Gitcoin là gì? Tổng quan về dự án và token GTC

Gitcoin là một nền tảng thu hút tài trợ cho những dự án mã nguồn mở mang lại lợi ích cho cộng đồng và khuyến khích các nhà phát triển đóng góp nhiều hơn để kiếm tiền.

18365Total views
Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 1
Gitcoin là gì? Tổng quan về dự án và token GTC

Gitcoin là gì

Gitcoin tự mô tả mình là một cộng đồng những người xây dựng, sáng tạo các giao thức, cùng chung mục đích phát triển tương lai của Internet mở. Gitcoin đang tài trợ các dự án mã nguồn mở, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà phát triển tài năng bằng cách:

  • Tài trợ cho nhà phát triển bằng tiền thưởng, Hackathon, Kernel Fellowship và Kudos
  • Tài trợ các tài nguyên như: Giáo dục, công nghệ, công cụ 
  • Một cộng đồng cùng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công cộng. 

Ngoài ra, Gitcoin còn có chế độ tài trợ độc quyền để khuyến khích các nhà phát triển thực hiện các dự án mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Hay còn gọi là tài trợ bậc hai trong ngắn hạn, các dự án thu hút được nhiều bên tài trợ sẽ được ưu tiên hơn những dự án có tính thanh khoản tương tự nhưng ít người ủng hộ hơn.

Những điểm nổi bật của Gitcoin

Tính năng nổi bật chính của Gitcoin là cơ chế tài trợ độc quyền hay còn gọi là Quadratic Funding (tài trợ bậc hai). 

Bất kỳ tổ chức, công ty, cá nhân và thậm chí cả các giao thức muốn hỗ trợ các dự án mã nguồn mở đều có thể trở thành đối tác phù hợp của Matching Pool. Số tiền huy động từ mọi nguồn tài trợ sẽ được lưu trữ ở Matching Pool. 

Số tiền mà dự án được tài trợ sẽ tỷ lệ với bình phương của tổng căn bậc hai của các khoản đóng góp nhận được. 

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 2
Minh họa cơ chế Quadratic Funding (tài trợ bậc hai). Nguồn: Finematics

Các dự án sẽ nhận được số vốn tỷ lệ thuận với số người ủng hộ dự án thay vì phụ thuộc vào một vài khoản đóng góp lớn. Điều này không chỉ phù hợp với mục tiêu của người mong muốn hỗ trợ những dự án blockchain dành cho cộng đồng mà còn phù hợp với nhu cầu của nhà phát triển. 

Mọi người có thể ủng hộ cho các dự án mà họ cho là đáng giá nhất, trong khi các nhà phát triển có động cơ tạo ra nhiều dự án cho cộng đồng hơn là chỉ tập trung vào các dự án được tài trợ tốt nhất.

Các sản phẩm của Gitcoin 

Hiện nay, Gitcoin đã quản lý khoản tài trợ trị giá 28 triệu đô la Mỹ cho phần mềm mã nguồn mở. 

Các dự án đáng chú ý đã được hưởng lợi từ nguồn tài trợ của Gitcoin bao gồm Uniswap, 1inch Exchange, Yearn Finance… Vào tháng 5 năm 2021, DAO của Gitcoin và token quản trị GTC đã được ra mắt để trở nên phi tập trung hơn bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát cho cộng đồng.

Kernel Fellowship

Kernel Fellowship là một chương trình do Gitcoin tổ chức, kéo dài trong 8 tuần. Khách mời là những tài năng công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực blockchain, Web 3.0 và phát triển sản phẩm. 

Mục tiêu của Gitcoin là cung cấp cho các nghiên cứu sinh cơ hội học hỏi, xây dựng mối quan hệ, cơ hội tài trợ cho các sản phẩm mà họ xây dựng từ các công ty Web 3.0 và các nhà đầu tư. 

Gitcoin Bounty

Một tính năng phổ biến khác của Gitcoin là nó tạo ra một môi trường cho các lập trình viên (Dev) có thể tìm và làm việc để kiếm các khoản tiền thưởng từ các dự án Web 3.0. 

Qua đó, các Dev có thể vừa kiếm tiền vừa học thêm được các kỹ năng mới, còn nhà tài trợ thì có thể tiết kiệm thời gian cho các nhiệm vụ không trọng tâm và cho phép họ tập trung vào các tính năng quan trọng.

Ngoài ra, trong quá trình tuyển dụng, dự án có thể khám phá thêm các tài năng mới thông qua việc đưa ra các vấn đề thực tế để Dev giải quyết.

Gitcoin Hackathon

Gitcoin cũng tổ chức các cuộc thi Hackathon. Người tham gia sẽ đưa ra các giải pháp cho các vấn đề được ban tổ chức yêu cầu để có cơ hội nhận được phần thưởng là các token của nhiều giao thức khác nhau. 

Kudos

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 3

Mỗi Kudos là một tác phẩm nghệ thuật được mã hoá thành NFT. Người dùng có thể mua và tặng Kudos cho một thành viên Gitcoin khác như một cách để thể hiện sự đánh giá cao của họ đối với công việc đã hoàn thành hoặc đơn giản chỉ là để xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng Gitcoin. Token Kudos có thể được mua và bán trên Kudos Marketplace.

GitHub

GitHub là một kho lưu trữ công khai nổi tiếng cho phép các nhà phát triển giới thiệu hồ sơ theo dõi công việc của họ. 

Gitcoin Grant là gì?

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 4

Gitcoin Grant giúp mọi người có thể tài trợ cho các dự án mã nguồn mở phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Các dự án sẽ được phân bổ vốn theo cơ chế Quadratic Funding từ quỹ QF của Gitcoin do các nhà tài trợ đến từ hệ sinh thái Ethereum. 

Gitcoin Grant tập trung vào các dự án dành cho cộng đồng như:

  • Phần mềm mã nguồn mở
  • Báo chí
  • Sức khỏe cộng đồng
  • Các dự án web3

Với sự hỗ trợ của Ethereum Foundation và các đối tác khác, Gitcoin Grant được diễn ra hàng quý: 

  • Round 9: 10/03/21 – 25/03/21
  • Round 10: 16/06/21 – 01/07/21
  • Round 11: 08/09/2021 – 23/09/21
  • Round 12: 1/12/2021 – 16/12/2021

Các vòng Gitcoin Grant được lên lịch thường xuyên sẽ giúp những người được tài trợ có thể sử dụng các khoản tiền này không chỉ như các khoản quyên góp bổ sung, mà còn là nguồn tài trợ chính cho các hoạt động của họ. 

Nhờ sự hào phóng của cộng đồng tài trợ và cộng đồng Ethereum, Grant Multisig có tổng tài sản hơn 7,5 triệu đô la Mỹ (không bao gồm token AKITA) để hỗ trợ các sản phẩm kỹ thuật số phục vụ lợi ích công cộng. Khoảng 965.000 đô la Mỹ sẽ được sử dụng để thanh toán cho vòng này, còn lại khoảng 6,5 triệu đô la Mỹ sẽ dùng để tài trợ cho các vòng trong tương lai. 

Grant Round 11 (GR11)

Vòng tài trợ đầu tiên Grant Round 1(GR1) kết thúc vào tháng 2 năm 2019 với 44.000 đô la Mỹ được tài trợ. Gitcoin Grant Round 11 (GR11) là vòng Grant lớn nhất trong lịch sử của Gitcoin với 2,6 triệu đô la Mỹ được huy động, đạt mức tăng trưởng hơn 56 lần chỉ trong hai năm rưỡi. 

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 5

Đã có hơn 486.000 lượt đóng góp huy động vốn cộng đồng (189.000 lượt từ GR10). Những đóng góp này được thực hiện bởi 16.000 người dùng duy nhất (1.500 người từ GR10), cả hai đều là mức cao nhất từ trước đến nay.

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 6

Trong các vòng trước, người dùng có thể duyệt qua nhiều danh mục như: Công nghệ hạ tầng, cộng đồng… Trong vòng này, Vitalik Gitcoin, người quản lý DAO và cộng đồng, đã đề xuất đổi mới về tài trợ bậc hai, đội ngũ sẽ tập hợp thành một Match Pool duy nhất.

Trong GR11, Gitcoin đã giới thiệu vòng kết nối hệ sinh thái nhằm vận động tài trợ và thông báo với cộng đồng của một dự án cụ thể. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc Gitcoin tổ chức các vòng tài trợ theo chủ đề. 

Polygon/Matic là gì?

Người dùng có thể tài trợ cho các Grant mà họ quan tâm theo ba cách khác nhau: Thanh toán tiêu chuẩn, zkSync và phương pháp mới nhất là thanh toán trên Polygon/Matic. 

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 7

Sự ra đời của thanh toán Polygon/Matic trên Gitcoin giúp chuyển tiền trực tiếp đến những người nhận tài trợ. Phương pháp này giảm bớt chi phí gas cho người dùng bằng cách cho phép kiểm tra hàng loạt với số lượng không giới hạn các khoản đóng góp tài trợ cùng một lúc.

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 8

Grant Round 12 (GR12)

Đối với GR12, Gitcoin đã làm việc với DAO để chọn ba đề tài gồm có: Vận động ủng hộ công nghệ (Tech Advocacy), Biến đổi khí hậu (Climate Change) và Tuổi thọ (Longevity).

Tech Advocacy

Top 3 dự án đứng đầu trong nhóm Tech Advocacy về số lượng vốn được raised cao nhất là: Coin Center, Blockchain Association, Electronic Frontier Foundation.

Coin Center 

Coin Center là dự án đào tạo các nhà hoạch định chính sách về blockchain công khai, có trụ sở tại Washington, D.C. Coin Center là tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu, tập trung vào các vấn đề chính sách công mà tiền mã hóa với các công nghệ blockchain đang phải đối mặt.

Tổ chức đang cố gắng thúc đẩy môi trường pháp lý tạo điều kiện cho quyền tự do đổi mới bằng công nghệ blockchain.

Coin Center cũng nghiên cứu và xuất bản các nghiên cứu về chính sách từ các chuyên gia có uy tín nhằm đào tạo các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông về công nghệ blockchain.

The Blockchain Association – Hiệp hội blockchain

The Blockchain Association là hiệp hội của các nhà lãnh đạo có uy tín của ngành công nghiệp blockchain và tiền mã hóa của Hoa Kỳ. 

Ngày nay, quá trình áp dụng công nghệ blockchain vào đời sống vẫn còn khá nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề bảo mật. Do đó, các nhà lập pháp phải đưa những quy định khắt khe đối với nhà phát triển nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như tài sản của người dùng.

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 9

Mục tiêu của hiệp hội là cải thiện môi trường chính sách công để các nền tảng blockchain có thể phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Họ cam kết tạo ra các mối quan hệ đối tác sâu rộng với chính phủ, để chia sẻ kiến thức, xác định cơ hội, hướng đến một tương lai kỹ thuật số minh bạch, an toàn và công bằng hơn.

Electronic Frontier Foundation (EFF)

Electronic Frontier Foundation (EFF) thành lập vào năm 1990, là tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu bảo vệ quyền riêng tư kỹ thuật số, tự do ngôn luận và đổi mới. EFF bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, tự do ngôn luận và đổi mới thông qua vấn đáp, tác động, phân tích chính sách, hoạt động cơ sở, phát triển công nghệ. 

Nhiệm vụ của EFF là đảm bảo rằng công nghệ sẽ hỗ trợ tự do, công lý cho tất cả mọi người trên thế giới. 

Ngay cả trong những ngày đầu của Internet, EFF đã hiểu rằng việc bảo vệ quyền truy cập vào công nghệ là trọng tâm để nâng cao tự do cho tất cả mọi người. Ngày nay, EFF vẫn dùng mọi khả năng của mình để mở đường cho các phần mềm mã nguồn mở, tài sản mã hóa…  

Climate Changes

Founder Pledge

Mức độ khí thải hiện tại là tác nhân gây ra hàng triệu ca tử vong hàng năm do ô nhiễm không khí và gây ra những thiệt hại không thể phục hồi cho trái đất. Ngoài ra, còn rất nhiều người trên thế giới không được tiếp cận với công nghệ năng lượng hiện đại, cản trở nghiêm trọng các mục tiêu phát triển.

Quỹ Founders Pledge là một quỹ đầu tư phi lợi nhuận. Quỹ này cam kết tìm kiếm và tài trợ các giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng khí thải mà không ảnh hướng đến tăng trưởng.

Bằng cách xây dựng một danh mục đầu tư hỗn hợp bao gồm các cơ hội tài trợ mạnh mẽ và đáng tin cậy, quỹ hướng đến mục tiêu: khắc phục hậu quả của ô nhiễm không khí đối với con người và hướng đến tương lai giúp cho nhiều người có thể tiếp cận các công nghệ năng lượng sạch.

Bloom Network 

Một cộng đồng quốc tế gồm những người và dự án làm việc tập trung vào mục tiêu xây dựng văn hóa tái tạo. 

Bloom Network tổ chức các sự kiện trải nghiệm tại địa phương và trên các phương tiện truyền thông. Họ tạo ra nền tảng tương tác ảo để tăng cường sự tiếp xúc của công chúng với các giải pháp cơ sở. 

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 10

Để thực hiện công việc này, họ đã tập hợp vốn và các nguồn lực khác, thiết kế một cấu trúc quản trị theo cơ chế DAO, cùng nhau đưa ra các đề xuất phân bổ các quỹ cho quá trình tái tạo khu vực.

Mục tiêu của Bloom khi đến với GR12 là gây quỹ đủ để triển khai các công cụ Web 3.0 nhằm trao quyền cho cộng đồng.

Rainforest Direct 

Tầm nhìn của dự án là thay đổi mô hình của các cơ chế tài chính quốc tế liên quan đến các dịch vụ môi trường và hấp thụ carbon.

Mô hình của Rainforest Foundation là trao quyền cho cộng đồng bản địa sống trong rừng nhiệt đới Amazon sử dụng dữ liệu vệ tinh, máy bay không người lái và điện thoại thông minh để giám sát các vùng lãnh thổ chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp.

Dự án đã được một nghiên cứu khoa học chứng minh tính hiệu quả trong việc giảm nạn phá rừng. 

Rainforest Direct là một nền tảng trực tuyến quản lý cộng đồng bản địa tham gia hoạt động bảo vệ hoặc trồng lại rừng, cho phép các cá nhân và công ty sẽ thanh toán trực tiếp cho cộng đồng dựa trên hiệu quả thực tế từ dữ liệu vệ tinh.

Nó áp dụng công nghệ blockchain hướng tới việc tạo ra một bản ghi minh bạch, bất biến, đáng tin cậy về tác động của nỗ lực tái trồng và bảo tồn rừng, đồng thời cho phép tạo ra dòng tài trợ dựa trên kết quả bền vững. 

Longevity

Lifespan.io

Ra mắt vào năm 2015, Lifespan.io đã trở thành nền tảng tin tức và huy động vốn cộng đồng dành riêng cho những nghiên cứu tuổi thọ trên thế giới.

Họ tạo ra hàng nghìn bài báo, hàng chục triệu video trên nền tảng Web 2.0 và huy động được một quỹ hơn 750.000 đô la Mỹ cho các dự án nghiên cứu được lựa chọn.

Việc Lifespan.io chuyển đổi sang sử dụng nền tảng Web 3.0 sẽ cho phép dự án tiến xa hơn. Dự án có thể triển khai các mô hình huy động vốn cộng đồng mới được thiết kế đặc biệt để thu hút hàng triệu người. 

Đầu tiên, họ sẽ chạy các thử nghiệm lâm sàng có nguồn lực từ cộng đồng, tạo ra các dấu ấn sinh học trên máy tính về sự lão hóa. Sau đó dự án sẽ phát triển toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu về lão hóa, mở đường cho các ứng dụng thú vị trong tương lai sắp tới của Metaverse. 

Nhà đầu tư

Vào tháng 4/2021, Gitcoin đã huy động được 11,3 triệu đô la Mỹ trong vòng Series A do Paradigm dẫn đầu cùng với sự tham gia của nhiều tổ chức và các nhà đầu tư khác như: 1kx, Electric Capital, Naval Ravikant, Balaji Srinivasan… giúp họ thoát khỏi Consensys và trở nên độc lập hơn. 

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 11

Vào tháng 5/2021, DAO của Gitcoin và token GTC đã được ra mắt, mục tiêu là trở nên phi tập trung hơn bằng cách chuyển giao quyền kiểm soát cho cộng đồng. 

Đội ngũ phát triển

Đội ngũ phát triển dự án của Gitcoin là các lập trình viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin lẫn blockchain từ năm 2017, họ bắt đầu ý tưởng về Gitcoin và xây dựng nó từ rất sớm.

Gitcoin được thành lập bởi Keving Owocki cùng Scott Moore. Owocki là giám đốc điều hành, Moore là trưởng nhóm phát triển kỹ thuật kiêm giám đốc nghiên cứu.  

Gitcoin la gi? Tong quan ve du an va token GTC - anh 12

Token của dự án

GTC là token quản trị của hệ sinh thái Gitcoin. GTC được dùng để quản trị Gitcoin DAO. Gitcoin DAO sẽ quản lý một số khía cạnh như: kho bạc cộng đồng, cung cấp khuôn khổ quản trị cho các đại biểu (được gọi là Gitcoin Steward), tham gia vào các quyết định quan trọng của hệ sinh thái như phân bổ quỹ, Matching Pool, và Grant Collusion.

  • Tổng cung: 100.000.000 GTC
  • Số lượng token lưu hành hiện tại: 14.198.201 GTC
  • Blockchain Network: Ethereum (ERC20)

Phân bổ token: 50% nguồn cung được phân bổ cho các thành viên đã đóng góp vào hệ sinh thái trong quá khứ và 50% còn lại sẽ được phân bổ cho những người tham gia trong tương lai dưới sự giám sát của DAO. Cụ thể như sau:

  • Airdrop: 15% tương đương 15.000.000 GTC dành cho những người đóng góp hoặc kiếm tiền từ Gitcoin Bounties, Hackathons và các khoản tài trợ
  • Stakeholder: 35% tương đương 35.000.000 GTC 
  • Community Treasury: 50% tương đương 50.000.000 GTC cho những người tham gia trong tương lai.

Theo thống kê của CoinMarketCap, hiện nay vốn hóa thị trường của GTC đạt 177.937.560.31 đô la Mỹ, xếp hạng thứ 341 với ROI tăng trưởng trong 6 tháng: 30,35% (tính từ ngày 08/06/2021).

Một số kênh thông tin chính thức của dự án mà nhà đầu tư có thể theo dõi là:

Website | Twitter | Medium | Reddit | Youtube

Tổng kết

Mã nguồn mở đã là ngọn cờ tiên phong trong sự phát triển của công nghệ, tạo ra hơn 500 tỷ đô la Mỹ hàng năm. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rất lớn giữa giá trị kinh tế mà mã nguồn mở mang lại và thu nhập của các nhà phát triển. Chính vì vậy, Kevin Owocki đã thành lập Gitcoin với mục tiêu thu hẹp khoảng cách này.

Ngày càng có nhiều dự án mã nguồn mở sử dụng nền tảng Gitcoin để thu hút nhà tài trợ và huy động vốn. Vì vậy, các nhà phân tích tin rằng Gitcoin là một dự án có tầm nhìn và đầy triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, nhận định trên không phải lời khuyên đầu tư, mọi động thái đầu tư cần xem xét kỹ càng thông tin dự án tại thời điểm đó và dự đoán xu thế biến động của thị trường tiền mã hóa.