Nội dung
Toàn cảnh blockchain – Phần 2: Các ứng dụng của blockchain – P1
Tiếp nối seri Toàn cảnh blockchain, ta cùng tìm hiểu các ứng dụng của blockchain trong các dịch vụ tài chính, cũng như khoa học sức khoẻ và đời sống.
Chuyển nhượng giá trị luôn là một quy trình chậm chạp và đắt đỏ, điều này càng thể hiện rõ rệt khi thực hiện các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Hầu hết những hệ thống thanh toán quốc tế đều chuyển các giao dịch qua nhiều ngân hàng khác nhau trước khi đến được tài khoản người nhận. Dù quy trình như vậy sẽ đảm bảo được tính an toàn của tài sản, nhưng nó cũng làm cho các giao dịch chuyển tiền trở nên chậm chạp, đắt đỏ và thiếu đảm bảo. Người nhận sẽ không biết được giao dịch chuyển tiền có thật sự được thực hiện hay chưa cho đến khi thực nhận vào tài khoản.
Công nghệ blockchain có thể đơn giản hóa và tăng tốc cho quy trình chuyển tiền quốc tế hiện nay, bằng cách cắt bỏ những đơn vị trung gian truyền thống. Đồng thời qua quy trình này, chuyển tiền kiều hối cũng sẽ trở nên hợp lí về chi phí hơn. Chi phí kiều hối lúc trước rơi vào khoảng từ 5-20%, thông qua công nghệ blockchain nay giảm xuống còn từ 2-3% trên tổng số tiền giao dịch. Cùng lúc đó, các giao dịch quốc tế đều được đảm bảo và được thực hiện trong thời gian thực.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có r3, Santander, CLS và Wyre.
Khoảng 80-90% giao dịch toàn cầu đều phụ thuộc vào tài trợ tài chính thương mại. Các giao dịch thuộc nhóm tài trợ thương mại bao gồm cho vay, cung cấp thư tín dụng (LoC hay Letter of Credit), bảo hiểm và tín dụng xuất khẩu. Những giao dịch này chiếm một lượng lớn trong các hoạt động thương mại trên toàn cầu. Về cơ bản, bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào được giao dịch xuyên biên giới đều bao hàm một vài hình thức tài trợ thương mại kể trên.
Một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến tài trợ thương mại là lượng giấy tờ khổng lồ trong quá trình xử lý các luồng thông tin. Và thật đáng kinh ngạc khi những phương thức cổ điển cả trăm năm tuổi này ít có sự thay đổi trong suốt lịch sử phát triển từ xưa đến nay.
Sự hạn chế trong quá trình kỹ thuật số hóa của tài trợ thương mại đã biến nó trở thành một ứng viên lý tưởng trong quá trình cách mạng công nghệ blockchain. Rất có thể, blockchain sẽ tái thiết lập lại cơ chế tài trợ thương mại cho thế giới hiện đại ngày nay, với sự minh bạch hơn, nhiều cơ hội cho các khoản lợi nhuận mới hơn và chi phí nền tảng cũng được tối ưu hóa hơn.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có we.trade và MarcoPolo.
Một trong những vấn đề lớn nhất của ngành bảo hiểm là lừa đảo. Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ, số tiền liên quan đến các vụ lừa đảo hàng năm lên tới 80 tỷ USD trong các đường dây bảo hiểm. Mặc dù các công ty bảo hiểm đang cố gắng khắc phục những trường hợp khiếu nại sai, bằng những công cụ phân tích thông minh và các phương pháp luận khác, những kẻ lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn trong việc giả mạo nhằm trục lợi từ những bên bảo hiểm.
Blockchain có rất nhiều ứng dụng trong lĩnh vực bảo hiểm. Tính minh bạch và hiệu quả đang giúp giảm thiểu dần các vụ lừa đảo, tự động hóa các quy trình và nhiều ứng dụng khác. Một sổ cái phân tán được đồng bộ với các cơ chế phòng chống lừa đảo đang có sẵn, có thể giúp đảm bảo những người tham gia vào chuỗi giá trị bảo hiểm có thể chống lại các vụ lừa đảo một cách hiệu quả, cũng như có thể tiến hành xử lý những khiếu nại đúng đắn một cách nhanh chóng hơn. Ngoài ra, tính năng đánh dấu thời gian xử lý các giao dịch được tích hợp sẵn trong công nghệ blockchain, kèm với những đặc tính được kiểm toán toàn bộ, làm cho việc lừa đảo hay khiếu nại khống trở nên cực kỳ khó khăn.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có Everledger, Lemonade và B3i.
Việc thanh toán chậm trong quá trình giải ngân khiến cho các ngân hàng đang bỏ ngỏ hàng tỷ USD mỗi năm. Theo ước tính của BCG, những đơn vị môi giới lớn có thể đầu tư 15 đến 20 tỷ USD cho mỗi ngân hàng và giảm thời gian xử lý xuống còn một ngày. Với một khoản đầu tư như vậy, chi phí vận hành có thể tiết kiệm hơn 175 triệu USD. Trong khi đó, sử dụng công nghệ blockchain trong quy trình giải ngân có thể giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành khi quá trình có thể diễn ra gần như ngay lập tức. Theo ước tính của Accenture, ngành tài chính toàn cầu có thể tiết kiệm lên tới 10 tỷ USD khi sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và xử lí các bước giải ngân.
Tính tập trung của hầu hết các quy trình giải ngân biến nó trở thành ứng cử viên sáng giá có thể áp dụng cải tiến bằng công nghệ blockchain. Điều này còn giúp giảm các rào cản và chi phí cho tất cả các bên tham gia. Toàn bộ quá trình sẽ được triển khai qua các bước đơn giản, không cần tiêu tốn nhiều ngày để xử lí mà chỉ trong tích tắc vài giây.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có Equibit và SETL.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống là một trong những lĩnh vực an sinh quan trọng của thế giới loài người. Tuy nhiên, đi kèm với sự gia tăng không ngừng về dân số là những vấn đề tồn đọng từ lâu, làm đau đầu các nhà chức trách của các nước trên thế giới. Trong đó:
Khả năng tương tác là một vấn đề nổi cộm trong ngành chăm sóc sức khỏe, và việc cải thiện nó luôn là ưu tiên hàng đầu từ các cấp chính quyền, nhà cung cấp dịch vụ cũng như các bệnh nhân trong suốt một khoảng thời gian dài.
Đáng ngạc nhiên là, trong các hệ thống EHR (Electronic Health Record, hay hồ sơ bệnh án điện tử) hiện tại, không có một công cụ thống nhất để xác định bệnh nhân và luôn có những hiện tượng lặp đi lặp lại của việc chặn thông tin, xuất phát từ những chính sách bất hợp lý từ những nhà cung cấp trong quá trình trao đổi thông tin bệnh án điện tử.
Trong một hệ thống chăm sóc sức khỏe ứng dụng công nghệ blockchain, khả năng tương tác giúp trao quyền cho tất cả các bên liên quan có thể tương tác với bên còn lại, chia sẻ các thông tin y tế, cũng như dữ liệu cá nhân một cách thuận tiện. Quy tắc đồng thuận sử dụng thuật toán mã hóa cung cấp đủ yếu tố tin cậy để trao đổi các dữ liệu sức khỏe một cách liền mạch, giúp giảm thiểu tối đa các chi phí để đối chiếu các dữ liệu y tế và rủi ro cho các cuộc tấn công mạng.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm MedRec và Medicalchain.
Thuốc giả hay thuốc lậu đang làm ngành dược thất thoát hàng tỉ USD mỗi năm. Bên cạnh đó, những loại thuốc này khiến cho các bệnh nhân phải đối mặt với các rủi ro cao về mặt sức khỏe. Trên thế giới, mỗi năm có hơn một triệu người chết vì sử dụng các thuốc có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Khả năng theo dõi nguồn gốc của các loại thuốc trong chuỗi cung ứng y tế là một trong những bước tiến quan trọng trong việc hạn chế nguồn cung của những dược phẩm lậu này. Nhưng với những phương pháp truyền thống hiện nay, hiệu quả của quá trình này không cao mà còn tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí, dẫn đến một thế trận không mấy khả quan cho các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ blockchain, các công ty dược phẩm có thể sử dụng một sổ cái phi tập trung để theo dõi và xác thực luồng của mỗi loại thuốc trên một hồ sơ lưu trữ không thể bị thay đổi. Những hộp đựng thuốc được đánh dấu bằng các số seri và các kiện hàng có chứa những seri đó sẽ được quét và lưu trữ thông tin trên blockchain ở mỗi bước, từ khi còn ở nhà máy sản xuất, cho đến khi ra tới các nhà thuốc cung ứng cho người dùng.
Mỗi lần một loại thuốc được chuyển cho một đơn vị khác, thông tin đó sẽ được lưu trữ trên blockchain, giúp các công ty xác định các sản phẩm giả mạo trước khi chúng kịp đến tay người tiêu dùng.
Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có BlockVerify và Innoplexus.
Thực hiện các thử nghiệm lâm sàng là một quy trình rất tốn kém về mặt thời gian và chi phí, liên quan đến các bên tham gia. Nó cũng đòi hỏi một mức độ quy định cao, tính chính xác tuyệt đối và quy trình giám sát liên tục. Trong quá trình thử nghiệm, một lượng lớn dữ liệu sẽ được tạo ra, bao gồm những báo cáo về độ an toàn và chất lượng, các thống kê, các xét nghiệm máu, khảo sát và các kết quả xét nghiệm bằng hình ảnh.
Chính vì số lượng người liên quan rất lớn, rất khó để theo dõi và kiểm soát tất cả mọi người. Những vụ lừa đảo thường bao gồm chỉnh sửa hoặc che giấu các dữ liệu có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ của các thử nghiệm, và làm ảnh hướng đến hình ảnh của một tổ chức trước các đơn vị điều hành hoặc bệnh nhân.
Nhờ sử dụng công nghệ blockchain, các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng có thể được lưu trữ một cách bảo mật, không thể làm giả và được xác thực một cách công khai. Từ đó, giúp hạn chế và ngăn ngừa việc can thiệp chỉnh sửa các kết quả thử nghiệm, đồng thời, tăng độ tin cậy của các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này gồm có Innoplexus.
Coinvn hy vọng qua bài viết trên, độc giả biết được bên cạnh ứng dụng trong bảo mật tiền mã hoá, blockchain còn vô cùng hữu ích trong lĩnh vực tài chính, cũng như khoa học sức khoẻ đời sống. Rất mong bạn đọc tiếp tục đón xem phần 3 của seri Toàn cảnh blockchain – Các ứng dụng của blockchain – P2.