Nội dung
Klima DAO là gì? Tất tần tật về dự án Klima DAO, token KLIMA và các dự án khí thải carbon
Klima DAO là dự án blockchain lấy trọng tâm là nền kinh tế carbon. Dự án tạo ra các khoản tín dụng carbon được mã hóa dưới dạng token gốc là KLIMA.
Vào cuối những năm 1980, nước Mỹ đã gặp phải vấn đề rất nghiêm trọng về môi trường. Khi những nhà máy điện liên tục thải ra môi trường lượng lưu huỳnh đioxit qua rất nhiều năm, khiến cho hiện tượng mưa axit liên tục xảy ra trên đất nước này, phá hủy các công trình, hệ sinh thái rừng và làm chết rất nhiều động thực vật trên cạn lẫn dưới nước.
Vì vậy vào năm 1990, chính quyền nước này đã tiến hành thí điểm một đạo luật bắt buộc những đơn vị đang làm ô nhiễm môi trường phải trả cho lượng khí đốt mà họ thải ra môi trường, tạo điều kiện cho một thị trường mới ra đời: Thị trường khí thải carbon, được quản lý bởi một hệ thống có tên là cap-and-trade.
Khoảng 08 năm sau, lượng mưa axit ở nhiều khu vực rộng lớn tại miền Đông nước Mỹ đã nhận được những cải thiện đáng kể khi ghi nhận mức giảm 20% của tổng lượng mưa axit. Từ đó, một biện pháp cắt giảm khí thải đã ra đời.
Vào năm 1997, Hiệp ước biến đổi khí hậu quốc tế (hay còn được biết tới với cái tên Nghị định thư Kyoto) đã đề xuất sử dụng hệ thống cap-and-trade vào việc quản lý lượng khí cacbonic ra môi trường. Vài năm sau đó, các nước và khu vực khác nhau hình thành nên những thị phần khí thải khác nhau, đa số họ đều dùng hệ thống cap-and-trade.
Bộ máy chính phủ sẽ đặt ra một mức cap (hay giới hạn tối đa) lượng khí thải mà một ngành công nghiệp được phép thải ra môi trường. Tổng giới hạn tối đa (được tính bằng tấn) sau đó sẽ được chia ra thành nhiều giấy phép, mỗi tấm thể hiện một lượng chất thải được cho phép và có giá trị quy đổi ra tiền mặt mà đơn vị sản xuất đã dùng để mua.
Ví dụ, nếu bạn là một nhà máy sản xuất và lượng khí thải dự trù hàng năm của bạn là 1.000 tấn. Mỗi giấy phép ở khu vực của bạn có giá 200 USD và bạn được thải ra môi trường 10 tấn/giấy phép. Vậy có nghĩa là bạn sẽ phải bỏ ra 20.000 USD để “mua” lại lượng chất thải mà bạn đưa ra môi trường, với 100 tấm giấy phép.
Ở thời điểm đầu, một số nước và khu vực cho khoán một số lượng giấy phép nhất định tùy vào nhu cầu và cam kết của đơn vị sản xuất. Nếu đơn vị đó dùng không hết, họ có thể bán lại cho những đơn vị đang bị vượt ngưỡng. Ngược lại, nếu đơn vị đó bị thiếu, họ có thể mua lại từ những đơn vị đang có dư. Tuy nhiên sau mỗi năm, để hạn chế dần khí thải ra môi trường, chính quyền các nước giảm tổng giới hạn tối đa lại. Khi số lượng ngày càng khan hiếm, thị trường giấy phép khí thải trở nên sôi động.
Theo lý thuyết, hệ thống cap-and-trade này thực sự là một ý tưởng đột phá và cực kỳ thông minh vì áp dụng cơ chế có thưởng có phạt. Nếu một đơn vị sản xuất kiểm soát tốt lượng khí thải của mình, họ sẽ có thêm thu nhập từ lượng giấy phép mà họ được cấp cho ngành nghề của mình, ngược lại họ sẽ phải mất thêm tiền để trả cho các giấy phép hoặc khoản phạt mà nhà nước quy định.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng khí thải lại không giảm như mong đợi mà còn tăng vì một lý do đơn giản là các biện pháp chế tài chỉ thực sự hiệu quả khi lợi ích đi kèm phải đủ lớn. Theo hai nhà kinh tế học Joseph Stiglitz và Nicholas Stern, để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu, mức giá khí thải trên thế giới phải đạt trung bình từ 50 đến 100 USD/tấn trước năm 2030, trong khi hiện nay giá khí thải đang thấp hơn rất nhiều so với lộ trình. Chưa hết, cho dù bằng một cách nào đó các nước có thể điều chỉnh mức giá ở mức phù hợp, các khoản phạt đang không hiệu quả do quá thấp. Đơn cử ở các nước trong khối Liên minh Châu Âu, khoản phạt cho mỗi tấn khí thải vượt ngưỡng chỉ thấp cỡ 100 EUR, so với giá phải trả theo quy định của 01 tấn thì cũng không đáng kể gì, đó là chưa tính tới trường hợp liệu doanh nghiệp đó có bị phát hiện hay không.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát lượng khí thải cũng tồn động nhiều vấn đề chưa thể giải quyết như phương thức đo lường ra sao, liệu khí thải này là trực tiếp ra môi trường hay chỉ gián tiếp được thải ra trong quá trình sản xuất. Chưa kể đến những hình thức gian lận do tính thiếu cương quyết của bộ máy chính quyền (áp dụng lỏng lẻo, hối lộ, giả mạo giấy tờ…) và một hình thức phổ biến không kém khác đó là dời nhà máy sản xuất sang khu vực có mức giá thấp hơn. Đó được gọi là rò rỉ khí thải (carbon leakage).
Hiện nay các nước trên thế giới, đặc biệt là khối EU cũng đang dần nghiêm khắc hơn trong việc áp dụng thị trường khí thải này. Họ sử dụng những biện pháp như giới hạn số lượng giấy phép để tạo ra tình trạng khan hiếm, nhằm đẩy giá của giấy phép lên cao, bên cạnh việc tăng giá định kỳ. Ngoài ra, các nước ở Liên minh Châu Âu còn áp dụng chính sách thuế khí thải cacbonic, có nghĩa là cho dù sản phẩm đó được sản xuất ở một quốc gia khác với mức phí thấp hơn, khi vào biên giới EU, hàng hóa đó vẫn bị đánh thuế cacbonic tương tự như mức được áp dụng ở các nước này. Trong tương lai gần, giá khí thải toàn cầu sẽ sớm được thiết lập nếu các quốc gia và vùng lãnh thổ nghiêm túc hơn trong vấn đề môi trường này.
Trước khi bước vào phân tích dự án Klima DAO, Coinvn xin được phép làm rõ rằng bài viết này chỉ mang tính chất phân tích tiềm năng và một số khía cạnh ứng dụng của DAO (tổ chức tự trị phi tập trung) và không phải lời khuyên đầu tư. Bài viết này mặc định rằng bạn đọc đã hiểu DAO là gì, nên sẽ không xoáy sâu phân tích về nó. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết cơ chế DAO là gì, bạn hãy tham khảo qua bài viết của Coinvn về chủ đề này.
Klima DAO là một trong số những dự án DAO đã chịu “gạch đá” khá nhiều từ cộng đồng đầu tư Crypto trong thời gian chỉ vài tháng kể từ ngày ra mắt khi mức giá ra mắt của token này hơn 2.000 USD (tháng 10/2021), đạt ATH gần 3.700 USD trong cùng tháng và hiện nay đã sập xuống mức chưa tới 12 USD/token.
Vậy Klima DAO là gì? Klima DAO là một cơ cấu tổ chức tự trị phi tập trung (DAO) được tạo ra nhằm can thiệp và tăng giá khí thải cacbonic trong thị trường khí thải toàn cầu. Bằng cách thúc đẩy sự tăng trưởng giá của các tài sản có liên quan đến phát tán khí thải ra môi trường (Bitcoin, Ether…), Klima DAO đang tìm cách khuyến khích các công ty có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và hạn chế lượng khí thải.
Klima DAO học theo mô hình liên kết bonding với OHM của dự án Olympus DAO và cho ra mắt nguồn cung BCT (hay Base Carbon Tonnes) – một phiên bản token của các tín chỉ khí thải cacbonic trên blockchain. Thêm vào đó, dự án nhắm tới việc dự trữ càng nhiều BCT càng tốt trong kho lưu trữ của nó thông qua token KLIMA của dự án.
Chưa hết, Klima DAO là một bản sao “chính thức” của Olympus DAO vì đã nhận được sự tán thành từ nhóm phát triển của dự án Olympus DAO. Đây là một dự án thành công với cơ chế DAO và được coi là đơn vị mở ra kỷ nguyên DeFi 2.0 cho ngành tiền mã hóa này.
Những người tham gia thị trường có thể mua BCT trên sàn và liên kết chúng với KLIMA để nhận được các khoản ưu đãi. Sau 05 ngày, họ sẽ nhận được KLIMA ưu đãi mà họ có thể bán kiếm lời hoặc stake vào nền tảng để tăng lượng tài sản mà họ có. Như đã đề cập bên trên, cơ chế này tương tự như cơ chế tạo thanh khoản trên Olympus DAO. Tuy nhiên, cơ chế của Klima khác biệt ở chỗ giá của token KLIMA được hỗ trợ bởi kho lưu trữ BCT của nó, hay nói cách khác là giá của những chứng chỉ hoặc giấy phép khí thải trong thế giới thực.
Tóm lại, dự án Klima tích trữ BCT càng nhiều, giá khí thải trên thế giới sẽ càng cao vì nó tạo ra tình trạng khan hiếm, bắt những người tham gia thị trường phải thích nghi và tham gia hoặc sau này sẽ phải chịu trả phí khí thải cao hơn. Bên cạnh đó, bằng việc phát hành thêm KLIMA – token được neo bằng BCT, nền tảng này có thể làm giảm nguồn cung của các khoản đền bù cacbonic (carbon offset), từ đó trực tiếp chi phối giá cả thị trường ngoài đời thực.
Vậy nên, những người tham gia thị trường đều có cùng mục đích khi tham gia vào Klima DAO, đó là tăng tối đa cổ phần KLIMA của họ qua việc staking và bonding. Klima DAO cho phép cơ chế rút vốn tái đầu tư tương tự Olympus, với APY đã có lúc lên tới con số cao ngất ngưởng là 40.000%. Mặc dù KLIMA có giá trị được neo bởi lượng BCT trong kho lưu trữ, những người tham gia staking được khuyến khích bỏ qua biến động giá của thị trường vì tỷ suất khủng mà họ kiếm được sẽ vượt cả mức giá chuyển đổi giữa KLIMA và BCT.
Giao diện của nền tảng này cũng rất đơn giản, chỉ có các chức năng cơ bản như mua KLIMA, stake KLIMA, bond carbon và wrap sKLIMA. Tính năng mua bán các khoản đền bù carbon sẽ sớm được ra mắt vào năm 2022.
Hiện nay, mức APY đang được công bố là 1.024%, thấp hơn nhiều so với thời kỳ hoàng kim 40.000% của dự án. Còn lại thì những chính sách vẫn giữ nguyên như khi liên kết bonding các tín chỉ cacbonic là nhận được KLIMA ưu đãi và được trả dần vesting trong 05 ngày. Ngoài BCT, dự án còn đang hỗ trợ MCO2 và các cặp thanh khoản trên QuickSwap và SushiSwap. Tại thời điểm viết bài, chỉ có cặp thanh khoản KLIMA/BCT là đang cho chỉ số ưu đãi dương ở mức 0,95%.
Dưới đây là những địa chỉ hợp đồng được sử dụng chính thức, bạn có thể kiểm tra trên Polygonscan:
Klima DAO được sáng lập bởi một nhóm các nhà phát triển ẩn danh và được quản trị bởi cộng động theo cơ chế DAO. Mặc dù Klima DAO không phải một bản fork chính thức của Olympus DAO nhưng hai dự án này có sự liên kết với nhau, một số người đóng góp cho Olympus DAO cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc phát triển Klima DAO. Ngoài ra, Olympus cũng giữ một phần cổ phần nhỏ của KLIMA trong kho lưu trữ của dự án này.
Kế hoạch phát triển của dự án Klima DAO được chia thành 05 giai đoạn:
Hiện tại với mức APY hơn 1.000%, có thể nói Klima đang bước vào giai đoạn thích ứng (adoption). Thế nhưng theo báo cáo từ phía dự án, lưu lượng token KLIMA trên thị trường là hơn 1 tỷ 600 triệu token, tức là đã ở mức nguồn cung của giai đoạn trưởng thành (maturity). Hiện vẫn chưa có thông tin cập nhật chính sách điều chỉnh sự lạm phát này của dự án. Tuy nhiên theo thông tin vừa được đăng tải chính thức trên trang chủ dự án, một bộ công cụ phát triển là Klima Infinity sẽ giúp các tập đoàn và cá nhân có thể đưa các tín dụng khí thải (carbon credit) của họ lên blockchain một cách minh bạch và hiệu quả, giúp thể hiện tầm ảnh hưởng tích cực của họ lên việc cải thiện những biến đổi của môi trường.
Hiện tại theo thông tin được công bố, các nhà đầu tư vào Klima DAO gồm có Petrock Capital, Zee Prime Capital và ông Mark Cuban.
KLIMA là token quản trị và tiện ích chính thức của dự án. Với các thông số như sau:
Vì Klima DAO tuân theo chính sách tiền tệ mở rộng do Olympus khởi xướng nên dự án này không có nguồn cung tối đa cho KLIMA. Hiện tại, KLIMA được hỗ trợ bởi khoảng 11 triệu BCT, được định giá hơn 70 triệu USD.
Klima DAO đã ra mắt đợt mở bán sớm trên Discord (IDO) như một phần của chiến lược ra mắt công bằng (fair launch strategy) của họ, nhằm khởi động thanh khoản và phân phối nguồn cung ban đầu của KLIMA. aKLIMA – một token sau này có thể được dùng để đổi lấy KLIMA, đã được phân phối cho một số thành viên cộng đồng được chọn với mức giá 116 USD. Nguồn cung aKLIMA ban đầu là 120.000, có nghĩa là KLIMA đã thu được hơn 1 triệu USD thanh khoản trong lần ra mắt đầu tiên.
Các thành viên trong nhóm phát triển cũng nhận được một phần của pKLIMA, được mô phỏng theo pOHM để điều chỉnh các ưu đãi của người đóng góp với lợi ích của giao thức. Chính sách trả dần vesting phụ thuộc vào nguồn cung ứng thị phần tương đương, với mỗi bên liên quan có lượng pKLIMA giới hạn mà họ có thể đổi lấy KLIMA như:
Ví dụ: Nếu các cố vấn muốn đổi toàn bộ 50 triệu pKLIMA của họ, họ chỉ có thể làm như vậy nếu thị phần KLIMA của họ không vượt quá 1%. Do đó, điều này sẽ chỉ khả thi khi nguồn cung KLIMA vượt quá 5 tỷ. Tỷ trọng tích lũy trong tổng nguồn cung KLIMA của tất cả các bên liên quan không được vượt quá 15,8%.
Token KLIMA sẽ giữ hai chức năng chính cho người sở hữu là có quyền quản trị và có thể tăng lượng KLIMA đang nắm giữ bằng cách staking.
Hiện nay, KLIMA có thể được mua tại sàn HotBit hoặc giao thức SushiSwap (mạng lưới Polygon). Theo thông tin công khai trên trang ứng dụng của dự án thì trong thời gian sắp tới, người dùng có thể mua KLIMA bằng thẻ tín dụng Visa/MasterCard một cách dễ dàng.
Mặc dù những ý tưởng và tính ứng dụng nghe có vẻ khá mới lạ so với cộng đồng nói chung nhưng Klima không phải dự án đầu tiên và duy nhất làm về lĩnh vực này. Trên thực tế, những tài sản liên kết khí thải cacbonic của Klima được đưa lên nhờ một dự án khác là Toucan, đơn vị này đã phát triển cơ sở hạ tầng backend của giao thức mang tín chỉ cacbonic lên blockchain. Klima chỉ là dự án sử dụng cơ sở hạ tầng của Toucan, áp dụng theo mô hình của Olympus và mang toàn bộ lên Polygon để ứng dụng khía cạnh tín chỉ cacbonic lên blockchain. Ngoài ra, có một số dự án cũng đang hướng đến thực hiện mục đích tương tự, ví dụ như Carb0n.Fi.
Mặc dù giá của KLIMA tụt giảm nghiêm trọng như đã đề cập ban đầu, trữ lượng trong kho lưu trữ của dự án vẫn tiếp tục tăng (dựa theo thống kê trên Dune Analytics). Nếu mô hình của Klima không phải một dạng ponzi trong thị trường Crypto nói chung và trong số những dự án DAO còn non trẻ nói riêng như hiện nay, liệu có khả năng chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng trở lại của một dự án Crypto vì môi trường chăng?
Klima DAO mang đến cho các nhà phát triển và người dùng Web 3.0 cơ hội tham gia vào thị trường carbon thông qua token KLIMA. Bằng cách phát triển Klima DAO trên cơ sở hạ tầng mã nguồn mở và tính minh bạch, cùng với sự tham gia của các nhà phát triển Web 3.0, các dự án carbon và các chuyên gia khí hậu, tất cả điều trên đã giúp xây dựng nên nền kinh tế mới này cũng như trao thưởng cho những đóng góp của những bên tham gia.
Nếu nhà đầu tư quan tâm đến dự án Klima DAO, hãy truy cập ngay các trang thông tin của dự án để nắm bắt thông tin sớm nhất:
Website | Thông tin dự án | Twitter | Discord | Reddit | Telegram | GitHub