thuật số và truyền thông kỹ thuật, chị đảm nhận vai trò trưởng phòng tiếp thị và cộng đồng tại Mina Foundation, với trọng tâm là lãnh đạo một nhóm các chuyên gia tiếp thị để nâng cao nhận thức về Mina, đồng thời phục vụ cộng đồng.

Những cố vấn, nhà đầu tư và đối tác của dự án Mina Protocol

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 8

Mina đã huy động được tổng cộng 44,7 triệu USD tiền tài trợ qua 4 vòng. Khoản tài trợ mới nhất của họ đã được huy động vào ngày 05/05/2021 từ vòng ICO. Các nhà đầu tư gồm có High Naut Capital, Three Arrows Capital, Bixin Ventures, Accomplice, Coinbase Ventures, General Catalyst, Paradigm và một số đối tác khác.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 9

Tổng quan về token MINA

Token MINA là gì?

Token của Mina Protocol là token MINA, tương tự như các token gốc của những blockchain khác, nó cũng đại diện cho quyền sở hữu mạng lưới. Token sẽ được sử dụng để thanh toán cho các giao dịch và lượng MINA mới sẽ được đúc để trả cho các nút tạo khối nhằm tổng hợp các khối mới. Cơ chế khuyến khích này sẽ rất quan trọng đối với những người tham gia khác nhau để phối hợp và làm việc cùng nhau một cách phi tập trung.

Bên cạnh việc là token gốc của mạng, token MINA có thể được sử dụng để chuyển các giá trị, hoạt động như tài sản thế chấp hoặc bất cứ thứ gì mà một hình thức lưu trữ giá trị kỹ thuật số có khả năng.

  • Tên dự án: Mina
  • Token: MINA
  • Tổng nguồn cung: 824.104.972
  • Lưu lượng token hiện nay (14/01/2022): 348.687.512,84
  • Khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua (14/01/2022): 46.799.638 USD
  • Tổng vốn hóa thị trường hiện nay (14/01/2022): 1.155.859.446 USD
  • Giá một MINA (14/01/2022): 3,31 USD

Cơ chế tài chính token

1.000 thành viên sáng lập ban đầu sẽ được chọn để nhận tổng 66.000 token Mina bằng cách hoàn thành các thử thách trên testnet nhằm củng cố cho mạng lưới. Khi mainnet đi vào hoạt động, các thành viên sáng lập ban đầu cũng sẽ có các nút tạo khối ban đầu của mạng lưới, bởi vì họ có kiến thức cần thiết để stake token.

Mina đang dành tới 6,7% token cho các thành viên sáng lập ban đầu. CTO và đồng sáng lập Mina là Izaak Meckler cho biết: “Chương trình Genesis cho phép chúng tôi xây dựng một cộng đồng các thành viên tham gia, những người đang giúp thiết lập các quy tắc của hệ sinh thái. Việc tham gia như vậy là điều cần thiết để xây dựng một cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu của các thành viên”.

Lịch trả staking dự trù trong 96 tháng:

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 10

Lịch lưu hành token MINA:

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 11

Tỷ lệ phân bổ token trong đợt phát hành đầu tiên:

  • 6% cho vốn của nền tảng Mina
  • 7,5% cho vốn của O(1) Labs
  • 20,5% cho người ủng hộ
  • 23,6% cho những người đóng góp chính
  • 42,3% cho cộng đồng.
Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 12

Tỷ lệ phân bổ token dự trù trong 4 năm sau sự kiện Genesis:

  • 4,5% cho vốn của nền tảng Mina
  • 5,6% cho vốn của O(1) Labs
  • 15,3% cho người ủng hộ
  • 17,6% cho những người đóng góp chính
  • 26,8% cho cộng đồng
  • 30,2% cho phần thưởng khối.
Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 13

Lịch mở khóa cho các nhà đầu tư:

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 14

Chức năng của token MINA

Hiện tại, token MINA có các chức năng cơ bản chính là:

  • Thanh toán các chi phí giao dịch trên mạng lưới
  • Biểu quyết để cải thiện và thay đổi các chính sách hoạt động
  • Dùng để trả thưởng cho những người tham gia vào các vai trò trong mạng lưới.

Token MINA có thể mua bán ở đâu?

Hiện tại, token MINA đang có mặt trên hầu hết các sàn lớn như Binance, Gate.io, CoinList Pro, Kraken, OKEx, MEXC và các sàn giao dịch khác.

Token MINA có thể staking ở đâu?

Trong ngày 25/12/2021, nền tàng Mina đã có sự tăng trưởng đáng chú ý với số lượng người tham gia staking. Cụ thể là chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ ngày 25/12 (từ 07:00 đến 09:00 sáng), số lượng staker trên mạng lưới đã tăng từ 14.902 lên 15.493 người (tăng 3,96%). Con số này hiện nay (14/01/2022) vẫn giữ nguyên.

Mina Protocol la gi? Toan tap ve du an Mina Protocol va token MINA - anh 15

Hiện tại, ngoài ủy thác token MINA cho các nút xác thực trên Mina Protocol, những người đang sở hữu MINA có thể stake trên 2 ví là Clorio và Auro Wallet. Trong đó, Auro Wallet được đánh giá là có giao diện thân thiện hơn cho người dùng, cũng như đang trả APY (trên lý thuyết) lên tới 24%.

Tương lai của dự án Mina Protocol. Có nên đầu tư vào token MINA?

Hầu hết các dự án blockchain được xây dựng trên nền tảng công nghệ vững chắc như Mina Protocol đều cho thấy là các khoản đầu tư dài hạn ổn định. Hầu hết các nhà nghiên cứu tiền mã hóa đều cho rằng Mina Protocol là một trong những blockchain tiên tiến nhất trên thị trường, nên có thể nói rằng token MINA là một khoản đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cần nghiên cứu kỹ dự án trước khi đầu cơ.

Tổng kết

Việc sử dụng zk-SNARKS cho phép xác minh trạng thái của giao thức Mina mà không làm lộ nội dung của blockchain, từ đó cung cấp một nền tảng chống kiểm duyệt tốt hơn. Hơn nữa, zk-SNARKS góp phần rất lớn vào việc duy trì một mạng lưới kích thước không đổi, cho phép tăng khả năng mở rộng, bảo mật và phân tán. Vai trò của những người tham gia chính trong mạng lưới (như các snarker, các nút tạo khối và các nút xác minh) với các chức năng giao thức khác nhau được sắp xếp khá hợp lý. Liệu Mina Protocol có phải là một hướng giải pháp tiếp theo cho các nền tảng thanh toán trong tương lai?

Nếu độc giả muốn biết thêm chi tiết về dự án Mina Protocol, hãy truy cập vào các kênh truyền thông bên dưới:

Website | Thông tin dự án | Twitter | Telegram | Medium | Reddit | Discord