Những điều cần biết về subnet của Avalanche

Liệu subnet của Avalanche có phải là động lực phát triển mới cho lĩnh vực Crypto?

11263Total views
Nhung dieu can biet ve subnet cua Avalanche - anh 1
Những điều cần biết về subnet của Avalanche

Subnet của Avalanche là gì?

Đầu tiên, Coinvn mặc định độc giả của bài viết này là những người đã tìm hiểu qua về blockchain Avalanche cùng những tính năng và ưu điểm của nó nên sẽ không đi sâu vào phân tích về blockchain này. Những bạn đọc nào quan tâm, hãy tìm hiểu thêm qua bài viết phân tích cụ thể của Coinvn về Avalanche nhé. Tuy nhiên, để tóm tắt đặc điểm chính của Avalanche, nó là một blockchain được chia ra làm ba chuỗi chính, mỗi chuỗi giữ một nhiệm vụ riêng:

  • Exchange (X) Chain: Là một chuỗi có chức năng cơ bản là xử lý các giao dịch trong mạng lưới AVAX.
  • Contract (C) Chain: Là chuỗi xử lý các hợp đồng thông minh EVM giúp Avalanche có thể chạy hoặc khởi tạo những hợp đồng và ứng dụng sử dụng EVM. Đây là chuỗi mà bạn trực tiếp dùng khi sử dụng những nền tảng như Trader Joe. Đây cũng là chuỗi xử lý lượt truy cập nhiều nhất trong Avalanche.
  • Platform (P) Chain: Là chuỗi chịu trách nhiệm xử lý các liên kết tương tác giữa những nút xác thực và các tính năng quản trị của mạng lưới Avalanche. Đây chính là chuỗi được dùng để tạo và quản lý các subnet.
Nhung dieu can biet ve subnet cua Avalanche - anh 2

Về cơ bản, các subnet có thể được hiểu ngắn gọn là một giải pháp mở rộng trên mạng lưới Avalanche theo chiều ngang, bằng cách cung cấp một bộ những công cụ và giải pháp mang tính sáng tạo cho các công ty, các cơ chế DAO, cá nhân hoặc thậm chí là cả một quốc gia để tạo mạng lưới blockchain riêng của họ với những thông số được tùy chỉnh hoàn toàn riêng biệt, tận dụng tối đa những ưu điểm của mạng lưới chính là Avalanche. Quá trình tạo một subnet mới hoàn toàn có thể diễn ra gói gọn trong vòng chưa tới 60 phút.

Bên cạnh đó, các subnet còn có thể được tùy chỉnh để trở thành một mạng riêng tư hoặc hoạt động mà không cần những thuật toán cấp phép xác nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đó là cho dù đặc tính riêng biệt có ra sao thì chúng vẫn hoàn toàn có thể liên kết dữ liệu được với các subnet khác.

Về mặt kỹ thuật, các subnet được tạo trên chuỗi Platform (P-Chain), sử dụng các giao thức đồng thuận của Avalanche để cung cấp một nền tảng bảo mật, phân tán toàn cầu, có thể giao tiếp qua lại với nhau và hoàn toàn không cần dựa vào lòng tin, mang tới một giải pháp phi tập trung vô tiền khoáng hậu, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc được quy định.

Chưa hết, subnet là các cấu trúc có thể sở hữu riêng hệ thống token và cơ chế phí giao dịch của nó. Các nhà phát triển có thể chọn giữa việc sử dụng các tính năng như staking và các chi phí giao dịch trong chuỗi được trả bằng token AVAX, các stablecoin hoặc chính những token của riêng họ.

Tóm lại, Avalanche đang hướng tới tính mở rộng thực sự của mạng lưới, thông qua giải pháp tạo các mạng lưới blockchain ảo để mở rộng theo chiều ngang và vô số những subnet sẽ được xây dựng bởi cộng đồng trong một tương lai không xa.

Mới đây, nền tảng Avalanche cũng đã thông báo ra mắt chương trình khuyến khích các dự án xây dựng và sử dụng giải pháp subnet lên tới 290 triệu USD, điều đó cho thấy động thái rất nghiêm túc của nền tảng này hướng tới mục tiêu phát triển Avalanche Multiverse.

Giải pháp mở rộng blockchain theo chiều dọc và theo chiều ngang

Như đã đề cập ở phần trước, các subnet là giải pháp mở rộng blockchain theo chiều ngang. Vậy mở rộng theo chiều ngang và chiều dọc là gì và chúng khác nhau ra sao? Để hiểu một cách ngắn gọn, khi chúng ta muốn mở rộng một blockchain mà không phải hy sinh tính phi tập trung của nó, có hai cách để tăng khả năng của một blockchain: Tốc độ xử lý giao dịch của các mạng lưới phải nhanh hơn hoặc nhiều chuỗi xử lý hơn.

Giải pháp mở rộng theo chiều dọc – Xử lý các giao dịch nhanh hơn

Hiện tượng “thắt cổ chai” hiện tại của các blockchain nằm ở khâu lưu trữ dữ liệu của các hợp đồng thông minh. Mỗi khối được tạo ra sẽ cập nhật lại cơ cấu dữ liệu nội bộ trên các ứng dụng của các nút vận hành trong chuỗi, để đảm bảo thông tin và trạng thái chuỗi được đồng bộ mới nhất. Những lần cập nhật này yêu cầu nhiều bước chép dữ liệu lên ổ lưu trữ không liên tiếp.

Trong hệ sinh thái Crypto hiện nay, cộng đồng người dùng đang áp dụng ngày càng nhiều biện pháp cải thiện. Tiêu biểu nhất đó là tạo ra các cấu trúc dữ liệu hiệu quả hơn hoặc yêu cầu trang thiết bị phần cứng phải “khủng” hơn. Đương nhiên là những khoản chi phí này sẽ khó bù đắp để có thể mang về lợi nhuận x1000 cho người dùng.

Giải pháp mở rộng theo chiều ngang

Giải pháp này giải quyết vấn đề tăng khả năng xử lý của một blockchain bằng cách vận hành nhiều blockchain song song với nhau cùng một lúc, mỗi chuỗi xử lý một tác vụ hoặc giữ một nhiệm vụ nhất định. Đây là cách mà chúng ta có thể tăng gần như vô hạn lưu lượng giao dịch.

Chẳng hạn như chúng ta có một blockchain có thể xử lý 100 giao dịch mỗi giây (TPS). Vậy bây giờ chạy 05 chuỗi như vậy song song với nhau, hệ thống của chúng ta giờ đã có thể hỗ trợ 500 TPS. Tuy nhiên, để các chuỗi có thể hoạt động song song với nhau, chúng cần phải hoàn toàn độc lập. Như vậy có nghĩa là mỗi chuỗi riêng biệt đó cần phải là một hệ sinh thái tự hoạt động và khi chúng ta muốn có khả năng giao tiếp giữa các chuỗi, chúng ta cần phải thêm một layer dành riêng cho việc trao đổi thông tin đa chuỗi.

Có thẻ thấy, mặc dù những lợi ích của giải pháp mở rộng theo chiều ngang là không thể chối cãi, nó cũng không phải là lựa chọn phổ biến hiện nay. Đa số các dự án trên Layer-1 đều chỉ chạy trên duy nhất một chuỗi thôi.

Chính vì lẽ đó, những subnet trên Avalanche mới được ra đời để giải bài toán cho giải pháp mở rộng theo chiều ngang. Đương nhiên là đội ngũ phát triển không có dự định bê nguyên xi và sao chép một blockchain hết lần này đến lần khác, do đó, các subnet của Avalanche là một hệ sinh thái đa chuỗi và đa dạng.

Cách xây dựng một subnet

Các subnet cần được xây dựng dựa trên hai thứ: 

  • Một máy ảo hay cách để xử lý các giao dịch.
  • Một nhóm các nút xác thực hay người xử lý các giao dịch.

Một máy ảo (VM) giúp xác định các quy tắc để xử lý các giao dịch và một trong những máy ảo phổ biến nhất hiện nay là EVM hay Ethereum Virtual Machine. Ngoài ra còn có các VM khác như Bitcoin Script VM, Cardano UTXO, Solana engine… Một subnet của Avalanche có thể chạy bất kỳ máy ảo nào. Các bản fork thậm chí còn có thể khởi động lại trạng thái cũ của blockchain đó. Ví dụ như một dự án có thể tạo ra một subnet cho Bitcoin và airdrop AVAX-Bitcoin cho tất cả những người hiện đang sở hữu BTC.

Yếu tố tiếp theo là một bộ các nút xác thực. Chắc các bạn cũng đã biết, các nút xác thực tham gia vào giao thức đồng thuận và là những người canh giữ mạng lưới. Bằng cách tinh chỉnh bộ xác thực, những người thiết kế nền tảng có thể quyết định tính minh bạch và khả năng truy cập của một subnet. Một nút hợp lệ có thể quyết định ai có thể niêm yết các giao dịch cũng như ai có thể thấy và tải xuống các khối của nó. 

Nói một cách dễ hiểu thì điều này cho phép các nhà phát triển có thể dễ dàng quyết định liệu một subnet có mở ra công khai và được truy cập bởi tất cả mọi người, hay nó là một chuỗi riêng chỉ có thể được can thiệp với một nhóm nhất định. Một ví dụ đó là Mỹ muốn mở một subnet cho đồng USD kỹ thuật số, họ có thể xây dựng một chuỗi minh bạch công khai nhưng những nút xác thực được tham gia phải là công dân của Hoa Kỳ.

Vậy tại sao lại cần xây dựng một subnet hay những lợi ích nào mà một subnet đem lại cho một dự án? Có rất nhiều lý do dẫn đến việc một dự án muốn phát triển một subnet với tất cả những ưu điểm kể trên. Tuy nhiên, tóm gọn lại thì ưu điểm của một subnet gồm có ba điều:

  • Dễ xây dựng và phát triển một subnet: Giao thức Avalanche cung cấp kết cấu đồng thuận và quản lý các liên lạc giữa các nút trong hệ thống. Bên cạnh đó, các subnet còn cung cấp sẵn các framework có sẵn cho tính năng liên lạc và trao đổi thông tin đa chuỗi.
  • Khả năng truy cập tức thì vào thanh khoản: Ngay khi được kích hoạt, các subnet có thể truy cập ngay vào thanh khoản của toàn bộ hệ sinh thái do khả năng liên kết được tích hợp từ đầu.
  • Khả năng tùy chọn token để trả cho các phí giao dịch: Khi tạo subnet, các nhà phát triển có thể chọn loại token để chi trả cho các giao dịch trên chuỗi. Họ có thể chọn AVAX, stablecoin, token riêng mà họ tạo ra hoặc thậm chí cho phép giao dịch không mất phí trên subnet. Điều này còn mở ra rất nhiều tiềm năng cho kế hoạch xây dựng các điều khoản đầu tư để hỗ trợ cho dự án của họ.

Những dự án subnet tiêu biểu hiện nay

DeFi Kingdoms

DeFi Kingdoms là một dự án GameFi được xây dựng trên blockchain Harmony. Sau khi nhận được rất nhiều sự quan tâm, đội ngũ phát triển dự án này đã bắt đầu mở rộng sang các chuỗi khác. Họ đã ra mắt subnet của mình vào ngày 09/03/2022 vừa qua. JEWEL là token hiện được sử dụng như một đơn vị tiền tệ chính trong trò chơi, nay được sử dụng cho toàn bộ các giao dịch trên chuỗi, mở ra thêm tính tiện ích cho token này.

Coinvn cũng đã có một bài phân tích chi tiết về dự án DeFi Kingdoms và một bài hướng dẫn chơi DeFi Kingdoms cho các độc giả quan tâm.

Crabada

Crabada là một dự án game Play-to-Earn (P2E) được xây dựng trên Avalanche. Đội ngũ phát triển vừa thông báo ra mắt subnet đã được kỳ vọng rất lâu có tên là Swimmer Network.

Swimmer Network là một mạng lưới blockchain dành riêng cho việc chơi game, giúp phát triển cơ sở hạ tầng sẵn có cũng như khả năng bảo mật của mạng lưới Avalanche. Đội ngũ Crabada cũng đã quyết định sử dụng đơn vị tiền tệ trong trò chơi của họ là token TUS để làm token thanh toán cho phí gas trên Swimmer Network.

Các nút xác thực sẽ được yêu cầu chạy một nút Avalanche và stake token CRA vào một hợp đồng của các nút xác thực trong giai đoạn thực hiện xử lý các giao dịch trên chuỗi. Các nút xác thực sẽ nhận được số dư từ những khoản phí thu được của mạng lưới, sau khi trừ đi những khoản được đem đi đốt, tùy thuộc vào đối trọng của số lượng token CRA mà họ đã stake.

Ascenders

Ascenders là một dự án GameFi thuộc thể loại nhập vai, lấy bối cảnh thế giới giả tưởng với cơ chế kinh tế hoàn toàn phi tập trung và mang tính thúc đẩy người chơi tham gia vào blockchain Avalanche.

Nếu bạn quen thuộc với các tựa game Zelda, Ascenders có thể coi là sự kết hợp giữa phiên bản game “The Legend of Zelda: Breath of the Wild” đang nổi đình nổi đám trên hệ máy Nintendo Switch với cơ chế kinh tế của tựa game MMO “EVE Online”.

Nhung dieu can biet ve subnet cua Avalanche - anh 3

Tham vọng của nhóm phát triển là mang tới cho cộng đồng một tựa game Crypto hạng AAA đầu tiên trên thế giới. Đó có lẽ là một tham vọng có cơ sở nếu bạn xem qua trailer của Ascenders.

Bên cạnh đó, Ascenders vừa kêu gọi được 6,4 triệu USD trong vòng private được dẫn đầu bởi các nhà đầu tư nổi tiếng như Paramount Capital, Sino Global Capital, Three Arrows Capital và Merit Circle. Một yếu tố khác hứa hẹn thành công cho dự án này chính là đội ngũ Ascenders. Đó là sự kết hợp giữa các nhà phát triển game hạng AAA có kinh nghiệm hàng đầu cùng với những chuyên gia về Crypto.

Tổng kết

Ngoài những dự án subnet tiêu biểu đã nêu, những cái tên như Pangolin, Colony Labs, Shrapnel, Imperium Empires, Bengqi, Dexalot… cũng sẽ góp mặt những subnet của mình. Liệu xu hướng mở rộng này có phải là giải pháp tối ưu nhất cho các dự án blockchain?