Nội dung
Secret Network là gì? Những điều cần biết về dự án Secret Network và token SCRT
Secret Network là blockchain đầu tiên mặc định quyền riêng tư dữ liệu, cho phép người dùng xây dựng cũng như sử dụng các ứng dụng mở và bảo vệ quyền riêng tư.
Trong lịch sử phát triển của ngành công nghệ thông tin trong vài thập kỉ gần đây, hay cụ thể hơn là từ những năm 1990 cho đến nay, loài người chúng ta đã chứng kiến vô số những thay đổi và sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng đáng chú ý và có nhiều điểm tương đồng nhất có lẽ là giai đoạn khai sinh của Internet và blockchain hiện nay.
Nếu chưa từng trải nghiệm qua thời kỳ khai sinh của Internet, chắc chắn các bạn sẽ nghĩ rằng 2 tấm hình này không thể nào là từ cùng một công ty đang là một trong những gã khổng lồ của thung lũng Silicon được. Không thể nào giao diện như những trang spam quảng cáo kia lại là từ công ty đang có tổng trị giá trên sàn chứng khoán là hơn 3.000 tỷ USD (theo Reuters, ngày 03/01/2022).
Nhưng đó lại là sự thật, không phải với riêng Apple mà còn là với tất cả những công ty công nghệ hàng đầu thời bấy giờ. Trong giai đoạn đó, để tải xong trang chủ của những trang web với những hình thù và màu sắc ngộ nghĩnh này, người dùng phải mất trung bình là 30 phút chờ. Đồng thời trong suốt thời gian đó, điện thoại bàn hoàn toàn không sử dụng được. Có độc giả sẽ thắc mắc vì sao lại là điện thoại bàn, xin giới thiệu với các bạn công nghệ kết nối Internet thập niên 90, đó là modem dial-up.
Đúng vậy, thiết bị màu vàng bên trái chính là modem để kết nối hay “liên lạc” với các máy tính khác qua đường truyền điện thoại, tạo ra khái niệm đầu tiên về mạng lưới Internet – một mạng lưới những máy tính và hệ thống cơ sở dữ liệu trao đổi thông tin với nhau bằng tốc độ hiện nay được tính theo mili giây.
Lúc trước, máy tính của người dùng cần thực hiện một cuộc gọi trực tiếp đến nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP (Internet Service Provider). Bên ISP phải “bắt máy” để 02 máy tính bắt đầu cuộc “hội thoại” với nhau bằng những tín hiệu mật mã âm thanh để truyền tải nội dung và thông tin mà người dùng sẽ thấy trên màn hình máy tính của mình sau khoảng 30 phút giao tiếp và phiên dịch. Đấy là cách mà những doanh nghiệp ứng dụng Internet và những người tin tưởng vào Internet đã trực tiếp trải nghiệm sử dụng dịch vụ, cảm nhận những bất cập, trả những hóa đơn tiền điện thoại đắt đỏ và không dám nghĩ đến việc chơi game online.
Tuy nhiên, chỉ trong vài năm phát triển, rất nhiều công ty khởi nghiệp trẻ và hàng loạt các dự án về Internet ra đời, sản sinh ra những tên tuổi nổi tiếng như Yahoo, AOL, eBay, Amazon, Netscape… Và trong giai đoạn lịch sử mang tên dot-com đó, đội ngũ phát triển của các dự án và các công ty khởi nghiệp đa phần là những người trẻ tuổi, những sinh viên đại học, bị thu hút bởi lương cao, môi trường làm việc năng động và những chế độ cổ phần công ty cao ngất ngưởng. Hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD tiền đầu tư được đổ vào thị phần này với mong muốn đổi đời của tất cả các nhà đầu tư.
Thế nhưng, mô hình của các công ty dot-com lại không theo khuôn mẫu truyền thống giai đoạn đó. Hầu hết đều tìm cách cung cấp dịch vụ cho những khách hàng tiềm năng một cách miễn phí, với hy vọng một ngày nào đó sẽ nắm được một khoản nhỏ thị phần. Trên thực tế, lợi nhuận không được đặt lên hàng đầu, do vậy, hầu hết các công ty công nghệ thời điểm đó không thu về được bất cứ doanh số nào.
Và rồi những nhà đầu tư tuyệt vọng, các cổ phiếu liên tục bị xả, bong bóng dot-com bị vỡ và thị trường lâm vào cảnh chỉ số đỏ rực. Hàng loạt công ty phải đóng cửa, phải bán để sáp nhập với các công ty khác, hàng loạt vụ kiện tài chính xảy ra. Kể đến đây, chắc hẳn các bạn nghe rất quen phải không? Vâng, đó chính xác là hiện trạng mà blockchain và Crypto đang phải trải qua.
Liệu khi đó, có ai dám nói trước được tương lai của Internet sẽ phát triển được tới mức độ này không? Khi mà chúng ta có thể ngồi ở một nơi hoang vắng nào đó, có khi cách nhau cả nửa bán cầu, miễn là vẫn có đủ sóng 4G hoặc 5G, kết nối không dây trên thiết bị di động thông minh nhỏ gọn trong lòng bàn tay để đọc bài viết này chỉ trong chưa đầy 05 giây tải trang. Cùng lúc đó lại đang mở một ứng dụng chạy nền để nghe một bản Jazz hay tin tức thị trường tổng hợp trên Youtube?
Tương lai của mạng lưới máy tính toàn cầu (Internet) đã được chứng minh ở thời điểm hiện tại, vậy còn “Internet của blockchain” sẽ ra sao? Mời các bạn cùng Coinvn tìm hiểu qua dự án Secret Network này nhé.
Nếu Internet 30 năm về trước là một mạng lưới liên kết và trao đổi thông tin giữa những nhân tố là các máy tính đơn lẻ, thì Internet của blockchain được định hướng là một mạng lưới liên kết tất cả các hệ sinh thái blockchain còn đang tách biệt như hiện nay.
Hiện tại, trên thị trường có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn blockchain đang vận hành một cách độc lập. Mỗi blockchain là một khối siêu dữ liệu của một hệ sinh thái các ứng dụng và cộng đồng người dùng đi kèm. Trớ trêu thay, hầu hết chúng đều có những vấn đề rất chung: Phí gas, khả năng mở rộng, khả năng kết nối, lượng khí thải carbon ra môi trường, số lượng ứng dụng, số lượng người dùng, thanh khoản, bảo mật, tốc độ giao dịch, cách thức quản trị… Do đó, để chọn ra một blockchain tối ưu nhất cho tất cả các nhu cầu sử dụng của tất cả mọi đối tượng từ cá nhân, tư nhân, tổ chức, nhà nước… là điều cực kỳ khó, nếu như không muốn nói là bất khả thi.
Lý do là bởi, nếu ngày hôm nay Ethereum lên top 1, ngày mai chắc chắn một blockchain nào đó như Harmony hay Polygon ra mắt công nghệ bảo mật mới kèm với miễn phí gas, Ethereum sẽ bị đem xuống mổ xẻ. Trên thực tế, cuộc chiến vương quyền này không có lợi cho người dùng và cộng đồng phát triển ứng dụng về lâu về dài. Nó chỉ mang lại lợi ích cho những nhà đầu tư sớm hoặc những nhà giao dịch lướt sóng mà thôi.
Vậy, phải chăng tương lai của blockchain chính là một mạng lưới kết nối tất cả chúng lại với nhau, như khái niệm hệ mặt trời kết nối các hành tinh và dải ngân hà lại bao quát rất nhiều hệ mặt trời? Dự án Secret Network tin vào định hướng đó.
Về mặt kỹ thuật, Secret Network là một blockchain ưu tiên bảo mật lên hàng đầu. Tính năng đó được tích hợp mặc định trong các hợp đồng thông minh để đảm bảo các dữ liệu của người dùng được an toàn. Từ đó, cho phép các nhà phát triển vừa xây dựng được các ứng dụng mở, mà người dùng không cần phải được cấp phép để sử dụng, trong khi các dữ liệu cá nhân vẫn giữ được an toàn. Tính năng này cho phép blockchain bảo vệ người dùng, bảo mật cho ứng dụng và mở ra hàng trăm ứng dụng mới mẻ cho Web 3.0.
Về bản chất công nghệ blockchain, chúng ta đã hoàn toàn có thể có một mạng lưới Internet mạnh mẽ hơn và bao hàm được hầu hết mọi nhu cầu người dùng, thường được gọi với khái niệm là Web 3.0. Tuy nhiên, đối với những blockchain hiện tại thì theo mặc định, bất kỳ ai cũng đều có thể xem mọi thông tin dữ liệu, đẩy người dùng vào những mối nguy cơ tiềm ẩn phía sau.
Secret Network bắt tay vào giải quyết vấn đề, không phải bằng cách đơn thuần là xây dựng giải pháp, hay cung cấp thư viện công cụ, hay một nền tảng để tạo ra các hợp đồng thông minh theo framework có sẵn, mà bằng cách xây dựng một hệ sinh thái blockchain tối ưu và tập trung phát triển hoàn toàn cho tính năng bảo mật dữ liệu.
Secret Network là một dự án blockchain mã nguồn mở và không yêu cầu cấp quyền, được phát triển dựa trên những tài liệu và công trình nghiên cứu bảo mật được viết vào năm 2015 tại MIT, bao gồm luận án “Bảo mật phi tập trung”. Hiện nay, nó là một trong những tài liệu nghiên cứu có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực blockchain với hơn 2.000 bản trích dẫn học thuật khác nhau.
Các nút trên Secret (được gọi là secret node) có thể vận hành các thuật toán như bình thường trên các dữ liệu đã được mã hóa, cho phép các hợp đồng thông minh (được gọi là secret contract) có thể sử dụng các dữ liệu nhạy cảm và mang tính cá nhân như một nguồn đầu vào.
Bên cạnh đó, dự án còn tập trung vào vấn đề bảo mật điện toán, chứ không chỉ đơn thuần là bảo mật cho mức độ minh bạch của một mạng lưới blockchain. Tính năng này của Secret là yếu tố quyết định trong nhiều mảng ứng dụng, từ tài chính phi tập trung, Web 3.0, máy học (machine learning), quản lý truy cập và nhiều lĩnh vực khác.
Dựa theo kế hoạch phát triển được chia sẻ công khai trên trang chủ của dự án, quá trình xây dựng Secret Network trong Quý I 2022 sẽ được chia ra cụ thể cho 02 mảng là ứng dụng phi tập trung, các công cụ và mạng lưới:
Ngoài ra, quá trình phát triển còn bao gồm:
Dự án Secret nhận được hỗ trợ từ nhiều đội ngũ và cá nhân phát triển độc lập, bao gồm SCRT Labs, Secret Foundation, Secretnodes.org, Chain of Secrets, Secure Secrets, Figment, Citadel.One, Stake or Die, WhisperNode… Danh tính cụ thể của các thành viên thì được giữ bí mật.
Dự án Secret Network đã huy động được một quỹ xây dựng hệ sinh thái với tổng số tiền khoảng 400 triệu USD với sự tham gia của hơn 25 tổ chức lớn nhỏ, trong đó có một số nhà đầu tư nổi tiếng trong giới blockchain như DeFiance Capital, Alameda Research, CoinFund, HashKey, Arrington Capital, Dragonfly Capital Partners, Fenbushi Capital, Skyvision Capital, Blocktower Capital, Terraform Labs, Hartmann Ventures, NGC Ventures, Figment Capital, Arkstream Capital, Shima Capital, Magnus Capital, Bison Fund, Momentum6, Arca, Iconium, Huobi Ventures, Kucoin Labs và Skynet Trading.
Token SCRT (hay Secret) là token riêng của dự án Secret Network. Ban đầu khi dự án Secret Network mới ra mắt, nó có tên là Enigma – một dự án vận hành trên Ethereum, với một token có tên là ENG. Cộng đồng Secret Network đã tổ chức một quy trình chuyển đổi cho những ai còn đang sở hữu token ENG sang token SCRT vào tháng 06/2020. Những người dùng đã chuyển đổi 114 triệu token ENG (trên tổng số 150 triệu tổng nguồn cung) cho mainnet của SCRT. Giai đoạn cho phép chuyển đổi từ token ENG sang token SCRT đã kết thúc vào đầu năm 2021.
Theo báo cáo từ tổ chức thành lập Secret Foundation, nguồn cung ban đầu của token SCRT là 161.993.000 SCRT, đã bao gồm 114 triệu token ENG chuyển đổi sang.
Tỉ lệ phân bổ token SCRT được bố trí như sau:
Hiện nay, token SCRT có thể được mua ở rất nhiều những sàn giao dịch CEX và DEX lớn như Binance, Huobi Global, Gate.io, MEXC, Osmosis, CoinEx, WazirX, Mandala Exchange, SiennaSwap, Pionex, BKEX và Hotbit với nhiều cặp giao dịch khác nhau. Độc giả có thể tham khảo thêm tại các trang thông tin như CoinMarketCap.
Hiện tại, hệ sinh thái các ứng dụng phi tập trung của Secret Network gồm có 14 ứng dụng, thuộc các lĩnh vực như tài chính phi tập trung DeFi, NFT, các giải pháp liên lạc và dự án GameFi Secret Heroes.
Tiềm năng của dự án Secret Network là rất cao khi các hệ sinh thái blockchain khác tham gia vào mạng lưới “Internet của các blockchain” này. Chẳng hạn như, những dự án cần lưu trữ thông tin người dùng, hay những nền tảng muốn lưu trữ thông tin thẻ tín dụng của người dùng, hoặc lưu trữ thông tin mật khẩu…
Có thể hình dung nếu như Secret Network liên kết các hệ sinh thái hàng đầu hiện tại như Solana, Binance, Avalanche hoặc Ethereum, tổng vốn hóa thị trường của dự án này có thể lên đến hàng chục tỷ USD. Tuy nhiên, đó là nếu dự án này tiếp tục phát triển tốt như những định hướng ban đầu đã hoạch định, còn thị trường này thì luôn biến động không ngừng.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm cái nhìn mới về những tiềm năng phát triển của không chỉ riêng dự án Secret Network, mà là còn của Web 3.0 hay một tương lai của Internet các blockchain.
Nếu quan tâm đến dự án Secret Network, độc giả có thể theo dõi các kênh truyền thông của dự án:
Website | Thông tin dự án | Twitter | Telegram | Reddit