Hệ sinh thái Arbitrum – giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 của Ethereum

Arbitrum là một giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 của Ethereum và đã không còn xa lạ với người dùng của hệ sinh thái này. Hãy cùng Coinvn điểm qua những thay đổi sau gần 1 năm ra mắt của Arbitrum.

15322Total views
He sinh thai Arbitrum – giai phap mo rong quy mo Layer 2 cua Ethereum - anh 1
Hệ sinh thái Arbitrum - giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 của Ethereum

Chúng ta không thể phủ nhận rằng tất cả những ý tưởng Ethereum mang lại cho người dùng đều có tính sáng tạo và mới mẻ, trong khi các dự án blockchain khác đều dựa vào các ý tưởng trên Ethereum để phát triển. 

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của Ethereum chính là phí giao dịch và phí gas cao, đôi khi bị nghẽn mạng dẫn đến các giao dịch mất rất nhiều thời gian để có thể được thực hiện thành công. Và việc này đã trở thành rào cản gia nhập đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Trên thực tế, phí giao dịch và phí gas cao của Ethereum là một trong những lý do chính biến năm 2021 trở thành năm tăng trưởng vượt bậc của các nền tảng blockchain Layer 1 như Solana, BNB Chain… Đây là những giải pháp thay thế blockchain Ethereum.

Mặc dù, Ethereum chiếm đến 97% trong tổng giá trị tài sản bị khóa của DeFi (số liệu ghi nhận vào ngày 01/01/2021). Nhưng với sự xuất hiện của nhiều blockchain Layer 1 như hiện nay, đã khiến tổng giá trị tài sản bị khóa trên Ethereum giảm xuống dưới mức 60%. 

He sinh thai Arbitrum - giai phap mo rong quy mo Layer 2 cua Ethereum - anh 2

Tuy nhiên, vẫn không có hệ sinh thái nào phát triển vượt bậc và có thể vượt mặt sự thống trị của Ethereum trong không gian DeFi. Đồng thời, Ethereum vẫn là nền tảng blockchain Layer 1 hàng đầu, nhưng với nhược điểm của nó đã không thể đáp ứng nhu cầu về một nền tảng blockchain có các khoản phí rẻ hơn. 

Và các blockchain Layer 1 như Solana, BNB Chain, Avalanche, Fantom… lại đáp ứng được nhu cầu đó, nhưng mỗi loại đều có những nhược điểm riêng khi nói đến bảo mật, thanh khoản và phân quyền. 

Chính vì thế, các giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 của Ethereum đã được ra đời, nó có tính bảo mật như Ethereum, nhưng phí gas lại rẻ hơn rất nhiều. Arbitrum là một trong những nền tảng tiên phong giúp người dùng có thể tương tác với Ethereum mà không phải trả phí cao ngất ngưởng.

Arbitrum là gì?

Arbitrum là một giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 cho Ethereum, nó sử dụng công nghệ Optimistic Rollup. Về cơ bản, giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 như một blockchain được xây dựng trên “nền móng” của một blockchain khác. Trong trường hợp này, Arbitrum được xây dựng trên Ethereum. 

Mặc dù xây dựng trên blockchain Ethereum, nhưng Arbitrum cung cấp một nền tảng có phí giao dịch rẻ hơn và tốc độ xử lý giao dịch cũng nhanh hơn, đồng thời được hưởng lợi từ sự bảo mật của Ethereum. Đây là một lợi thế rất lớn so với các sidechain hoặc blockchain Layer 1 khác. 

Một ví dụ điển hình về điều này là vụ hack cầu nối Wormhole gần đây trên Solana. Khi người dùng kết nối các tài sản gốc Ethereum để giao dịch xuyên chuỗi với một blockchain Layer 1 khác, sẽ có nguy cơ bị khai thác hoặc bị tấn công, chính vì thế tài sản của người dùng không thực sự an toàn.

Tuy nhiên, khi người dùng kết nối các tài sản gốc Ethereum với Arbitrum, sẽ không có rủi ro tương tự tồn tại trên nền tảng này. Và đặc biệt là điều này đã được Vitalik Buterin khẳng định.

Làm thế nào để Arbitrum đạt được các giao dịch nhanh hơn và rẻ hơn? 

Như đã đề cập, Arbitrum là một giải pháp mở rộng Layer 2 của Ethereum, giúp các giao dịch được diễn ra suôn sẻ với phí gas thấp. Để làm được điều này, công nghệ Optimistic Rollup của Arbitrum sẽ lấy các thông tin, dữ liệu giao dịch xảy ra trên Layer 1 rồi cuộn tất cả lại với nhau và xử lý nó ngoài chuỗi. Sau đó, dữ liệu được nén và gửi trở lại chuỗi chính Layer 1. 

Về cơ bản, công nghệ Optimistic Rollup không thực hiện các tính toán trong việc xử lý các giao dịch như thuật toán Proof of Work của Ethereum. Để có thể đảm bảo các giao dịch là hợp pháp và không có hành vi xấu, công nghệ này sẽ dựa vào bằng chứng gian lận (Fraud Proof). Điều này giúp Arbitrum dễ dàng phát hiện các vấn đề gian lận trong việc xử lý giao dịch để nhanh chóng hoàn tác cho người dùng.

Đây là lý do tại sao việc chuyển tiền từ Ethereum sang Arbitrum chỉ mất khoảng 10 phút, nhưng việc chuyển tiền từ Arbitrum sang Ethereum có thể mất gần 1 tuần. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại người dùng không thể trực tiếp đầu tư vào Arbitrum, vì vẫn chưa có token liên kết với nó và tất cả phí gas phải được thanh toán bằng ETH.

Mặc dù không có token, nhưng không có nghĩa là không có cách nào định giá được giá trị của Arbitrum. Theo DefiLlama, Arbitrum hiện có TVL 2,17 tỷ đô la Mỹ (ghi nhận vào ngày 22/03/2022). Hiện tại, có 13 nền tảng hợp đồng thông minh có TVL đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ. Bằng cách lấy giá trị giới hạn TVL trung bình, phân vị thứ 25 và phân vị thứ 75 của 13 nền tảng hợp đồng thông minh đó đã cho kết quả như sau: 

He sinh thai Arbitrum - giai phap mo rong quy mo Layer 2 cua Ethereum - anh 3

Ngoài ra, khi so sánh nó với Metis – một nền tảng Layer 2 khác của Ethereum. Nếu Arbitrum ra mắt token, thì rất có thể vốn hóa của nó trên thị trường sẽ nằm trong phạm vi 2 – 8 tỷ đô la Mỹ. 

Dựa trên những con số này, chúng ta có thể thấy rằng Arbitrum đã tự thiết lập mình như một nền tảng hợp đồng thông minh có giá trị. Trong số tất cả các nền tảng hợp đồng thông minh (cả Layer 1 và Layer 2), Arbitrum đã nhiều lần có mặt trong top 10 TVL cao nhất được thống kê bởi DefiLlama. Đây chỉ là sự khởi đầu cho Arbitrum vì các blockchain Layer 2 sẽ tiếp tục phát triển, trở nên phổ biến hơn trong năm 2022 và hơn thế nữa.

Những vấn đề xoay quanh token này hoàn toàn chỉ là giả thuyết và chưa tồn tại. Chính vì thế, cách duy nhất để đầu tư vào Arbitrum là thông qua hệ sinh thái đang phát triển của nó. 

Bây giờ, hãy cùng đội ngũ Coinvn khám phá hệ sinh thái rộng lớn của Arbitrum trong phần dưới đây. 

Hệ sinh thái đang phát triển của Arbitrum 

Những dự án gốc Ethereum

Yếu tố quan trọng nhất góp phần giúp Arbitrum thành công là nền tảng này tương thích với hệ thống EVM. Các nhà phát triển quen thuộc với EVM có thể dễ dàng xây dựng và triển khai mã code trên Arbitrum tương tự như khi họ làm việc trên Ethereum. Điều này đồng nghĩa với việc các giao thức DeFi được xây dựng trên Ethereum có thể khởi chạy trên Arbitrum một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Các giao thức gốc Ethereum này đã tạo nên phần lớn TVL cho Arbitrum trong giai đoạn đầu. SushiSwap là dự án điển hình góp phần tạo nên thành công của Arbitrum. Đồng thời nó cũng là giao thức lớn nhất và chiếm 22,48% tổng số TVL của Arbitrum. 

Một điểm thú vị nhất là SushiSwap triển khai trên Arbitrum đã thuận lợi thu hút nhiều người dùng và tạo ra lượng TVL lớn hơn khi nó triển khai trên chuỗi chính Ethereum. Việc hệ sinh thái Arbitrum có sự góp mặt của SushiSwap đã giúp hệ sinh thái có được một nguồn thanh khoản dồi dào. Điều này cho phép người dùng giao dịch các cặp tài sản mà họ yêu thích không còn phải đối mặt với rủi ro trượt giá. 

Mặc dù SushiSwap được đánh giá là giao thức gốc Ethereum được triển khai trên Arbitrum thành công nhất, nhưng vẫn còn rất nhiều giao thức thành công khác. Cả Curve Finance và Abracadabra Money đều đã ra mắt trên nền tảng này với TVL lần lượt là 235 triệu đô la Mỹ và 222 triệu đô la Mỹ. 

Sau một năm ra mắt, hệ sinh thái Arbitrum đã có sự góp mặt của nhiều Dapp và giao thức gốc Ethereum. Ngoài những cái tên tiêu biểu kể trên còn có Uniswap, Balancer, Ren, Multichain và Synapse đều đã được triển khai thành công.

Những dự án được triển khai trực tiếp trên Arbitrum

Mặc dù, các giao thức và Dapp gốc Ethereum triển khai trên Arbitrum nhận được sự quan tâm nhiều hơn và chiếm phần lớn trong TVL của nền tảng Layer 2 này. Nhưng Arbitrum cũng đã tạo được tiếng vang nhờ vào các giao thức và Dapp đượctriển khai trực tiếp trên nền tảng của nó. Dopex, GMX và Treasure DAO là đại diện tiêu biểu trong nhóm các dự án triển khai trực tiếp trên Arbitrum.

Dopex

Dopex là giao thức đầu tiên được khởi chạy trên Arbitrum, được xây dựng bởi TzTok-Chad và nhận được sự đầu tư của những “cá voi” nổi tiếng trong DeFi như Tetranode và DeFiGod1. 

Dopex mang đến cho người dùng một nguồn thanh khoản dồi dào và một nền tảng giao dịch quyền chọn phi tập trung ít rủi ro nhất có thể. Hiện tại, sản phẩm chính của dự án là Single Staking Option Vaults (SSOVS). Sản phẩm này cho phép người dùng gửi các tài sản như ETH, DPX, rDPX CRV, BTC, BNB… vào các Vault và nhận về phí bảo hiểm, cũng như các phần thưởng liên quan. 

Dopex sử dụng mô hình hai token để nắm bắt các giá trị của giao thức một cách tốt nhất. DPX là token quản trị của Dopex, được sử dụng để bỏ phiếu cho bất kỳ đề xuất quản trị của dự án. Ngoài ra, tất cả các khoản phí do nền tảng Dopex tạo ra sẽ được phân phối cho chủ sở hữu DPX trong một hệ thống được gọi là “veTokenomics” , hiện nó vẫn chưa được phát hành.

GMX

GMX là một sàn giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh cửu phi tập trung được khởi chạy trên cả Arbitrum và Avalanche. GMX cho phép bạn giao dịch Long/Short các loại tài sản như ETH, BTC, LINK và UNI với đòn bẩy lên đến 30x trên nền tảng phi tập trung. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng khối lượng giao dịch thực hiện trên GMX đã đạt hơn 16 tỷ đô la Mỹ và phí giao dịch mà nền tảng thu được là hơn 22 triệu đô la Mỹ.

Tương tự như Dopex, GMX cũng đã triển khai mô hình hai token. GMX là token quản trị chính cho phép người dùng bỏ phiếu đối với các đề xuất quản trị của dự án. Ngoài ra, người dùng có thể sử dụng token này để staking và nhận 30% phí của nền tảng. Token thứ hai của nền tảng GMX là GLP. Khi cung cấp thanh khoản cho GMX, nhà đầu tư sẽ nhận lại GLP và khi sử dụng token này để staking, họ sẽ nhận được 70% phí của nền tảng. 

Vào tháng 12/2021, một bộ sưu tập NFT có tên GMX Blueberry Club đã được ra mắt. Khác với các bộ sưu tập NFT thông thường, thay vì chỉ sử dụng các NFT làm ảnh đại diện trên các trang mạng xã hội, GMX Blueberry Club được đính kèm với một số lợi ích tài chính.

Được biết, đội ngũ GMX sẽ sử dụng hơn 650.000 đô la Mỹ trong kho bạc của dự án để phân phối cho các thành viên của GMX Blueberry Club. Đây là một cách tuyệt vời để khuyến khích những người có công đóng góp cho dự án phát triển, cũng như luôn theo dõi và ủng hộ họ.

Treasure DAO

Metaverse là một trong những chủ đề hot nhất trong những tháng vừa qua. Chính vì thế, sẽ không quá xa lạ khi hệ sinh thái Arbitrum có sự góp mặt của một dự án Metaverse, có tên là Treasure DAO. 

Treasure DAO sẽ xây dựng một hệ sinh thái Metaverse thu nhỏ với tên gọi “Bridgeworld”. Bridgeworld hướng tới mục tiêu trở thành “cầu nối” giữa tất cả các dự án Metaverse và NFT khác nhau. Ngoài ra, token của TreasureDAO – MAGIC sẽ là đơn vị tiền tệ sử dụng chung cho tất cả các dự án được liên kết trong Bridgeworld.

Treasure DAO và Bridgeworld vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng việc token MAGIC có vốn hóa hơn 100 triệu đô la Mỹ đã một phần nào khẳng định được tiềm năng của dự án này. 

Những dự án gốc Arbitrum khác

Mặc dù Dopex, GMX và Treasure DAO có thể là những dự án thành công nhất trong số các dự án gốc Arbitrum, nhưng vẫn còn rất nhiều dự án khác có tiềm năng. Arbitrum đã cung cấp cho nhiều dự án và đội ngũ phát triển một nơi hoàn hảo để triển khai dự án của họ. 

Tracer DAO

Tracer DAO là một nền tảng giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh cửu phi tập trung hoàn toàn mới. Cải tiến quan trọng của Tracer DAO là việc sử dụng Perpetual Pool, nó có nhiệm vụ mã hóa các vị thế Long/Short của nhà giao dịch. Điều này giúp cho người dùng có thể thuận lợi giao dịch tài sản trên thị trường thứ cấp và không có rủi ro bị thanh lý. 

TCR là token quản trị của Tracer DAO, được sử dụng để bỏ phiếu đối với các đề xuất liên quan đến việc triển khai và sửa đổi mã code, cũng như kiểm soát quỹ kho bạc.

Jones DAO

Jones DAO là một giao thức hoàn toàn mới trên Arbitrum vừa hoàn thành đợt bán token công khai. Mục tiêu của nó là huy động được 5.000 ETH, nhưng trên thực tế dự án đã huy động được hơn 23.000 ETH. 

Jones DAO có mối quan hệ chặt chẽ với dự án Dopex vì mục tiêu của nó là trở thành một nền tảng cung cấp chiến lược quyền chọn. 

Về cơ bản, nếu người dùng không muốn tự quản lý các vị thế giao dịch, thì có thể gửi tài sản vào Jones DAO. Dự án sẽ sử dụng sản phẩm SSOV của Dopex để thay người dùng quản lý vị thế của họ. 

JONES là token của Jones DAO, được sử dụng để bỏ phiếu đối với các đề xuất quản trị của dự án, thanh toán phí giao dịch và làm phần thưởng khai thác thanh khoản. Ngoài ra, Jones DAO cũng sẽ triển khai một token thứ 2 là veJONES để nâng cao hiệu quả của giao thức, dự kiến sẽ ra mắt trong Quý 2 năm 2022.

Vesta Finance

Vesta Finance là một giao thức cho vay đa tài sản thế chấp trên Arbitrum. Vesta Finance hoạt động theo cơ chế tương tự như MakerDAO hoặc Abracadabra Money. Về cơ bản, người dùng có thể gửi các tài sản thế chấp như ETH, renBTC và gOHM vào Vesta Finance và đổi lại họ sẽ nhận được đồng VST – một stablecoin có giá trị neo với USD. Trong tương lai, Vesta Finance sẽ bổ sung thêm tài sản để thế chấp hơn nữa. 

VSTA là token của dự án Vesta Finance, nó được sử dụng để bỏ phiếu đối với các đề xuất quản trị của dự án và làm phần thưởng trong các chương trình khuyến khích khai thác thanh khoản.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về giải pháp mở rộng quy mô Layer 2 của Ethereum và một vài dự án trong hệ sinh thái của Arbitrum. Hệ sinh thái Arbitrum thực sự đang phát triển mạnh mẽ, thế nhưng nếu so với những nền tảng blockchain Layer 1 thay thế Ethereum (như Solana, BNB Chain…), thì Arbitrum vẫn còn thiếu một số các mảnh ghép quan trọng trong DeFi. 

Để tìm hiểu rõ hơn về những điểm nổi bật của Arbitrum và sự phát triển của nó thông qua dữ liệu on-chain, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết “tổng quan về Arbitrum và phân tích dữ liệu on-chain của dự án”.